PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Tôi tìm hướng đi riêng khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh'

Đời sốngThứ Bảy, 23/07/2022 13:08:59 +07:00
(VTC News) -

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả cần tìm hướng đi riêng, làm sao vừa có tính chân thực của lịch sử vừa đảm bảo tính sáng tạo.

Sáng 23/7, buổi họp báo công bố trình diễn công trình sân khấu đặc biệt "Nợ nước non", phần I trong bộ sử thi nghệ thuật 3 phần mang tên "Nước non vạn dặm" diễn ra tại TP.HCM. Đây là công trình chào mừng 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và các ngày lễ lớn năm 2022. 

Tác giả kịch bản vở diễn (và cuốn tiểu thuyết cùng tên) là nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương. 

Chia sẻ tại buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, năm tháng ở Nghệ An, được gần gũi với quê hương của Bác, cảm nhận linh hồn của từng ngọn núi, dòng sông xứ Nghệ giúp ông có chất liệu để thổi hồn vào tác phẩm. Tuy nhiên, thách thức khi viết những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất lớn. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Tôi tìm hướng đi riêng khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh' - 1

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ luôn trăn trở về con đường và lối đi riêng khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

"Viết về Bác mà chỉ nói về tiểu sử Hồ Chí Minh, thì đó là công việc của những nhà chép sử, nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, văn học nghệ thuật cần sáng tạo bên cạnh phần chân thực. Văn học là phải khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật. Lịch sử nói những điều rõ ràng, minh bạch, khác với mảnh đất của văn học nghệ thuật. 

Viết về Bác Hồ, chúng ta có nhiều loại hình: thơ, văn, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu... Tôi luôn trăn trở làm sao để có lối đi riêng. Lối đi ấy không phải biệt lập với các tác phẩm khác, mà có phải cách nói riêng", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Cũng theo ông Kỷ, khi viết về Bác Hồ, phải đảm bảo được tính chân thực. Sau này, thời đại và nỗi đau trước áp bức dân tộc đã thôi thúc tạo nên con người Nguyễn Tất Thành, con người Hồ Chí Minh. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng giải thích về tên gọi "Nợ nước non" của phần I vở sân khấu "Nước non vạn dặm". Ý tưởng xuất phát từ câu ca xứ Nghệ "Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền" mà Bác Hồ nghe từ lời của mẹ, của bà ngày còn thơ bé. 

Câu ca dạy người ta phải làm người đã, không cần phải là vua quan, mà phải "đói cho sạch rách cho thơm", sống trong sạch và đàng hoàng. Tuy nhiên, hơn cả đạo lý làm người, đó là cái "nợ công danh, nợ nước non phải đền".

"Nhiều người đi theo con đường khoa cử, coi đó là công danh của dòng họ, gia đình, quê hương. Nhưng công danh mà mẹ, bà ru Bác Hồ ngày bé là nợ nước non. Nước mất nhà tan, phải đi cứu nước, cứu nhà. Do đó, tôi đặt tên tiểu thuyết là 'Nợ nước non'", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng nói về chướng ngại tâm lý khi đặt bút viết tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tìm được nét riêng, con đường riêng khi viết về Bác, phải làm sao để tạo được sự mới mẻ và khác biệt so với tác phẩm của những "tiền bối", trong đó có tác phẩm "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng. 

"Nhà văn Sơn Tùng rất thành công với tác phẩm 'Búp sen xanh', đây là tác phẩm từng được tái bản nhiều lần. Khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy bản thân cần vượt qua chướng ngại tâm lý. Người ta đã viết hay, mình vẫn viết, phải tìm hướng đi riêng. 

Tôi vừa là người làm nghệ thuật, là nhà văn, cũng làm chính trị. Khi lý giải con đường cứu nước, tôi đã đề cập chuyển biến về tình cảm, tư tưởng của Bác Hồ trong vở diễn và tiểu thuyết. Sự lý giải đó có thể xem như hướng đi riêng. Viết về Bác Hồ, đó là điều cần thiết", ông Kỷ nói.

Theo tác giả này, ông đã kết hợp lý giải tại sao Bác Hồ đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Các nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị nói về việc Bác đã đọc "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin", nhưng đó chỉ là một phần.

"Quan trọng nhất, Bác tiếp xúc với văn minh, văn hóa nước ngoài. Bác là người Cộng sản được UNESCO tôn vinh. Bác là nhà văn hóa, hội tụ đủ tinh hoa văn hóa nước ngoài. Viết về Bác, phải có sợi chỉ đỏ lý giải tại sao Người trở thành danh nhân văn hóa kiệt xuất như thế", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Ông tin rằng bản thân "hài lòng với những gì mình viết và có vẻ đã thành công, nói là có vẻ, bởi còn phụ thuộc vào đánh giá của công chúng".

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Tôi tìm hướng đi riêng khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh' - 2

Nghệ sĩ Minh Hải vào vai Nguyễn Tất Thành. 

Cũng có mặt trong buổi họp báo, nghệ sĩ cải lương Nguyễn Minh Hải chia sẻ về những khó khăn khi đảm nhiệm vai diễn Nguyễn Tất Thành. Đó là cảm giác lo lắng, áp lực bởi màn thể hiện tốt của các diễn viên đàn anh trong quá khứ. 

"Đây là lần đầu tôi được tham gia vai diễn quá lớn. Đó là vinh dự, cũng là cơ hội tuyệt vời. Tôi làm nghề cải lương được 16 năm, tham gia nhiều vai diễn lịch sử nổi tiếng, nhưng đây là lần đầu vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu vào vai sẽ không thiếu được cảm giác lo lắng, áp lực bởi vào vai một vĩ nhân.

Đây cũng là vai diễn mà nhiều đàn anh, chú đã thành danh, vào vai và thể hiện thành công, khiến tôi chịu nhiều áp lực. May mắn nhờ sự hỗ trợ của ê-kip, cũng như nghiên cứu, trải nghiệm cá nhân và đọc tư liệu về Bác, tôi vượt qua áp lực và khá hài lòng với vai diễn", ông Hải cho hay. 

Trong khi đó, NSND Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở sân khấu "Nước non vạn dặm" cho rằng, vở diễn là sự hội tụ của nhiều tinh hoa nghệ thuật, thay vì dừng lại ở yếu tố cải lương đơn thuần. 

"Nghệ thuật cải lương có tính mở và động, hay và đặc sắc. Bản thân cải lương có sự tiếp nhận mạnh mẽ, nên từng giai đoạn cải lương có sự kết hợp, tiếp nhận nhiều yếu tố nghệ thuật khác, để rồi những yếu tố ấy trở thành thành phần cốt lõi của sân khấu cải lương.

Do đặc thù đó, tôi và PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ có những vở diễn cải lương kết hợp những yếu tố nghệ thuật khác như chèo, ca Huế, hát xẩm... tạo thành bốn màu sắc trong một vở diễn. Khi ý tưởng được đưa ra, ban đầu có ý kiến chưa yên tâm, nhưng khi công diễn, vở diễn tạo ra hiệu ứng tốt. Khán giả rất hài lòng với tác phẩm. Đó là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của cải lương Việt Nam", NSND Triệu Trung Kiên cho biết. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Tôi tìm hướng đi riêng khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh' - 3

NSND Triệu Trung Kiên (trái) kết hợp 4 loại hình nghệ thuật vào vở diễn "Nợ nước non". 

Vở sân khấu "Nợ nước non" khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (bé Anh Đức đóng), Nguyễn Tất Thành (Minh Hải vào vai) và các nhân vật khác trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Bằng sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc; bằng trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác trong và ngoài nước, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn, TS.NSND Triệu Trung Kiên đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết, màn diễn.

Người xem như được về thăm, tìm hiểu vùng đất xứ Nghệ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, được sống cùng Nguyễn Sinh Cung và gia đình Cung hai lần lội bộ đi - về, sinh sống ở Nghệ An và Kinh thành Huế, ở Bình Định, Bình Thuận, Sài Gòn xưa. 

Viết và diễn về tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành của một nhân vật lịch sử, vĩ nhân nhưng tác giả, đạo diễn và ê-kíp sân khấu không nhằm mô tả tiểu sử nhân vật, mà điều quan trọng là khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới; các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước cho dân.

Về mặt nghệ thuật, "Nợ nước non" là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam, được kế thừa từ phương pháp nghệ thuật của sân khấu Cải lương Cách mạng (giai đoạn 1955 - 1985).

Phương pháp sân khấu Cải lương Cách mạng vẫn tiếp tục phát huy giá trị và ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách nghệ thuật của 2 Nhà hát Cải lương lớn nhất cả nước. Đó là Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (vốn có tiền thân là Đoàn Cải lương Bắc và Đoàn Cải lương Nam Bộ, thuộc Nhà hát Cải lương Trung ương - Đơn vị trực thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa vào những năm 60 của thế kỷ XX).

"Nợ nước non" được sáng tạo với quan điểm dân tộc và đương đại, vừa bảo tồn được giá trị của nghệ thuật sân khấu cải lương dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa của sân khấu đương đại thế giới.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp