PGS Nguyễn Thị Bay: 'Đông y như một cái vườn hoang, đầy cỏ dại và sâu bọ'

Bệnh và thuốcThứ Tư, 07/04/2021 07:15:00 +07:00
(VTC News) -

Theo PGS Nguyễn Thị Bay, nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền (ĐH Y Dược TP.HCM), Đông y trên mạng xã hội giờ như một cái vườn hoang, đầy cỏ dại và sâu bọ.

Chỉ cần gõ từ khóa “đông y”, “thuốc gia truyền” trêm công cụ tìm kiếm Google, Youtube, lập tức ra hàng loạt quảng cáo về công dụng, loại bệnh chữa, thầy lang của những phương thuốc này.  

Không ít người tin vào những quảng cáo này mà “nhắm mắt nhắm mũi” mua uống dù không biết mức độ an toàn và công dụng chữa bệnh ra sao. Mới đây nhất, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu hai bệnh nhân trong tình trạng suy gan, suy thận do nhiễm độc thuốc nam chỉ vì tin vào quảng cáo thuốc trên mạng mua về uống.

Tin quảng cáo, bệnh không khỏi còn nặng thêm

Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, chị N.T.N. (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đã tìm đến thuốc đông y và trở thành nạn nhân của một bài thuốc gia truyền rao bán trên mạng.

Chị T. bị mụn trứng cá nhiều ở mặt, cổ, là con gái nên chị rất tự ti mỗi khi ra ngoài. Mặc dù đã chạy chữa ở nhiều phòng khám da liễu nhưng không khỏi, chị đã tìm đến đông y với hi vọng nhan sắc được cải thiện, nhưng cuối cùng phải nhập viện trong tình trạng nặng hơn.

Từ lúc dậy thì đến giờ là tôi nổi mụn nhiều ở mặt, lưng và nổi hạch, chữa hoài không hết mụn, nghe theo giới thiệu của người quen tôi lên Youtube mua thuốc Bắc về sắc uống. Người bán nói nguyên liệu thuốc là lá cây giúp bổ gan, tiêu mụn nhọt, không độc hại. Sau một tuần sử dụng, mụn mọc dữ dội hơn, sưng tấy, đỏ lên khắp mặt, khắp người, tôi phải ngưng và đi bệnh viện ngay”, chị T. nói.

PGS Nguyễn Thị Bay: 'Đông y như một cái vườn hoang, đầy cỏ dại và sâu bọ' - 1

Tin vào quảng cáo thuốc đông y trên mạng, nhiều người "tiền mất tật mang". 

Nhiều người bệnh khi tự mua thuốc trên mạng để điều trị bệnh thường có xu hướng tham khảo các ý kiến phản hồi của những người đã từng sử dụng thuốc đó, đặt niềm tin vào truyền thông, quảng cáo. Do vậy, một số người bán thuốc dùng chiêu bỏ tiền ra mua lượt tương tác, thuê người viết những đánh giá, bình luận trên các trang bán hàng khen ngợi công hiệu của thuốc, nhằm tạo độ tin tưởng cho người bệnh. Chính vì lẽ đó, không ít người đã bị các “gian thương” lừa dối để trục lợi.

Anh V.C.T. (ngụ Quận 7, TP.HCM) bị viêm xoang mãn tính, thấy quảng cáo thuốc chữa viêm xoang trên một trang mạng nhận được nhiều bình luận tốt và có gắn mác “quảng cáo truyền hình”, anh đã tìm mua thuốc và uống. Anh T. cho biết, sau gần nửa tháng uống thuốc, anh thấy bệnh không thuyên giảm. Sau đó anh phát hiện gan men gan tăng cao bất thường có dấu hiệu suy gan do uống thuốc nam lâu ngày.

“Tôi thấy quảng cáo như trên đài truyền hình nhiều người khen nên mua, uống được chừng đâu nửa tháng gì đó thì ngưng vì không thấy bệnh bớt. Cũng nghĩ ngưng là không sao, ai ngờ mấy bữa thấy đau đau, khó thở đi khám mới biết gan men lên cao, tổn thương đúng là mình dại thì mình chịu”, anh T. nói.

PGS Nguyễn Thị Bay: 'Đông y như một cái vườn hoang, đầy cỏ dại và sâu bọ' - 2

PGS TS BS Nguyễn Thị Bay.

“Đông y như một cái vườn hoang”

Theo PGS TS BS Nguyễn Thị Bay, Nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM, Đông y cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học, chứng minh hiệu quả các bài thuốc, các công thức huyệt châm cứu, các phương pháp tập luyện và hiệu quả của nó... chứ không chỉ dựa trên kinh nghiệm gia truyền.

Theo PGS Bay, khi có bệnh, người bệnh cần đi khám bệnh, bác sĩ sẽ quyết định nên chữa trị như thế nào, dùng phương pháp gì, là con đường ngắn nhất giúp phục hồi sức khoẻ, không nên tin qua truyền miệng, qua quảng cáo mà không có cơ sở (không qua nghiên cứu, không qua kiểm định và cho phép của Bộ Y tế).

Đông y như cái vườn hoang, ở đó đầy cỏ dại và sâu bọ”, tôi muốn nói thêm là tự do nhận là thầy thuốc, quảng cáo tràn lan, có người chỉ dựa vào hiểu biết cá nhân (chưa có cơ sở khoa học), kinh nghiệm truyền miệng mà tự cho mình là thầy thuốc lừa người bệnh. 

Vẫn còn đâu đó những con sâu làm rầu nồi canh, vẫn chạy theo tiền bạc lại thiếu hiểu biết nặng nề bỏ thêm tân dược vào trong thuốc Đông y để tăng tác dụng…và quảng cáo, làm mất mặt Đông y, hại người bệnh. Cần đào tạo, giáo dục để không còn là vườn hoang, mà là vườn thuốc”,  BS Bay nói.

Cũng theo PGS Bay, theo quy định hiện hành, để được chứng nhận là cơ sở đông y gia truyền thì cơ sở đó phải có 3 đời làm nghề đông y, được trạm y tế, chính quyền địa phương xác nhận. Sau đó Sở Y tế cấp phép, cấp giấy chứng nhận lưu hành thì mới đủ điều kiện mở cửa hàng kinh doanh thuốc chữa bệnh.

Tình trạng không phải là cơ sở đông y nhưng bán thuốc núp dưới danh nghĩa “bài thuốc gia truyền 3 đời” để lừa người cả tin, đang là mối nguy lớn cho người bệnh và cộng đồng.

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn