PCT Lê Hùng Dũng: Thu tài trợ vụ Arsenal là... 0 đồng

Thể thaoThứ Hai, 24/06/2013 07:00:00 +07:00

Thời gian vừa qua đã xuất hiện rất nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt nhắm vào VFF cùng 2 nhà tài trợ của chuyến du đấu này là Eximbank và HA.GL.

Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã thẳng thắn trả lời những ý kiến chỉ trích gay gắt nhắm vào VFF cùng 2 nhà tài trợ của chuyến du đấu này là Eximbank và HA.GL.


Thưa ông, có ý kiến nói rằng VFF đã lừa dối dư luận về thành phần cầu thủ của ĐT Việt Nam sẽ thi đấu giao hữu với CLB Arsenal, vì dự kiến sẽ có một số cầu thủ đã chia tay ĐTQG nhưng vẫn sẽ được gọi lại ở lần tập trung này, và ngoài ra còn có cả cầu thủ của HA.GL vì HA.GL là nhà tài trợ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi cho rằng việc lựa chọn thành phần cầu thủ như thế nào cho ĐT Việt Nam là trách nhiệm của HLV trưởng, còn tên gọi chính thức của đội bóng sẽ thi đấu giao hữu với CLB Arsenal là ĐT Việt Nam.

Lê Hùng Dũng ký hợp đồng với Arsenal
 Lê Hùng Dũng trong buổi ký hợp đồng với Arsenal

VFF báo cáo với Bộ VH,TT&DL và Tổng cục TDTT là nguồn thu từ tài trợ, từ bản quyền truyền hình của trận đấu với Arsenal là 0 đồng. Ông có thể giải thích như thế nào về chuyện này?


- Quan điểm của 2 nhà tài trợ Eximbank và HA.GL là chúng tôi không bán biển quảng cáo, bởi nếu bán quá đắt để lấy lại tiền đầu tư của mình thì chúng tôi không muốn và chúng tôi cũng biết không có nhiều doanh nghiệp đủ sức mua được biển quảng cáo trận này. Vì thế, Eximbank và HA.GL đã quyết định bỏ ra một số tiền khá lớn để tổ chức trận đấu.

Mục đích của chúng tôi thì cũng rõ ràng và cụ thể thôi. Thứ nhất là để giúp người hâm mộ được xem một trận đấu mà chúng ta đã chờ đợi biết bao nhiêu năm. Thứ hai là nhân cơ hội này để chúng tôi quảng bá thương hiệu.

 
Nếu anh không thích thì có thể ở nhà xem TV, còn nói chuyện đắt rẻ thì vô chừng lắm, tùy vào quan điểm của từng người thôi
PCT VFF Lê Hùng Dũng
 
Trên sân Mỹ Đình ở trận đấu sắp tới với CLB Arsenal có 4 loại bảng quảng cáo khác nhau, 12 bảng là của ĐT Việt Nam, do nhà tài trợ cho ĐT Việt Nam lựa chọn, 12 biển là của Arsenal.


Đây là một chi tiết rất đáng chú ý, vì các đội bóng nổi tiếng trước đây mà chúng tôi tiếp xúc để mời đến Việt Nam thì họ đều yêu cầu sở hữu cả 48 biển quảng cáo trên sân, nghĩa là toàn bộ thương quyền của trận đấu, nên rất khó để chúng tôi đạt được thỏa thuận với họ, còn lần này Arsenal chỉ yêu cầu 12 biển mà thôi.

2 nhà tài trợ Eximbank và HA.GL mỗi bên có 11 biển quảng cáo, còn 2 biển còn lại thuộc về VFF.


Nói nguồn thu từ tài trợ là 0 đồng là ở cái nghĩa này, còn 22 biển quảng cáo của Eximbank và HA.GL đúng bằng trị giá số tiền mà chúng tôi đã bỏ ra để thực hiện chuyến du đấu này.

Giá vé trận đấu với Arsenal bị một số ý kiến chê là đắt quá so với mặt bằng thu nhập chung ở Việt Nam. Ông có nghĩ như thế không?

- Chuyện này cũng bình thường thôi, nếu túi tiền của anh vừa phải thì mua vé 400 nghìn hoặc 700 nghìn, có điều kiện chút nữa thì mua vé 1 triệu, còn điều kiện nữa thì mua vé 1,5 triệu đồng, mà cũng chỉ có 6.000 vé loại này thôi. Đấy là chuyện tất yếu của kinh tế thị trường, nếu anh không thích thì có thể ở nhà xem TV, còn nói chuyện đắt rẻ thì vô chừng lắm, tùy vào quan điểm của từng người thôi.

 Ông Dũng hào hứng với các thành viên Arsenal
 Ông Dũng hào hứng với các thành viên Arsenal

Sau những chuyện thi phi và rắc rối như vừa rồi thì ông còn nhiệt tình để sang năm đứng ra mời một đội bóng khác tới Việt Nam hay không?

- Sau chuyện này thì tôi nghĩ là sân vận động là tài sản quốc gia, người quản lý thì chỉ quản lý cái sân vận động đó chứ họ không phải là người sở hữu. Mà tài sản quốc gia là sở hữu toàn dân nên là công dân thì tôi cũng có quyền đòi hỏi được sử dụng cái sân vận động ấy.

 
Kinh nghiệm của tôi cho thấy nếu mời một đội bóng đã có lịch đi tour 2,3 nước thì giá cả không quá đắt đỏ, còn để mời thẳng một đội bóng sang Việt Nam thi đấu rồi về luôn thì chi phí sẽ ở mức khó chịu nổi.
Lê Hùng Dũng
 
Sau này chúng ta cần phải có quy chế thuê mướn rõ ràng và làm đúng theo thông lệ, vì từ ngày có sân vận động Mỹ Đình thì tất cả các trận đấu quốc tế quan trọng của ĐTQG đều diễn ra ở đây.


Sau trận này tôi sẽ đề nghị thành lập một phái đoàn bao gồm đại diện Tổng cục TDTT, VFF, sân Mỹ Đình đi một vòng các nước Đông Nam Á để xem khi những LĐBĐ QG này mời các đội bóng nổi tiếng châu Âu tới nước họ thì ban quản lý sân vận động QG lấy tiền là bao nhiêu.

Sau đó đem tất cả thông tin tổng hợp lại rồi báo cáo cho lãnh đạo Bộ VH,TT&TDL, lãnh đạo Tổng cục TDTT, từ đó Tổng cục TDTT và sân Mỹ Đình mới trình ra cái quy chế là thuê mướn sân như thế nào cho phù hợp với tập quán quốc tế và mặt bằng chung của khu vực, chứ không thể đưa ra mức giá tùy ý.

Nếu không có quy chế đó thì cá nhân tôi có thể sẽ thôi không tham gia vào việc mời các đội bóng nổi tiếng ở nước ngoài sang Việt Nam nữa, vì mỗi lần mời rất là tốn kém, mà lại có tranh luận rồi bất đồng trong nội bộ chúng ta như vậy thì rất là dở.

Mới đây Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ có tiết lộ năm sau VFF sẽ cố mời M.U sang Việt Nam. Vậy thực hư của thông tin này là như thế nào, thưa ông?


- Ý tưởng này thì chúng ta đã ấp ủ nhiều năm rồi, nhưng vấn đề là giá cả bao nhiêu và điều kiện của họ như thế nào. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nếu mời một đội bóng đã có lịch đi tour 2,3  nước thì giá cả không quá đắt đỏ, còn để mời thẳng một đội bóng sang Việt Nam thi đấu rồi về luôn thì chi phí sẽ ở mức khó chịu nổi.

Muốn mời M.U sang Việt Nam năm sau thì phải biết năm 2014 M.U có lịch du đấu Đông Nam Á hay không, sau đó căn cứ vào con số mà các nước láng giềng bỏ ra để mời M.U thì chúng ta sẽ áng chừng được con số cụ thể là bao nhiêu, dù không có LĐBĐ QG nào lại tiết lộ chi phí này.

Tuy nhiên, quan điểm nhất quán trước sau như một của tôi vẫn là không mời các đội bóng nổi tiếng đến Việt Nam bằng bất cứ giá nào, bởi tôi không muốn trút bỏ gánh nặng tài chính lên vai người hâm mộ.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.


Theo TTVH

Bình luận
vtcnews.vn