Phá giá tiền đồng: Nhiều người chịu lỗ đơn, lỗ kép

Kinh tếThứ Ba, 25/08/2015 07:15:00 +07:00

Pha gia tien Dong: Khi tiền đồng và nhân dân tệ cùng nhau phá giá, những người nhập khẩu và những người vay USD lỗ đơn, lỗ kép.

(VTC News) – Khi tiền đồng và nhân dân tệ cùng nhau phá giá, những người nhập khẩu và những người vay USD lỗ đơn, lỗ kép.

Chưa buôn đã lỗ

Sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ gần 5% trong 3 ngày liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh biên độ tỷ giá. Phải khẳng định, đây là nỗ lực cần thiết, kịp thời và đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm thiểu tác động phá giá đồng Nhân dân tệ đối với nền kinh tế đất nước.

Động thái này hỗ trợ nhiều cho các đơn vị xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa, các đơn vị nhập khẩu phải hứng chịu “tác dụng phụ”.

Là chủ của Meomeoshop Nguyễn Văn Tố (Hà Nội), đơn vị chuyên phân phối hàng hiệu xách tay từ Mỹ với các nhãn hàng Victoria's Secrect, Ralp Lauren, Chanel, Gucci,... chị Hương than thở đang đau đầu vì tỷ giá. Chị cho biết, trong khi công việc đang rất thuận lợi, đồng USD tăng vọt khiến chị chưa biết tính toán thế nào.

Chị Hương chia sẻ vì hàng của chị tiêu thụ khá nhanh nên một tháng ít nhất chị nhập hai lần với tổng giá trị đơn hàng lên tới vài chục ngàn USD. Kể từ giữa tháng 8, chị nhập hàng 2 lần. Giá trị 2 đơn khoảng 40.000 USD.


Đến nay, hàng vẫn chưa về nhưng tỷ giá đã kịp tăng 2%. Như vậy, chỉ riêng tỷ giá đã khiến chị lỗ gần 20 triệu đồng. Ban đầu, chị Hương định chia sẻ khó khăn với khách hàng. Nhưng sau khi tính toán kỹ, chị Hương quyết định giữ nguyên giá đã báo cho khách.

Chị Hương phân tích: “Khoản lỗ tỷ giá 20 triệu đồng trong nửa tháng không phải con số nhỏ. Sẽ công bằng hơn cả khi chủ shop chịu một nửa, khách chịu một nửa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thị trường đang cạnh tranh gay gắt. Nếu tăng giá, tôi có thể mất khách. Vì vậy, để giữ khách, tôi đành cắn răng gánh toàn bộ khoản lỗ này”.

“Tôi đảm bảo không tăng giá bán ra. Giá vẫn được duy trì như khi tôi báo giá hồi đầu tháng. Thế nhưng, nếu tỷ giá vẫn tăng, có lẽ tôi hay bất cứ người bán hàng nào cũng phải xoay cách khác vì không thể chịu lỗ được lâu” – Chị Hương thành thật.

Nếu chị Hương chỉ phải gánh khoản “lỗ đơn” từ tỷ giá thì ông Nguyễn Mạnh Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Trần Dương Đồng Tiến lại khẳng định công ty chịu khoản “lỗ kép”.

Ông Huỳnh cho biết Trần Dương Đồng Tiến chuyên cung cấp máy đếm tiền, máy phát điện chính hãng. Công ty có quan hệ giao thương khá thường xuyên với đối tác Trung Quốc. Phương thức thanh toán mà công ty thường xuyên sử dụng chính là dùng tiền đồng mua USD rồi sử dụng USD thanh toán hàng hóa (quy theo nhân dân tệ).

“Bình thường, hình thức thanh toán này không đến nỗi quá phức tạp. Nhưng kể từ khi tiền đồng và nhân dân tệ cùng tăng giá, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khi dùng tiền đồng mua USD, chúng tôi lỗ 2%. Nếu tính từ đầu năm, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá là 3%. Sau đó, khi dùng USD thanh toán cho hàng hóa tính bằng nhân dân tệ, chúng tôi lỗ thêm gần 5% nữa. Như vậy, khi hàng vừa rời kho của đối tác, chúng tôi đã lỗ 7% đến 8%” – Ông Huỳnh phân tích.

“Hàng hóa của chúng tôi đều có giá trị cao nên khoản chênh 7% đến 8% là con số rất lớn. Chúng tôi không thể tự mình gánh hết được. Nhưng chia sẻ với khách hàng cũng khó. Khách hiểu đấy nhưng họ không thông cảm. Ai dễ thì chúng tôi tăng giá vài phần trăm. Nhưng có hợp đồng, tôi đành phải  hủy vì không thỏa thuận được với khách” – Ông Huỳnh cho biết.

Theo ông Huỳnh, đúng là thời điểm này Ngân hàng Nhà nước cần tác động tới tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, không vì thế mà Ngân hàng Nhà nước quên đi các đơn vị nhập khẩu. Ông Huỳnh mong cơ quan chức năng có chính sách phù hợp hỗ trợ những đơn vị như công ty ông.

Đi vay cũng lỗ

Kinh doanh nên chịu lỗ là điều dễ hiểu. Nhưng có người chẳng hề buôn bán mà lỗ đến vài chục triệu đồng thì lại là điều đáng suy ngẫm.

Chị Dương Thu Hằng (Bắc Giang) mua được mảnh đất ở Hoàng Mai đã 3 năm nay. Cuối tháng 6 Âm lịch, một phần vừa được tuổi xây nhà, một phần vừa tích cóp được một khoản tiền kha khá, vợ chồng chị Hằng quyết định động thổ.

Vì thiếu tiền nên anh chị quyết định vay nóng trong thời gian chưa đầy 1 tháng. Chị vay bằng USD.

“Nhận được USD từ bạn, tôi mang ra Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bán với giá hơn 21.800 đồng/USD. Nhưng ngày 24/8, khi thanh toán, tôi phải mua vào với giá 22.800 đồng. Tiền chênh lệch tôi phải trả là 1.000 đồng/USD” – Chị Hằng chia sẻ.

Không tiết lộ số tiền vay cụ thể nhưng chị Hằng cho biết tỷ giá tăng khiến chị thiệt hơn 20 triệu đồng. “Với mọi người, 20 triệu chỉ là muối bỏ bể nhưng với người có mức lương 7,2 triệu đồng/tháng như tôi thì đây là con số không hề nhỏ chút nào” – Chị Hằng khẳng định.

“Chưa đầy nửa tháng, tôi mất không 20 triệu đồng. Trong khi đó, vợ chồng tôi vẫn phải đi vay từng đồng để cố gắng dựng căn nhà tươm tất, nhưng như này đúng là chưa xây xong cái móng mà đã mất đi cái bếp. Không phải tôi kể khổ đâu nhưng hôm nay (24/8), sau khi vét tới đồng xu cuối cùng để mua USD trả nợ, tôi mới nhớ ra con hết sữa. Thế là lại vay cô bạn đồng nghiệp” – Chị Hằng tâm sự.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Hằng, chị Thu Trang  (Hoàng Hoa Thám – Hà Nội) vay vàng mua đất hồi cuối tháng 7. Thời điểm đó, chị cân nhắc giữa vay tiền mặt và vàng. Cuối cùng, chị chọn vàng vì chị tin rằng kinh tế đang tốt lên, giá vàng chỉ có giảm, chứ không tăng. Đặc biệt, khi đó, giá vàng liên tục “lập đáy” nên niềm tin của chị Trang càng được củng cố.

Số vàng vay được, chị Trang mang bán với giá 32,62 triệu đồng/lượng nhưng tới ngày trả, khi Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ dẫn đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng điều chỉnh tỷ giá, phá giá tiền Đồng, rồi giá vàng tăng đột biến khiến chị Trang phải chi 35,5 triệu đồng để mua 1 lượng vàng. Khoản chênh lệch gần 3 triệu đồng/lượng khiến chị lỗ gần 40  triệu đồng.

“40 triệu đồng không quá lớn với gia đình tôi. Thế nhưng chúng tôi mua đất với mục đích đầu cơ là chính nên sổ đỏ chưa nhận mà lỗ như vậy thì rõ ràng là điều không hay” – Chị Trang cho biết.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn