PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: 'Cần chính sách rõ ràng lôi kéo đầu tư tư nhân phát triển hàng không'

Kinh tếThứ Sáu, 27/07/2018 15:04:00 +07:00

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM) cho rằng, cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng, chúng ta đang thiếu, phải giải quyết từng vấn đề riêng lẻ.

Trước vấn đề được đặt ra là hạ tầng chưa đáp ứng, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM) cho biết, cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng... Chính phủ, Quốc hội phải có hội thảo để đóng góp ý kiến quốc gia về hàng không dân dụng.

Hàng không tác động lớn đến nền kinh tế. Ông Tống nói: Là người đã từng làm trưởng nhóm nghiên cứu về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi thấy rằng, bình quân khách hàng không nội địa đóng góp cho phát triển kinh tế là 100 USD. 1.000 khách nội địa đóng góp 1 tỷ USD cho nền kinh tế; còn khách quốc tế là 500 USD, 200 triệu khách quốc tế đóng góp 10 tỷ USD cho kinh tế.

thien tong

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM  

Bên cạnh đó, ông Tống cho rằng, phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư tư nhân phát triển hàng không. Trước đây, ta nói hàng không không có tư nhân, nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều.

Hiện nay, trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế. Những chỗ nào đông khách, tạo ra nghẽn hạ tầng thì mới cần đầu tư, như Tân Sơn Nhất, Nội Bài..., trong khi cái ta thiếu là cần phát triển hạ tầng ở những nơi thiếu.

"Tôi cho rằng, cần tham khảo chính sách như ở Ấn Độ, họ có chủ trương có những sân bay 100% tư nhân đầu tư. Để khai thác tiềm năng, có nhu cầu đến thì hạ tầng cơ sở là điểm nghẽn lớn nhất nên làm sao gắn sự khai thác sân bay và máy bay", ông Tống nói. 

Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội) đã đề cập về góc độ khác của tiềm năng. "Như Anh Nguyễn Thiện Tống đã nói về phát triển ngành hàng không dân dụng, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm đến sự phát triển của ngành này, phải kể đến sự ra đời đạo luật 1991 Đạo luật Hàng không dân dụng.

Tôi trực tiếp tham gia và thẩm tra luật này. Đạo luật liên tục được cập nhật cho phù hợp với tình hình và tiềm năng của ngành. Lần sửa đổi gần nhất là năm 2006 rồi đến năm 2014. Quốc hội sửa đổi để tạo điều kiện chính sách thông thoáng. Các thành phần kinh tế có thể tham gia vào khai thác hạ tầng như vận tải hàng không, chứ không chỉ tập trung vào khu vực nhà nước như trước đây", ông Phúc nói.

ông phúc

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội (bìa phải) 

Ông Phúc cho biết, đầu năm 2017, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 08 phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn, sau đó đến 2017, Luật Du lịch 2017 cũng đặt mục tiêu phát triển du lịch với nhiều điểm mới, đồng thời đáp ứng nhu cầu về du lịch của người dân và khách quốc tế, gắn bó với tiềm năng phát triển của ngành hàng không.

Theo ông Phúc, để phát triển được, cần kinh tế xã hội phát triển, cần phải hội nhập hợp tác, làm ăn với quốc tế, tăng cường đầu tư để nhu cầu đi lại tăng cao, khách vào Việt Nam du lịch thăm quan, làm ăn.

Ngoài ra, người dân trong nước cũng cần phải có thu nhập, vì có thu nhập mới làm ăn được. Ngày xưa ở Hà Nội, đi tàu chợ về Hà Tĩnh mất 2 ngày, nhưng giờ đi máy bay mất 30 đến 45 phút, đó là lựa chọn rất tốt cho người có thu nhập.

Theo ông Phúc, cần phải phát triển các cảng hàng không. Nếu không phát triển được cảng hàng không, có nhiều trường hợp máy bay phải bay lòng vòng vì sân đỗ không có, thậm chí ngay cả TP.HCM hay Vinh có sân bay mới cũng như vậy. Cần phải huy động nguồn vốn khác nhau, phát triển cảng hàng không mới.

“Cần phải phát triển du lịch lữ hành, nếu không phát triển du lịch, không thể phát triển hàng không”, ông Phúc nói.

Video: Khoang hạng nhất của hãng hàng không tốt nhất thế giới có gì?

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Bình luận
vtcnews.vn