Parkson còn lại gì sau khi phải đóng cửa trung tâm thương mại thứ 5 vì thua lỗ?

Kinh tếThứ Hai, 15/10/2018 16:00:00 +07:00

Từ chuỗi 10 trung tâm thương mại rất lớn, sau một thời gian kinh doanh ế ẩm, thua lỗ, Parkson đã đóng cửa đến một nửa, số còn lại vẫn hoạt động nhưng đang trong tình trạng lay lắt.

Từng là một trong những ông lớn bán lẻ hàng đầu với chuỗi 10 trung tâm thương mại (TTTM) nằm ở những khu đất vàng tại các TP lớn trên cả nước nhưng thời gian gần đây, Parkson không còn giữ vững được vị trí của mình nữa khi đã đóng cửa đến một nửa.

Mới đây nhất, bảng hiệu Parkson ở khu phức hợp Cantavil An Phú (Quận 2, TP.HCM) đã không còn tồn tại. Nhiều chủ cửa hàng tại đây cho biết đã nhận được thông báo về việc Parkson rút khỏi trung tâm mua sắm này từ tháng 6.

Bắt đầu từ tháng 7/2018, đơn vị đứng ra quản lý, cho thuê mặt bằng là Cantavil Premier Mall. Đơn vị này cũng đặt bảng thông báo sửa chữa TTTM, nhiều gian hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện trong trung tâm cũng được thay thế bằng các dịch vụ khác như quán cà phê, cửa hàng điện thoại di động và dịch vụ y tế.

parsonquan1

Parkson Saigon Tourist Plaza là trung tâm thương mại đầu tiên của Parkson ở Việt Nam.

Như vậy, nếu đóng cửa Parkson Cantavil thì ở Việt Nam Parkson chỉ còn lại 5 trung tâm. Trong đó, có 3 trung tâm tại TP.HCM gồm Parkson Hùng Vương (Quận 5), Parkson Saigon Tourist Plaza (đường Lê Thánh Tôn, Quận 1), Parkson CT Plaza (đường Trường Sơn, quận Tân Bình). Ngoài ra còn 1 trung tâm tại Đà Nẵng là Parkson Vĩnh Trung Plaza và 1 trung tâm tại Hải Phòng là Parkson TD Plaza.

Theo ghi nhận tại Parkson Saigon Tourist Plaza, TTTM này nằm trên giao lộ Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi, đây được xem là mảnh đất vàng với sự đông đúc, nhộn nhịp nhất ở khu vực Quận 1.

Tuy nhiên, vì tọa lạc tại vị trí vàng nên Parkson Saigon Tourist Plaza vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của Vincom Center Đồng Khởi ở phía đối diện, khi Vincom Center được xem là nơi quy tụ đầy đủ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện, gia dụng… từ phân khúc trung đến cao cấp.

parsonquan5

 Parkson ở Quận 5 đang trong tình trạng ế ẩm, vắng khách.

Cách đó không xa là Takashimaya - Saigon Center, môt TTTM khác mới đi vào hoạt động từ năm 2016. Sự ra đời của những TTTM mới giúp cho khách hàng có nhiều lựa chọn hơn và cũng chính là điều bất lợi của Parkson khi nơi này không còn ở thế độc tôn.

Tại Parkson Hùng Vương (Quận 5), tình hình cũng không khả quan hơn khi lượng khách ra vào cũng khá thưa thớt, chủ yếu là người đến tham quan, đi dạo.

Tọa lạc vị trí đắt giá bậc nhất TP khi nằm ở cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, xung quanh lại nhiều cao ốc, văn phòng, khu dân cư và rất ít TTTM có thương hiệu cao cấp, Parkson CT Plaza (quận Tân Bình) dường như may mắn hơn 2 địa chỉ còn lại với lượng khách có phần đông đúc, ổn định hơn hẳn.

Tuy nhiên, sự ổn định của Parkson CT Plaza quận Tân Bình cũng không cứu nổi thương hiệu này khi 7 quý liên tiếp Parkson đều báo cáo thua lỗ.

parsonquantanbinh 3

Parkson ở Tân Bình có lẽ là TTTM có hiệu quả kinh doanh khả quan nhất hiện nay của thương hiệu này ở TP.HCM. 

Báo cáo tài chính quý I/2018 niên độ 2017-2018 vừa được Parkson công bố, đơn vị này lỗ trước thuế 24 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ tại thị trường Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu quý I/2018 giảm mạnh là do Parkson đã phải đóng cửa trung TTTM thứ 4 tại Việt Nam là Parkson Flemington (TP.HCM) vào tháng 3 vừa qua.

Với niên độ tài chính bắt đầu từ tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 6 năm sau, lũy kế 3 quý của niên độ tài chính 2017-2018, Parkson tại Việt Nam đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng và lỗ tới 48 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Parkson mở ở TTTM đầu tiên tại Việt Nam là Parkson Saigon Tourist Plaza (Quận 1, TP.HCM) vào tháng 6/2005. Thời kỳ đỉnh cao, Parkson đã có 10 trung tâm thương mại trải dài trên cả nước, hàng hóa của Parkson một thời được xem như tiêu chuẩn của sự cao cấp tại Việt Nam.

Đến tháng 1/2015, Parkson Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội) là TTTM đầu tiên của Parkson đóng cửa. Tháng 5/2016, TTTM thứ 2 là Parkson Paragon tại Quận 7 (TP.HCM) cũng ngừng hoạt động khi tình hình tài chính của doanh nghiệp này không mấy khả quan.

Tiếp đến là Parkson Viet Tower (quận Đống Đa, Hà Nội) và Parkson Flemington (Lê Đại Hành, Quận 11) lần lượt đóng cửa vào tháng 12/2016 và tháng 3/2018. Tháng 6/2018, Parson Cantavil An Phú cũng thông báo rút lui khỏi thị trường mua sắm Việt Nam.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn