5 điểm nóng đối ngoại của Tổng thống Trump trong năm 2020

Thời sự quốc tếThứ Năm, 26/12/2019 12:02:37 +07:00
(VTC News) -

Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với một thế giới đầy biến động trong năm 2020 trong bối cảnh ông đang nỗ lực cho chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Chính sách đối ngoại hiếm khi là trọng tâm của các chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ bởi cử tri thường quan tâm đến vấn đề nội bộ nước Mỹ hơn. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng lớn ở bên ngoài có thể khiến các vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ tác động đến lá phiếu cử tri.

Dưới đây là 5 điểm nóng đối ngoại mà Trump có thể phải đối mặt trong năm 2020.

Triều Tiên

Triều Tiên có thể là nhân tố đầu tiên mà ông Trump sẽ phải đối mặt. Bình Nhưỡng đe dọa sẽ trao cho Mỹ “món quà Giáng sinh” và cảnh báo họ sẽ theo đuổi một con đường mới nếu Mỹ không có những nhượng bộ trong đàm phán cuối năm.

Các quan chức Mỹ và giới phân tích dự báo nhiều khả năng món quà Giáng sinh mà Triều Tiên tặng Mỹ là một thử nghiệm tên lửa tầm xa.

Triều Tiên tuân thủ lệnh cấm các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa và đầu đạn hạt nhân kể từ khi các cuộc đàm phán với Mỹ bắt đầu lại vào năm ngoái. Ông Trump cho rằng việc Triều Tiên tuân thủ lệnh cấm như dấu hiệu cho thấy những nỗ lực ngoại giao của ông đang đi đúng hướng. Thế nhưng, trên thực tế Triều Tiên đã phóng hơn mười tên lửa tầm ngắn trong năm 2019.

Ông Trump không đánh giá cao mối đe dọa gần đây từ Triều Tiên, nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un “biết rằng tôi sẽ có một cuộc bầu cử sắp diễn ra”.

Nhưng nếu Triều Tiên tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm xa, ông Trump có thể phải lựa chọn giữa: Nỗ lực để giảm căng thẳng trong năm bầu cử hoặc quay trở lại đe dọa mạnh mẽ với Bình Nhưỡng.

5 điểm nóng đối ngoại của Tổng thống Trump trong năm 2020 - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng ở bên ngoài trong năm 2020 (Ảnh: Thehill)

Afghanistan và Syria

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình được nối lại với phiến quân Taliban, ông Trump dự kiến sẽ rút khoảng 8.600 quân Mỹ khỏi Afghanistan.

Trong khi đó, khoảng 600 lính Mỹ vẫn ở lại Syria sau khi ông Trump gây ra cơn bão chỉ trích vào tháng 10 khi ông ra lệnh rút quân đội Mỹ khỏi miền Bắc Syria.

Ông Trump nói rõ rằng ông muốn các lực lượng của Mỹ rút khỏi cả ở Afghanistan và Syria trước cuộc bầu cử năm 2020 để có thể thực hiện cam kết chấm dứt cái gọi là chiến tranh vĩnh viễn.

Nhưng việc rút toàn bộ quân Mỹ từ một trong hai quốc gia Trung Đông này có thể khiến ông Trump gặp khủng hoảng cả trong và ngoài nước.

Ông Trump trước đó hủy lệnh rút quân sau khi hứng chỉ trích dữ dội từ các nhà lập pháp ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như một số nhân vật trong chính quyền của ông. Những người chỉ trích cho rằng ông hành động một cách vội vàng.

Trong khi đó, nếu những cảnh báo của các nhà lập pháp và quan chức Mỹ đối với ông Trump là sự thật việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và Syria có thể để lại một khoảng trống mà các nhóm khủng bố như IS có thể lấp đầy ở Trung Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ

Gắn chặt với một cuộc khủng hoảng tiềm năng ở Syria là Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Trump phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra trong năm 2019 khi Ankara tiến hành cuộc tấn công chống lại lực lượng người Kurd ở Syria - một hoạt động mà ông Trump bị cho là thông đồng với Thổ Nhĩ Kỳ khi ông ra lệnh cho quân đội Mỹ rút khỏi Syria.

Khi chuẩn bị bước sang năm 2020, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở phía đông bắc Syria, nơi lực lượng người Kurd liên tục cáo buộc Ankara vi phạm lệnh ngừng bắn và nơi Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất tái định cư cho người tị nạn Syria.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ mất kiên nhẫn với Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đưa ra một dự luật trừng phạt đối với đồng minh NATO và Chủ tịch ủy ban Jim Risch cho biết ông sẽ làm việc để đệ trình dự luật lên Thượng viện sau khi Thượng viện kết thúc phiên tòa luận tội ông Trump.

Ankara đe dọa sẽ trả đũa nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc "đá" quân đội Mỹ ra khỏi căn cứ không quân Incirlik. Incirlik đã là một bệ phóng lớn cho các hoạt động quân sự của Mỹ chống lại IS và được cho là ngôi nhà cho khoảng 50 đầu đạn hạt nhân của Mỹ.

Iran

Mỹ -Iran nhiều lần bên bờ vực chiến tranh trong năm 2019 và không có dấu hiệu nào cho thấy quan hệ hai nước năm 2020 sẽ bớt căng thẳng hơn.

Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang trong năm nay khi ông Trump gia tăng đáng kể các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018.

Iran phản ứng bằng cách vi phạm các giới hạn chính của thỏa thuận hạt nhân P5+1 và đe dọa sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt hoặc các nước châu Âu tìm ra giải pháp hiệu quả đối với vấn đề này.

Trong khi ông Trump duy trì cái gọi là chiến dịch gây áp lực tối đa chống lại Iran và thỏa thuận hạt nhân tiếp tục được các bên xem xét lại, mối đe dọa của một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ vẫn còn.

Phong trào phản kháng

Từ Iran, Hong Kong đến Iraq, các phong trào phản kháng đã nổi lên trên toàn cầu vào năm 2019. Và một trong số các phong trào phản kháng đó có thể leo thang vào năm 2020.

Ở Iran, các cuộc biểu tình bắt đầu vì giá nhiên liệu tăng đột biến dẫn đến tình trạng bất ổn tồi tệ nhất ở nước này kể từ Cách mạng Hồi giáo 40 năm trước. Tuần này, Reuters trích dẫn nguồn tin từ 3 quan chức Bộ Nội vụ Iran giấu tên cho biết 1.500 người Iran đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

Tại Hong Kong, các cuộc biểu tình bắt đầu vào mùa hè để phản đối dự luật dẫn độ cho phép dẫn độ tội phạm từ lãnh thổ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục xét xử. Sau đó, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đã rút dự luật vào tháng 9.

Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn khi những người biểu tình yêu cầu lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức và kêu gọi điều tra về sự hoạt động của cảnh sát trong các cuộc biểu tình.

Ông Trump dù ký thông qua Luật ủng hộ biểu tình ở Hong Kong song tránh đưa ra những biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong khi mà ông đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Mỹ và Trung Quốc đồng ý về một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng ông Trump đang để mắt đến một giai đoạn tiếp theo. Điều này có khả năng sẽ khiến ông Trump tập trung sự chú ý hơn bởi những vấn đề này có liên quan đến Trung Quốc.

Tại Iraq, biểu tình nổ ra trong 3 tháng qua với yêu cầu chấm dứt tham nhũng và ngăn chặn ảnh hưởng của Iran tại quốc gia này. Hơn 500 người biểu tình thiệt mạng và 19.000 người bị thương, theo Liên hợp quốc.

Các cuộc biểu tình đã dẫn đến việc Thủ tướng Adel Abdul Mahdi từ chức vào đầu tháng này. Thế nhưng, đến thời điểm sắp kết thúc năm mới, vẫn không có sự thay thế nào được lựa chọn. Câu hỏi về những cải cách lớn hơn ở Iraq vẫn tồn tại, những yếu tố dẫn đến lo ngại về sự bất ổn ở một quốc gia nơi quân đội Mỹ tiếp tục hoạt động vẫn còn.

Kông Anh(Nguồn: Thehill)
Bình luận
vtcnews.vn