Origami sự biến hoá của giấy

Tổng hợpThứ Tư, 25/07/2012 04:34:00 +07:00

Nhìn những con ngựa, những nhân vật thần thoại với màu sắc đa dạng, sinh động và đẹp mắt này, bạn sẽ không khỏi thốt lên khi biết nó được làm hoàn toàn từ giấy.

Nhìn những con côn trùng, những con ngựa, những nhân vật thần thoại với màu sắc đa dạng, sinh động và đẹp mắt này, bạn sẽ không khỏi thốt lên khi biết nó được làm hoàn toàn từ giấy. Nhờ có những đôi bàn tay và trí tưởng tượng tuyệt vời của những bạn trẻ mê nghệ thuật gấp giấy của CLB Origami Hà Nội, mà những tờ giấy dường như được thổi hồn vào để bất ngờ có đường nét, có hình khối, sống động như một tác phẩm điêu khắc vậy.

Những người mê giấy

Không biết Origami đến Việt Nam tự bao giờ, nhưng cũng như nhiều đứa trẻ khác trên thế giới, trẻ em Việt Nam từ nhỏ đã làm quen với trò chơi gấp giấy đơn giản như gấp thuyền, gấp máy ảnh, máy bay… Và khi lớn lên, có những người vẫn tiếp tục đeo đuổi thú vui tuổi thơ này nhưng ở tầm cao hơn là “Origami”. Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch CLB gấp giấy Hà Nội- một nhánh của Việt Nam Origami group là một người như thế.

  CLB gấp giấy Hà Nội
Năm 2004, phong trào Origami bắt đầu lan tỏa từ Sài Gòn ra tới Hà Nội. Năm 2005, CLB Origami Hà Nội chính thức thành lập và có nhiều triển lãm nhỏ kết hợp với một số các trường đại học. Hiện Origami Hà Nội có khoảng 20 thành viên hoạt động chính thức, trong đó thành viên nhỏ tuổi nhất mới học lớp 3, hai thành viên khác học lớp 4, còn lại đa phần là các bạn sinh viên. Origami Hà Nội sinh hoạt định kỳ vào các ngày Chủ nhật trong tuần từ 2 đến 5 giờ tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Đây là nơi các bạn đến giao lưu và tuyển thêm thành viên mới để đào tạo.

Triển lãm Thổi hồn vào giấy là triển lãm lớn đầu tiên của CLB với hy vọng “giới nghệ thuật sẽ để ý đến Origami. Sau này mình mong muốn Origami được đưa vào giáo dục nhiều hơn vì mình tin nó rất tốt cho trẻ em”, Tùng chia sẻ.

Tùng là một anh chàng sinh viên IT của Đại học FPT, mê mẩn gấp giấy từ nhỏ, năm 2005 Tùng tham gia và trở thành chủ tịch CLB gấp giấy Hà Nội. Hồi nhỏ, có ít đồ chơi nên cũng như nhiều đứa trẻ khác Tùng thích gấp giấy và thích thú khi tự mình tạo ra đồ chơi cho mình. Bắt đầu gấp những mẫu đơn giản như cái thuyền, con ếch…, lớn dần lên Tùng bắt đầu mua sách về tham khảo. Đến năm 2000, khi internet phát triển mạnh, Tùng bắt đầu lên mạng để tìm tòi, học hỏi. Năm 2005 khi tham gia vào CLB thì không chỉ gấp giấy, Tùng còn tổ chức sự kiện cho CLB và thỉnh thoảng đi dạy gấp giấy cho trẻ em ở các trường mầm non nữa. Hắn chia sẻ, “điều Origami hấp dẫn mình nhất là vì đây là một bộ môn mới mẻ ở Việt Nam, nó vừa mang tính giải trí, vừa mang tính nghệ thuật, khoa học. Từ một tờ giấy, thật kỳ lạ, ta có thể biến hóa nó thành những mẫu khác nhau”.
 Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch CLB gấp giấy Hà Nội.
Với Đào Cương Quyết, một thành viên đã từng đoạt giải nhất tại cuộc thi Origami về chủ đề Gấu mắt kính do Colombia tổ chức năm 2009 qua internet, nhằm bảo tồn loài gấu này khỏi tuyệt chủng thì cho biết, “điều hấp dẫn mình nhất là khi gấp giấy, đầu óc, tâm hồn mình được thả tự do và trôi theo mẫu sáng tác. Khi gấp xong một mẫu mình cảm thấy muốn gấp một mẫu khác phức tạp hơn. Và khi gấp được những mẫu phức tạp hơn mình nhận ra, với Origami, ta có thể tạo ra tất cả những gì mình muốn từ giấy”.

Anh chàng Đào Cương Quyết (SN 1986) đã tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự. Cũng giống như Tùng, Quyết đến với Origami từ bé, từ những con hạc, tàu thủy hay những mẫu thủ công đơn giản. Năm 2005, tham gia CLB, xem các hình mẫu phức tạp hơn trên internet, Quyết có thể gấp những mẫu khó và thậm chí sáng tác những mẫu riêng.

Một anh chàng khác cũng tên là Quyết, nhưng là Hoàng Tiến Quyết, sinh năm 1989, vừa tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế. Tiến Quyết cũng chơi Origami được 18 năm rồi. Nhận lời mời của hiệp hội Origami Nhật Bản, vào tháng Tám Tiến Quyết sẽ tham gia triển lãm Origami có quy mô lớn nhất nhì thế giới. Được biết, tại Mỹ, số lượng thành viên và quy mô triển lãm Origami là lớn nhất nhưng được tham gia triển lãm tại Nhật Bản lại là một niềm tự hào lớn với bất kì người chơi Origami nào, bởi Nhật Bản mới thực sự là cái nôi của nghệ thuật gấp giấy. Trước đấy vào năm 2010, Tiến Quyết cũng đã tham gia một cuộc thi qua mạng về chủ đề Ai Cập và giải 3 với sản phẩm Mắt thần.Origami - Sự phù phép của đôi tay và trí tưởng tượng.

 
Nghệ thuật gấp giấy bắt nguồn từ Trung Quốc, đất nước đã khai sinh ra tờ giấy đầu tiên. Nhưng đất nước đã thực sự làm nên một nghệ thuật gấp giấy thực thụ phải là Nhật Bản. Origami trong tiếng Nhật là gấp giấy. Nhật Bản có hiệp hội Origami phát triển rất mạnh. Theo tiêu chí truyền thống của Origami, tác phẩm được gấp trên một tờ giấy khổ vuông duy nhất. Nhưng cùng với thời gian, ngày nay một tác phẩm Origami có thể được tạo thành từ nhiều tờ giấy khác nhau.

Chất liệu giấy dùng để gấp cũng khá đa dạng nhưng có tiêu chí chúng là phải mềm, dai, có kích cỡ lớn để thay đổi linh động. Người mới chơi Origami có thể xem các bước gấp trên internet để gấp theo, nhưng những người chơi lâu và đạt đến trình độ nhất định thì có thể “mò” các bước gấp hoặc thậm chí là sáng tác mẫu riêng.

Trong số những tác phẩm của mình mà Đào Cương Quyết tâm đắc thì tác phẩm ghép chó ba đầu có lẽ là mẫu kỳ công nhất của Quyết. Đấy là mẫu gấp từ năm 2006, được gấp và ghép từ 30 tờ giấy kích cỡ khác nhau trong vòng một tháng. Để làm tác phẩm này, Quyết phải nháp đi nháp lại nhiều lần trước khi bắt tay vào gấp tác phẩm thật sự.

Tất nhiên mẫu gấp từ giấy thì sẽ rất mềm và khó bảo quản nên sau khi ghép xong, Quyết phải mất đến 15 lọ keo 502 để “tráng” lên từng chi tiết trước khi ghép lại. Hiện Quyết có khoảng 60 mẫu côn trùng và gần 100 các mẫu nội dung khác nhau. Tại triển lãm Thổi hồn vào giấy trong tháng 7 vừa qua, ngoài mẫu chó ba đầu, Quyết còn mang đến mẫu danh ca huyền thoại Michael Jackson, được làm trong vòng một tuần cộng với một đêm trắng trước ngày triển lãm. Tất cả những mẫu này được Quyết bảo quản rất cẩn thận, bọc nilon, cất trong hộp nên có những mẫu làm từ cách đây nhiều năm vẫn mới nguyên và khiến mọi người phải trầm trồ trước sự chi tiết và công phu của nó.

Quyết cho biết, một mẫu gấp có vô vàn cách gấp khác nhau, không cái nào giống cái nào. Trình độ của một người chơi Origami một phần thể hiện qua các bước gấp đó. Không phải bước gấp càng nhiều, càng phức tạp thì trình độ của người gấp càng cao. Đôi khi có những “cao thủ” chỉ với 5 bước gấp đã tạo ra được một tác phẩm đầy tính nghệ thuật. Sự tinh tế, sống động, có hồn của mẫu cũng thể hiện mức độ tài năng của người gấp. Sự phức tạp của bước gấp đôi khi chỉ thể hiện sự cầu toàn của người chơi mà thôi. Nhìn vào mẫu, có thể đoán tính cách và mức độ tâm huyết của người gấp với sản phẩm ra sao.

 
Một người chơi Origami ở trình độ cao sẽ có thể tự sáng tác các mẫu theo tưởng tượng của mình. Cái này đòi hỏi phải có năng khiếu. Trong nhóm có Hùng là người có khả năng sáng tạo rất tốt. Tuy chưa tiếp xúc với Origami từ trước nhưng Hùng có thể tự thân mày mò gấp và những mẫu của Hùng đều mang đậm hơi thở Việt Nam chứ ít bị ảnh hưởng như các thành viên khác trong CLB.

Để chơi Origami cần tính kiên nhẫn, tỉ mỉ của người chơi. Ngược lại, Origami cũng rèn luyện cho mọi người sự nhẫn nại, tư duy hình học không gian và còn mang lại sự thanh thản nữa. “Tuy nhiên có những mẫu khó thì cũng không thanh thản lắm đâu”, Tùng cười lớn. Bởi vì có những mẫu phức tạp có khi phải mất đến nhiều ngày hay cả tháng mới làm được. Tuy nhiên, cả Tùng và Quyết đều thống nhất rằng, “Origami khiến mình trở nên đằm tính hơn, kiên trì hơn và trí óc minh mẫn hơn”.

Ở Nhật, Origami là một phần của chương trình giáo dục, từ mầm non trẻ đã tiếp xúc rồi, còn người già thì chơi Origami như một cách để giải trí và rèn luyện sự minh mẫn. Ở Việt Nam, Origami dường như vẫn còn quá mới mẻ và cộng đồng người chơi Origami còn ít, chính vì vậy, triển lãm- đối với những bạn trẻ của CLB Origami không chỉ là để giới thiệu các tác phẩm của mình mà còn thể hiện mong muốn nhân rộng hơn những người có đam mê với giấy, với nghệ thuật gấp giấy, với Origami.

Hà Trang

Bình luận
vtcnews.vn