Ông Trịnh Văn Quyết: 'Dịch COVID-19, bất động sản không đáng ngại'

Bất động sảnThứ Bảy, 29/08/2020 18:26:31 +07:00
(VTC News) -

Ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, bất động sản không phải là mảng đáng ngại do dịch COVID-19, cái đáng ngại là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không,…

Theo ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, dịch COVID-19 có ảnh hưởng tới thị trường BĐS nhưng không đáng lo ngại.

Bất động sản ít bị ảnh hưởng

Chia sẻ tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới” tại FLC Sầm Sơn chiều nay (29/8), ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC nêu thực trạng, trong những tháng qua, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, tháo gỡ thủ tục pháp lý dường như chưa thực sự ngấm được vào thị trường.

Mỗi một chính sách, chủ trương, quyết định cần nhiều thời gian. Tại Việt Nam, soạn thảo 1 văn bản thường mất từ 3-5 tháng và có lẽ cần thời gian tương đương nữa để đi vào được cuộc sống.

Với quy trình thủ tục pháp lý hiện nay, việc hoàn thiện dự án BĐS gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ với BĐS đô thị, từ khâu lên dự án cho đến khi đưa ra thị trường, hoàn thiện điện đường trường trạm,… quy trình phải mất ít nhất 3 - 4 năm, với điều kiện luân chuyển tiền một cách có hệ thống. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ khó mà theo được với quy trình này.

Ông Trịnh Văn Quyết: 'Dịch COVID-19, bất động sản không đáng ngại' - 1

Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nếu có tiền nên mua BĐS.

Đồng quan điểm, nhưng ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jll Việt Nam cho rằng một dự án mất 3 năm để làm thủ tục là quá lạc quan, thực tế có khi phải 4-5 năm.

Các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng thế, phải mất 2-3 năm. Sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế có, tuy nhiên gặp những rào cản từ luật, người thực thi luật và các văn bản dưới luật.

Chính phủ Ấn Độ đã chi khoảng 30 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển về nước này. Khi đó nếu Việt Nam không nhanh sẽ mất cơ hội như Thủ tướng đã nói dọn tổ cho đại bàng nhưng nếu không nhanh đại bàng sẽ bay mất”, ông Quang lưu ý.

Tại hội thảo chiều nay, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, nhiều doanh nghiệp BĐS trong một hội thảo gần đây đã đưa ra quan điểm rằng COVID-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực này. Cho đến nay, chưa thấy doanh nghiệp nào kêu khó trong mảng BĐS.

Cái đáng lo nhất theo tôi lại là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không, đường biển”, ông Quyết chia sẻ.

Cũng theo ông Quyết, nếu đã đầu tư BĐS bài bản và quy mô thì khủng hoảng 3 tháng hay 1 năm không có gì đáng ngại. BĐS càng để lâu càng có hiệu quả. Các công ty môi giới hoặc công ty nhỏ không thể chờ từ 1 đến 2 năm được. Nếu qua 1-2 năm thì sang đến năm thứ 3 có khi giá còn gấp đôi, gấp ba.

Với mảng BĐS của FLC, COVID-19 có kéo dài đến sang năm thì chúng tôi cũng không lo ngại, nhưng chúng tôi lo ngại cho các mảng khác như du lịch, hàng không. COVID-19 lần hai xảy ra, công suất của hệ thống phòng FLC tụt xuống còn 20-30%. Rất đáng mừng, sau khi kiểm soát được dịch, ngay như ngày hôm nay, công suất phòng đang tăng lên rồi. Dịch được kiểm soát tốt, mọi thứ đang dần dần tốt hơn”, ông Quyết cho biết.

Có nên đầu tư bất động sản lúc này?

Trước câu hỏi, các nhà đầu tư có nên đổ tiền vào BĐS lúc này, các chuyên gia đều cho rằng, BĐS  là kênh đầu tư an toàn, các nhà đầu tư nếu có tiền thì nên tham gia.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất, an toàn nhất và có dư địa lớn nhất. Về yếu tố sinh lợi thông qua giá trị, thị trường BĐS trong suốt nhiều năm qua, chưa có cuộc khủng hoảng nào mà BĐS giảm giá. Ngược lại, BĐS vẫn tăng đều, bình quân từ 5-7%.

Ngoài ra, BĐS còn có khả năng sinh lợi khi khai thác kinh doanh để gia tăng thêm lãi.

Giá BĐS ở Việt Nam nhìn chung vẫn đang ở mức rất thấp. BĐS ở những khu vực mới phát triển, và phát triển tốt thì phân khúc đất nền là phân khúc nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư. Với BĐS nghỉ dưỡng, đây là phân khúc có lợi thế, dư địa lớn để phát triển.

Chúng tôi cho rằng, trong 5, 10 năm nữa, du lịch Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh và thu hút tầm cỡ thế giới. Trên thực tế, chúng tôi ghi nhận BĐS nghỉ dưỡng ở thời điểm hiện tại bị ảnh hưởng lớn bởi COVID-19 nhưng vẫn nhận được quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư”, vị đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định.

Còn theo ông Trịnh Văn Quyết, về lâu dài BĐS vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, không thấy bất cứ nhà đầu tư nào thua lỗ, nếu thua lỗ chẳng qua là theo phong trào.

Thời gian qua, đầu tư ở Hà Nội hay TP.HCM, dù vùng ven đều có hiệu quả, còn nếu theo phong trào như nói ở trên thì rút vốn ra còn khó chứ đừng nói đến hiệu quả.

Với điều kiện khó khăn như vậy từ nay đến sang năm, vậy sản phẩm ra thị trường sẽ rất ít? Các bạn có thể tìm hiểu số lượng các dự án ra thị trường nay đến năm sau, không nhiều. Mặt khác, qua hai làn sóng dịch COVID, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm giá hay bán phá giá nào cả. Bởi vậy, tôi tin rằng những năm tới, chắc chắn thị trường BĐS còn rất nhiều lợi thế”, Chủ tịch Tập đoàn FLC nói.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn