Phá bỏ 'cấm kỵ', Đức có thể bước vào ván cờ hạt nhân nguy hiểm

Thế giớiThứ Sáu, 10/08/2018 12:26:00 +07:00

Trong khi Tổng thống Donald Trump đang khiến châu Âu nghi ngờ khả năng dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh, một số tranh cãi bắt đầu xuất hiện ở Đức xem xét việc có nên phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng hay không.

Theo Business Insider, việc ông Trump chỉ trích và cho rằng NATO thất bại trong chi tiêu quốc phòng dường như khiến châu Âu nghi ngờ về khả năng dựa vào Mỹ trong lĩnh vực an ninh, và một số nước bắt đầu nghĩ đến những phương án quốc phòng của mình, trong đó có Đức.

Câu hỏi ''Liệu đã đến lúc để Đức trở thành cường quốc hạt nhân?'' vài năm trước được xem như cấm kỵ, nhưng giờ đây nhiều người Đức bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, theo Trumpet. 

“Chúng ta có cần quả bom đó không?” là tiêu đề bài viết trên trang nhất của tờ Welt am Sonntag, một trong những nhật báo lớn nhất ở Đức. Trong một bài viết, nhà khoa học chính trị nổi tiếng Christian Hacke nói: “Lần đầu tiên từ 1949, Cộng hòa Liên bang Đức không còn ở dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ”. Ông cho rằng Đức cần phản ứng trước sự không rõ ràng của Mỹ với cam kết bảo vệ các đồng minh châu Âu bằng cách tự phát triển khả năng hạt nhân.

Dù vậy, có ít nhất 3 lý do khiến việc Đức nghĩ đến phương án hạt nhân được cho là “dại dột”, và tranh cãi về kho vũ khí hạt nhân có thể là bước đi “chiếu tướng” đối với nước này – theo ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ.

duc-hat-nhan-1

 Binh sỹ tại Bundeswehr, Đức trong một buổi tập trận. (Ảnh: Reuters)

Đầu tiên, Đức đã liên tục tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân, bằng cách tham gia và tuân thủ các hiệp ước. Lần đầu là năm 1969 với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), sau đó là năm 1990 với hiệp ước ''Two Plus Four'' (Hiệp ước về giải pháp cuối cùng liên quan tới Đức), mở đường cho tái thống nhất nước Đức. 

Ký kết hiệp ước ''Two Plus Four" Đức phải tái khẳng định từ bỏ sản xuất, sở hữu và điều khiển vũ khí nguyên tử, vi sinh học và hóa học, và đặc biệt, Hiệp ước NPT sẽ tiếp tục được áp dụng cho nước Đức thống nhất. Không có lực lượng vũ trang ngoại quốc nào, vũ khí nguyên tử, hay các xe vận chuyển các vũ khí này được phép đưa vào Berlin hay các bang mới của Đức (Đông Đức cũ), vùng không có vũ khí hạt nhân.

Nếu hiện nay Đức mập mờ trong việc thực hiện những cam kết này sẽ làm tổn hại trầm trọng danh tiếng và uy tín của chính phủ Đức trên toàn thế giới, kéo theo những nghi ngờ với chính sách răn đe hạt nhân của NATO, với chính liên minh này cùng với toàn bộ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Ischinger nhận định. 

Trong khi đó, từ khi thành lập năm 1949, không một thành viên NATO nào, trừ Mỹ, Anh, Pháp cảm thấy cần thiết phải sở hữu vũ khí hạt nhân riêng. Nếu Đức phá vỡ trạng thái quốc gia phi hạt nhân, không có điều gì đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ hay Ba Lan sẽ không đi theo con đường này.

Khi đó dù không ai muốn nhưng Đức sẽ trở thành nơi hủy hoại hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế hiện nay. 

merkel-trump-1

 Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump . (Ảnh: Reuters)

Thứ hai, một quả bom hạt nhân Đức sẽ hủy hoại môi trường chiến lược ở châu Âu, nghiêng về hướng bất lợi cho Đức. Nga có thể coi bước tiến đến kho vũ khí hạt nhân của Đức là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia và có biện pháp quân sự đáp trả. Điều này sẽ khiến việc theo đuổi tầm nhìn về một trật tự hòa bình và an ninh cho toàn châu Âu – mục tiêu ngoại giao cốt lõi của nhiều thế hệ chính phủ Đức - trở nên khó khăn hơn.

Hơn nữa, tham vọng hạt nhân Đức có thể gây nguy hiểm đến thế cân bằng mong manh ở châu Âu – ví dụ như giữa Đức và Pháp, gây ra những hậu quả khó lường cho sự gắn kết lâu dài của Liên minh châu Âu.

Cuối cùng, theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ gây ra làn sóng phản đối không khó đoán từ công chúng Đức, đặc biệt khi động thái này hoàn toàn đi ngược lại chương trình loại bỏ năng lượng hạt nhân của chính phủ Thủ tướng Angela Merkel vài năm trước. Sẽ là một thất bại to lớn về chính sách đối ngoại và an ninh của Đức khi đề xuất chiến lược hạt nhân để rồi không được quốc hội thông qua.

Theo ông Ischinger, còn nhiều phương pháp thông minh và lâu dài hơn để đẩy mạnh phòng thủ hạt nhân châu Âu thay vì giới thiệu một ''quả bom Đức'', như tham gia tích cực vào vai trò ngăn cản vũ khí hạt nhân cũng với Mỹ và Anh trong NATO. Nói ngắn gọn, dù Tổng thống Trump nói gì, Đức cũng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ trong tương lai gần, ông nhận định.

Bên cạnh đó, cách tốt nhất để Đức duy trì uy tín của NATO và cải thiện mối quan hệ với Mỹ được cho là tập trung vào mục tiêu 2% GDP chi cho quốc phòng và đầu tư mạnh mẽ hơn vào quân sự, không phải để làm hài lòng Mỹ mà để bảo vệ chính lợi ích an ninh và quốc phòng của nước này. Tuy nhiên, chi nhiều hơn chưa đủ, quan trọng còn phải chi thông minh hơn, đặc biệt bằng cách chia sẻ và hợp tác với Pháp và các đối tác châu Âu khác.

Video: Nút hạt nhân của Tổng thống Mỹ hoạt động như thế nào?

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn