PGĐ Sở GD-ĐT Hà Nội: 'Doanh nghiệp mải mê xây nhà chứ không đầu tư xây trường học'

Giáo dụcThứ Tư, 28/06/2017 12:12:00 +07:00

Phát biểu trong cuộc họp giao ban Thành ủy chiều 27/6, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng "Doanh nghiệp mải mê xây nhà chứ không đầu tư xây trường học"

Chiều 27/6, tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã báo cáo kết quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đầu cấp năm 2017.

Tại buổi họp báo, về công tác tổ chức thi THPT Quốc gia 2017, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Trong 5 buổi thi  THPT Quốc gia, trên địa bàn Thành phố có 287.315 lượt thí sinh dự thi. Trong đó, có 1413 lượt thí sinh vắng thi, 18 thí sinh vi phạm kỉ luật trường thi do mang điện thoại di động, tài liệu vào phòng thi (bị đình chỉ)".

Tuy nhiên, trong báo cáo đại diện Sở GD-ĐT không nhắc tới trường hợp thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao (tai nghe siêu nhỏ) tại huyện Thanh Oai đã được báo chí phản ánh trước đó.

IMG_5031 3

Ông Phạm Văn Đại (áo trắng) - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội tại buổi họp báo. (Ảnh: Thược Hoàng)

Về vấn đề tuyển sinh đầu cấp cũng được nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi. Áp dụng việc đăng kí trực tuyến vào tuyển sinh tại Thủ đô bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Có những huyện đạt kết quả 100% phụ huynh lựa chọn hình thức đăng kí tuyển sinh bằng trực tuyến vào cấp 1 và lớp 6 cho con em mình. Điển hình như một số huyện Quốc Oai, Thanh Oai... Tình trạng điểm nóng như xô đổ hàng rào, ăn chực nằm chờ không có trên địa bàn thủ đô.

Cũng theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tỷ lệ phụ huynh sử dụng hình thức đăng kí trực tuyến đầu cấp ở các tỉnh ngoại thành còn lớn hơn nội thành. Lý giải nguyên nhân này, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: "Lý do là các tỉnh ngoại thành địa điểm trường ở xa hơn nên phụ huynh sử dụng hình thức này sẽ tiện hơn. Ở nội thành, nhiều gia đình ở rất gần trường học nên họ có thời gian để đăng kí bằng hình thức truyền thống.

IMG_5023 4

Đại diện trường THCS dân lập Lương Thế Vinh (Ảnh: Thược Hoàng) 

Một trong những vấn đề được quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất là vấn đề quá tải ở trường công và tình trạng chạy trường, chạy lớp, học trái tuyến... Trả lời thắc mắc của PV, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phân tích: "Để hạn chế cũng như cải thiện tình trạng tiêu cực của quá tải trường công, hình thức yêu cầu học sinh đăng kí trực tuyến cũng giúp Sở có thể quản lý và sàng lọc thí sinh một cách khách quan, công bằng và chuẩn xác nhất".

Tại cuộc họp báo, PV cũng dành nhiều câu hỏi cho bà Nguyễn Thị Liên - Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Là người ngoài ngành giáo dục, bà Liên sẽ có cái nhìn khách quan về kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.

Theo bà Liên, kì thi năm nay bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Việc đưa kì thi tốt nghiệm THPT Quốc gia về các tỉnh thành đã giảm áp lực cho thí sinh, phụ huynh và cả xã hội. Các sở cũng chủ động hơn trong công tác tổ chức coi thi. Đánh giá sơ bộ ban đầu là một kỳ thi thành công và hạn chế nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, vì vẫn chưa có kết quả thi, Bộ cũng chưa họp để công bố những kinh nghiệm cần khắc phục sau cuộc thi nên bà Liên từ chối bàn luận về việc có nên duy trì hình thức thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học trong những năm tiếp theo.

thi thpt quoc gia 2 3

Kết quả của kì thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh minh họa

Cũng tại cuộc họp giao ban, đại diện một số trường dân lập trên địa bàn thành phố đã được mời tới để báo cáo kết quả về công tác tuyển sinh đầu cấp. Đại diện trường THCS dân lập Lương Thế Vinh cho rằng đến thời điểm công tác thu nhận hồ sơ đăng kí vào trường đã tương đối cao. Hơn 1000 hồ sơ đăng kí dự tuyển, trong đó có 400 hồ sơ có số điểm tuyệt đối là 100+ trong 5 năm cấp 1 (20 điểm cho 1 năm).

Có nhận định cho rằng số thí sinh đạt 100 + là bất thường. Chẳng lẽ trong 5 năm học, các em học sinh không gặp bất kỳ một sai sót nào. Liệu con em chúng ta học giỏi thực sự hay là do áp lực chạy điểm, chạy trường của phụ huynh học sinh. Câu hỏi này cũng được đưa ra trong cuộc họp báo nhưng Sở GD-ĐT im lặng không đưa ra câu trả lời.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Lê Ngọc Quang - Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, sở dĩ tình trạng quá tải tại một số trường công là do quá trình đô thị hóa thành phố. Các doanh nghiệp chỉ mải mê xây nhà chứ không đầu tư xây trường học.

Theo ông Quang, Sở chủ trương không hạn chế về quy mô đối với các trường dân lập. Dựa vào cơ sở vật chất, năng lực giáo viên sở sẽ giao chỉ tiêu cho các trường dân lập để giải bài toán áp lực quá tải và trái tuyến đang tồn tại hiện nay.

Video: Thí sinh đặc biệt nhất kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 (Thược Hoàng)

Thược Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn