Ông Obama nói gì trong bài phát biểu cuối cùng ở Liên Hợp Quốc trên cương vị Tổng thống?

Thế giớiThứ Tư, 21/09/2016 11:54:00 +07:00

Phát biểu lần cuối ở Liên Hợp Quốc, Tổng thống Obama nêu hàng loạt thách thức mà thế giới đối mặt, nhấn mạnh con đường hội nhập và hợp tác giữa các nước để vượt qua khó khăn.

Ngày 20/9 (sáng 21/9 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Obama có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Đây là lần phát biểu thứ 8 của ông ở LHQ, và cũng là lần cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ.

Mở đầu bài phát biểu, ông Obama ôn lại những thành tựu mà nước Mỹ đã đạt được. Đó là vực dậy và hồi phục từ khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất; trấn áp chủ nghĩa khủng bố; đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran trong hòa bình, bình thường hóa quan hệ với Cuba; chứng kiến quá trình xây dựng dân chủ ở Myanmar; hỗ trợ các nước nghèo ở châu Phi; và ký kết Thỏa thuận Paris lịch sử về chống biến đổi khí hậu.

obama

 Đây là lần phát biểu cuối cùng của ông Obama tại LHQ trên cương vị tổng thống Mỹ

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn cách gần 50 ngày, ông Obama cảnh báo một tương lai đen tối với thế giới nếu thế lực "chủ nghĩa dân tộc hung hăng" hoặc "chủ nghĩa dân túy lỗ mãng" chiến thắng.

Dù không nhắc cụ thể đến tên của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, Tổng thống Obama rõ ràng ngầm chỉ trích những chính sách của vị tỷ phú từ New York.

Tổng thống nhắc cụ thể đến hình ảnh bức tường, tâm điểm về chính sách an ninh biên giới của Donald Trump. "Một quốc gia bị ngăn cách bởi các bức tường thì chính là cách tự cầm tù mình".

Thách thức trên toàn thế giới

Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama mô tả về một thế giới ảm đạm với hàng loạt thách thức đang diễn ra như cuộc khủng hoảng người tị nạn, trật tự cơ bản ở Trung Đông bị phá vỡ, các mạng lưới khủng bố rình rập những người trẻ, các cường quốc tỏ ra bất tuân luật pháp quốc tế. 

"Đây là những nghịch lý đã định hình nên thế giới chúng ta ngày nay. Khoảng 25 năm sau Chiến tranh Lạnh, tình hình bạo lực trên thế giới đã giảm đi, cuộc sống ngày càng thịnh vượng hơn bao giờ hết. Thế nhưng các xã hội vẫn tồn tại sự không chắc chắn và xung đột. Dù đạt nhiều tiến bộ to lớn, người dân ngày càng mất lòng tin vào các thể chế, công tác lãnh đạo trở nên khó khăn hơn, trong khi căng thẳng giữa các quốc gia thì có xu hướng dễ bùng phát", Tổng thống Obama nói.

Ông chủ Nhà Trắng cho rằng các nguyên tắc về thị trường mở, quản trị có trách nhiệm, dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế không hẳn là không có những lỗ hổng. Tuy nhiên, ông khẳng định đây vẫn là những nền tảng vững chắc nhất trong quá trình tiến bộ nhân loại của thế kỷ này, nhấn mạnh "chúng ta cần tiến về phía trước chứ không phải đi thụt lùi".

Tổng thống Mỹ nói rõ "Mỹ không thể và không nên áp đặt hệ thống chính phủ của chúng tôi lên các nước. Nhưng tôi thấy ngày nay đang có sự xung đột gia tăng giữa chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa tự do. Tôi tin tưởng vào một trật tự chính trị tự do, xây dựng dựa trên bầu cử và một chính phủ đại diện, tôn trọng nhân quyền và xã hội dân sự, một nền tư pháp độc lập và pháp quyền".

"Một số quốc gia tuy công nhận sức mạnh của thị trường tự do nhưng vẫn từ chối mô hình những xã hội tự do. Một số người tích cực thúc đẩy dân chủ đôi lúc cảm thấy nản lòng... Nhiều người ủng hộ mô hình lãnh đạo toàn trị, ra lệnh từ trên xuống thay vì những thể chế dân chủ và vững mạnh. Nhưng tôi tin rằng con đường tiến tới dân chủ thực sự vẫn là con đường tốt hơn", ông Obama nói.

Tổng thống Obama cũng đề cập nhắc đến nước Nga đang gia tăng sự ảnh hưởng của mình. "Trong một thế giới mà thời đại đế chế đã lui về rất xa, nước Nga lại đang muốn giành lại hào quang đã mất của họ bằng vũ lực. Các cường quốc châu Á thì mãi tranh cãi về quyền lịch sử".

Ông Obama nói nếu Nga tiếp tục can thiệp vào chuyện nội bộ của những nước láng giềng, "họ có thể đạt được sự ủng hộ ở quê nhà, thổi bùng lên cơn sốt chủ nghĩa dân tộc trong một thời gian, nhưng cũng sẽ làm suy giảm sự phát triển và khiến các biên giới của mình ít an toàn hơn".

Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến tình hình Biển Đông, nhắc đến những hành động gây lo ngại của Trung Quốc.

"Một giải pháp hòa bình cho tranh chấp, dựa trên pháp luật, sẽ tạo ra sự ổn định lâu dài hơn là các hành động quân sự hóa một số đảo và rạn san hô".

Trang Slate nhận định bài phát biểu cuối cùng này trước LHQ của ông Obama là một trong những phát biểu hay nhất, đầy đủ và sâu sắc tương tự như bài phát biểu khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009 của ông.

Niềm tin vào thế hệ trẻ

Trong những chuyến công du suốt 8 năm nhiệm kỳ, Tổng thống Obama nói ông đã chứng kiến "tinh thần thế hệ thanh niên của chúng ta".

Ông Obama chia sẻ về những câu chuyện khi gặp gỡ giới trẻ khởi nghiệp ở Cuba, những cựu tù chính trị ở Myanmar đã trở thành nghị sĩ sau vài năm; những cô gái ở Afghanistan dũng cảm chống lại bạo lực để được đến trường; các sinh viên phát triển những chương trình trên mạng để chống lại âm mưu lan tỏa tư tưởng cực đoan của khủng bố như IS...

"Họ là những người được giáo dục tốt hơn, bao dung hơn, đa dạng và sáng tạo hơn thế hệ chúng ta. Họ giàu lòng cảm thông và trắc ẩn đối với nhân loại hơn những thế hệ trước.

Điều này xuất phát từ tinh thần lý tưởng của tuổi trẻ. Nhưng nó cũng hình thành khi họ ngày càng tiếp cận được thông tin về những người dân và địa danh khác, qua đó hiểu được rằng tương lai của họ gắn chặt với số phận của những nhóm người khác ở bên kia thế giới".

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn