Ông vua nhà Mạc lên ngôi mùng 1 Tết là ai?

Đời sốngThứ Ba, 05/02/2019 16:38:00 +07:00

Ở ngôi 10 năm, Mạc Đăng Doanh tạo nên cảnh "người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên".

Chính sử không coi nhà Mạc là vương triều chính thống, nhưng không phủ nhận một số thành quả nhất định mà thời này đạt được, đặc biệt ở triều vua Mạc Đăng Doanh (1530-1540).

Mạc Đăng Doanh là vua thứ hai của nhà Mạc, quê ở huyện Nam Sách, Hải Dương. Ông là con trưởng của Mạc Thái Tổ Đăng Dung. Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông lập Đăng Doanh làm thái tử. Ngày Tết Nguyên đán của ba năm sau đó, Mạc Thái Tổ truyền ngôi cho con và lên làm thái thượng hoàng.

Về việc này, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết: "Năm Canh Dần (1530), tháng giêng, ngày Đinh Hợi, mồng 1, Đăng Doanh tiếm hiệu hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Đại Chính năm thứ nhất, ngụy tôn Đăng Dung làm thái thượng hoàng, dựng điện nguy nga để Đăng Dung ở, mỗi tháng vào ngày mồng 8 và 22, Đăng Doanh dẫn quần thần đến điện triều yến".

Là người "tính tình khoan hậu, giản dị, giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa", dù chỉ ở ngôi 10 năm, Mạc Thái Tông Đăng Doanh đã tạo nên một thời kỳ hoàng kim của vương triều Mạc.

vua

 Ảnh: Minh họa

Đại Việt thông sử ghi lại năm 1532, thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, Mạc Đăng Doanh ra lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo đao nhọn và các đồ binh khí ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng.

Đây là những cảnh thịnh trị hiếm có trong lịch sử Việt Nam, ngay cả thời được coi là hoàng kim của chế độ phong kiến như thời vua Lê Thánh Tông cũng không thấy ghi chép cảnh tương tự. Các sử sách của nhà Lê sau này cũng phải ghi nhận.

Mạc Đăng Doanh tổ chức ba năm một khoa thi, lần lượt vào các năm 1532, 1535 và 1538, lấy đỗ 95 người và có ba trạng nguyên tài giỏi là Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giáp Hải. Trong đó, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi bật nhất. Ông được vua Mạc coi như bậc thầy, là nhà giáo, nhà tiên tri nổi tiếng nhất trong sử Việt, đưa ra lời sấm khuyên nhà Mạc lên Cao Bằng sau này.

Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là minh chứng cho thấy thời Mạc Đăng Doanh thịnh trị nhất của nhà Mạc. Khi nhà Hậu Lê rơi vào khủng hoảng, Nguyễn Bỉnh Khiêm dù tài giỏi, thông minh đã không ra ứng thi sớm. Tính từ khi trưởng thành, ông bỏ qua sáu khoa thi dưới triều Lê sơ. Ngay cả khi nhà Mạc lên thay vào năm 1527, xã hội dần ổn định, ông vẫn bỏ qua hai khoa thi đầu dưới triều nhà Mạc.

Phải tới năm 1535, dưới thời Mạc Đăng Doanh, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay trạng nguyên. Năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngoài 40 tuổi.

Ngoài tổ chức thi cử, Mạc Đăng Doanh còn sai Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám vào năm 1536. Một năm sau, đích thân ông đến trường Thái học làm lễ Thích điện (tế tiên thánh tiên sư) nhằm khuyến khích việc học tập Nho học và tỏ lòng trân trọng với các vị sáng lập Nho giáo.

Trong thời gian trị vì, Mạc Đăng Doanh đã gặp nhiều khó khăn trước nhà Minh ở Trung Quốc và nhà Lê nhưng ông đã có những giải pháp hợp lý. Một lần, vua Minh sai tướng dẫn quân áp sát biên giới, đe dọa đánh nhà Mạc.

Để đối phó, Mạc Đăng Doanh một mặt sai tu sửa các trại sách vùng biên giới, luyện tập thủy quân, trưng cầu cựu thần lão tướng để cùng bàn bạc việc nước. Mặt khác, ông dùng kế hoãn binh, sai người dâng tờ biểu xin hàng giúp tránh được cuộc xâm lược.

Cũng trong thời gian Mạc Đăng Doanh ở ngôi, nhà Lê bắt đầu sự nghiệp trung hưng ở đất Thanh Hóa. Để củng cố thế lực, cha con Mạc Đăng Dung và Đăng Doanh đã phải đương đầu với nhiều đợt tấn công của quân đội Lê Trung hưng.

Dù nhiều lần thất bại khi đi đánh dẹp, Mạc Đăng Doanh vẫn được hậu thế nhớ đến nhờ những công lao trong việc đem lại cuộc sống no ấm, yên ổn cho nhân dân, nhất là vùng Bắc Bộ sau nhiều năm loạn lạc cuối thời Lê sơ.

Lê Quý Đôn mô tả sự thịnh trị dưới thời Mạc Đăng Doanh rằng "trúng mùa luôn luôn, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn". Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên". Còn Phan Huy Chú viết trong Lịch triều hiến chương loại chí rằng dưới thời Mạc Đăng Doanh "nhà no người đủ, trong nước gọi là trị bình".

Ngày 25/1/1540, Đăng Doanh mất. Con trai trưởng của ông là Phúc Hải được Mạc Đăng Dung chọn đưa lên thay. Với những công lao của ông, năm 2015, sau nhiều tranh cãi, tên Mạc Thái Tông (Đăng Doanh) cùng cha là Mạc Thái Tổ (Đăng Dung) đã được đặt cho tên đường ở Hà Nội.

Video: Cận cảnh kiếm vàng nạm đá quý của vua Khải Định

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn