Pakistan - Mỹ "chiến" nhau về vụ đánh bom đại sứ quán

Thế giớiThứ Sáu, 23/09/2011 07:16:00 +07:00

(VTC News) - Giới chức Pakistan liên tục lên tiếng phủ nhận các cáo buộc đanh thép của Mỹ xung quanh việc tiếp tay cho khủng bố tấn công đại sứ quán Mỹ.

(VTC News) - Giới chức Pakistan liên tục lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của Mỹ xung quanh việc tiếp tay cho bọn khủng bố tấn công đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan, tạo ra một cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa 2 nước.

Mỹ bảo có...

Đô đốc Michael Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã gọi mạng lưới có liên kết với các phiến quân Taliban và nhóm khủng bố Al-Qaeda - Haqqani là cánh tay phải đắc lực của Cơ quan tình báo Pakistan.

Các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ cũng cho rằng cơ quan này đã giúp đỡ nhóm Haqqani thực hiện thành công cuộc tấn công khủng bố nhằm vào đại sứ quán Mỹ và các trụ sở của NATO ở Kabul (Afghanistan) vào tuần trước.

Phát biểu trước các Thượng nghị sĩ Mỹ vào hôm qua (22/9), ông Mullen nói: "Với sự giúp đỡ của Cơ quan tình báo Pakistan (ISI), các phần tử thuộc nhóm Haqqani đã lên kế hoạch và thực hiện một vụ đánh bom đẫm máu vào hôm 11/9 cũng như tấn công vào đại sứ quán của chúng tôi. Chúng tôi đã có được những thông tin tình báo đáng tin cậy trong đó nêu rõ họ đứng sau vụ tấn công ngày 28/6 tại khách sạn Inter-Continental ở Kabul và một loạt các vụ tấn công nhỏ lẻ nhưng gây hậu quả lớn khác”.

Những cuộc tấn công như vậy là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan – kế hoạch dự kiến sẽ được thực hiện từ năm nay tới hết năm 2014.

Đô đốc Michael Mullen khẳng định Haqqani là cánh tay phải đắc lực của Cơ quan tình báo Pakistan.  

Cũng trong bài phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhận định, các cuộc tấn công theo kiểu đó là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của các binh sĩ ở Afghanistan. Ông Panetta đồng thời cũng nhấn mạnh, tín hiệu tốt nhất mà Mỹ có thể gửi đi đó là họ sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại các phần tử thuộc Taliban.

Trong khi đó, đô đốc Mike Mullen đã đi tới kết luận với cáo buộc Pakistan đang xuất khẩu chủ nghĩa cực đoan bạo lực sang Afghanistan và điều này đang hủy hoại triển vọng quan hệ đối tác giữa hai nước cũng như cơ hội để Pakistan trở thành quốc gia được tôn trọng với ảnh hưởng hợp pháp trong khu vực.

Kết thúc bài phát biểu, ông Mullen đã đưa ra cảnh báo, Mỹ có thể sẽ hành động đơn phương.

Pakistan khẳng định không!

Mới đây, trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ Reuters, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của Mỹ xung quanh việc chính phủ Pakistan hỗ trợ mạng lưới Haqqani hay việc họ có liên quan tới vụ tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Kabul vào tuần trước.

Ông Malik đã nói: “Nếu bạn nói rằng ISI có tham gia vào vụ tấn công đó, thì tôi xin kịch liệt phản đối. Chúng tôi không có kiểu chính sách tấn công hay hỗ trợ tấn công thông qua các lực lượng của Pakistan hay bất kì sự trợ giúp nào khác nào tới từ Pakistan như vậy”.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan cho rằng họ với Mỹ có chung kẻ thù, nhưng không cùng chiến lược  

Mặc dù thừa nhận một nhóm Haqqani  hiện đang có mặt ở khu vực phía bắc Waziristan của đất nước này, nhưng ông Malik khẳng định họ đang thiếu nguồn lực để truy tìm dấu vết của nhóm đó.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan nhấn mạnh:
“Chúng ta đang có cùng một kẻ thù, nhưng tiếc rằng các bên lại không có chiến lược chung. Thay vì chơi trò đổ lỗi cho nhau, các bên nên ngồi lại với nhau. Chúng tôi không phải là một phần của bọn khủng bố. Chúng tôi là một phần trong gói giải pháp chiến lược. Pakistan sẽ không cho phép bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ trên đất nước này.

Chính phủ Pakistan sẵn sàng hợp tác với Mỹ, nhưng họ cũng phải tôn trọng chủ quyền của chúng tôi. Không bao giờ có chuyện Pakistan cho phép bất cứ ai can thiệp vào chuyện nội bộ nước mình. Những gì đang xảy ra tại thời điểm này là một sự kiểm nghiệm thực tế cho mối quan hệ giữa Islamabad và Washington - dường như mối quan hệ này đang không có xu hướng khởi sắc
”.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn