Ông Nguyễn Thế Kỷ: Đừng cậy mình là 'ông lớn', quan trọng là tác động đến công chúng ra sao

Thời sựThứ Năm, 07/09/2017 10:06:00 +07:00

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 72 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng như những ý kiến thẳng thắn về xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại.

- Ra đời ngày 7/9/1945 bằng bản tin kéo dài 90p đầy hiên ngang và tự hào, có thể nói, lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam gắn chặt với lịch sử dân tộc, tuyên truyền hiệu quả cho 2 cuộc kháng chiến ái quốc, cho tới nay, sứ mệnh ấy, đã và đang được thực hiện thế nào, thưa ông?

Từ thời khắc ban đầu đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, vẻ vang, ngày 7/9/1945, Đài tiếng nói Việt Nam đã đưa tiếng nói kiêu hãnh, tin yêu của Đảng, Nhà nước đến với quân và dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.  Khi thực dân Pháp dã tâm cướp nước ta một lần nữa, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí đầu tiên phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

DSC03907 4

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Tết kháng chiến Đinh Hợi năm 1947, Đài truyền đi lời “Thơ chúc Tết” thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đồng bào, chiến sỹ cả nước. Từ địa chỉ lịch sử 58 Quán Sứ, Hà Nội, Đài Phát thanh Nam Bộ, Đài Phát thanh Giải phóng, Ban Vô tuyến truyền hình, sau này là Đài Truyền hình Việt Nam ra đời.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và 10 năm sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí hàng đầu, đi đầu trong việc truyền tải thông tin, cả về chất lượng, số lượng, phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả tuyên truyền, cả trong và ngoài nước.

Trong suốt 72 năm qua, tiếng nói đó luôn vang lên, rất thân thương, gần gũi và đầy kiêu hãnh, tự hào. Khi nào còn Tiếng nói Việt Nam thì lúc đó, niềm tin của quân và dân trong cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài vẫn còn.

Từ truyền thống vẻ vang đó, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn dõi về phía trước để thấy rõ hơn cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các chương trình phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, đóng góp hữu ích, thiết thực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

- Cũng như tất cả các đơn vị báo chí khác, Đài Tiếng nói Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn, khi xu hướng tiếp cận thông tin của khán, thính, độc giả thay đổi liên tục theo xu thế phát triển công nghệ, VOV đã chuyển mình như thế nào để bắt kịp những xu hướng mới này?

Có một thời kỳ chúng ta nói phòng chống bão lũ, phòng đương nhiên phải phòng, nhưng chống thì hơi khó.

Nên chúng ta nói sống chung với bão lũ. Sống chung không phải là đầu hàng, thỏa hiệp mà trong môi trường như vậy, mình biết cách tồn tại, phát triển.

Lực lượng biên tập viên, phóng viên trẻ của Đài, phải là những người đi tiên phong trong cuộc cạnh tranh ngày càng dữ dội, khốc liệt này. Chúng ta phải có tâm thế chủ động, tích cực, trang bị cho mình kiến thức, phương tiện cần thiết, để chiến thắng trên mặt trận cạnh tranh thông tin, cạnh tranh khán, thính, độc giả.

 
"Ông lớn" không phải là cơ quan báo chí có số lượng nhân sự lớn hay máy móc thiết bị hiện đại mà là tư duy, cách đưa thông tin tới công chúng, cách tác động để chiếm lĩnh công chúng.

Ông Nguyễn Thế Kỷ

Cạnh tranh đầu tiên, với chính các đồng nghiệp của mình, nên chúng ta đừng chủ quan mình là một “ông lớn”. Trong thời buổi hiện nay, "ông lớn" không phải là cơ quan báo chí có số lượng nhân sự lớn hay máy móc thiết bị hiện đại mà là tư duy, cách đưa thông tin tới công chúng, cách tác động để chiếm lĩnh công chúng.

Nếu thụ động, chấp nhận với thái độ tiêu cực, chúng ta sẽ tụt hậu. Lúc đó, chúng ta mất công chúng, mất người nghe đài, người xem truyền hình, người đọc báo, mất nguồn thu quảng cáo. Mà đó chính là nguồn nuôi sống các cơ quan báo chí.

Do đó, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tìm hướng đi của mình trong thời gian tới.

- Có thể nói, trong cuộc chạy đua về khoa học công nghệ, xây dựng nội dung báo chí trên công nghệ đa nền tảng, phát thanh chưa phải loại hình chiếm ưu thế, thậm chí nhìn nhận khách quan, hiệu quả thông tin tuyên truyền của Đài không còn giữ được vị thế như trước kia, trở nên tụt hậu, Đài Tiếng nói Việt Nam có chiến lược gì để tìm lại được vị trí của mình?

Việc tìm lại vị thế của mình cách đây khoảng 40 năm, 50 năm, 60 năm, 70 năm về trước là một điều khó, nhưng tôi nghĩ nếu đặt ra mục tiêu trở thành một cơ quan báo chí top 3, top 4 của đất nước, thì chúng ta làm được.

Để lọt vào top 2 thì phải phấn đấu nhiều hơn nữa, nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Do đó, không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là lời nói, mà phải bằng tư duy đổi mới, trên nền tảng đội ngũ thực sự vững mạnh.

Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay, lo nhiều hơn là vui. Lo là vì thực sự, vị thế của Đài đang giảm đi rõ rệt, trông thấy và con đường phía trước thì đầy gian nan.

Cũng như trong thể thao, khi anh đứng lên đỉnh cao rồi, để lập lại kỷ lục của chính mình khó lắm. Trong khi đó, những người khác, họ được đầu tư, có sức trẻ vươn lên, có thể đã tiến xa hơn rất nhiều rồi.

Tương tự như vậy, việc một đơn vị báo chí đi qua thăng trầm, khi ở trên đỉnh vinh quang, khi tụt lại phía sau, dường như là quy luật. Vấn đề là nắm được quy luật để phát huy lợi thế và khắc phục khó khăn, đó cũng là điều trăn trở của tập thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay. 

nguyen the ky 3

Ông Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc VOV bên bức tượng nhà báo Trần Lâm. (Ảnh: Phong Sơn) 

- Chính ông từng nói “làm báo chưa bao giờ khó khăn mà thú vị như thế này”, hẳn ông đã lường trước những khó khăn khi tiếp quản một cơ quan có đầy đủ các loại hình báo chí như VOV?

VOV là cơ quan duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ các loại hình báo chí với 8 kênh phát thanh; đài VTC với 17 kênh truyền hình; Hệ phát thanh có hình; Báo giấy và hai tờ báo điện tử là VOV.VN và VTC News.

VOV có hai trường Cao đẳng phát thanh truyền hình, 6 cơ quan thường trú trong nước và 10 cơ quan thường trú tại nước ngoài, và còn là cơ quan duy nhất có Nhà hát Đài Tiếng nói việt Nam.

Sự đa dạng đó là lợi thế, nếu biết cách phát huy, nhưng cũng là thách thức khi thời cuộc yêu cầu sự chuyển mình của cả một bộ máy đồ sộ.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã giúp cho cả phát thanh, truyền hình và báo chí truyền thống có nhiều cơ hội để phát triển, tiếp cận với công chúng trong và ngoài nước nhanh hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

Nhưng bên cạnh đó, là thách thức vô cùng lớn. Thách thức ở đây là gì? - Là thị phần báo chí ngày càng chia nhỏ, không còn đơn vị nào giữ thế độc tôn như trước đây.

Tôi vẫn hay nói vui, là trong làng báo có mấy "ông lớn", nhưng những ông lớn này đang dần dần nhỏ lại. Hiện nay, một cơ quan báo chí người ta không gọi là lớn hay bé, mà quan trọng là thông tin mà cơ quan báo chí đó đưa đến công chúng như thế nào, nó chiếm lĩnh và tác động đến công chúng ra sao.

Anh có đông quân đến mấy mà người ta không đọc báo của anh, không nghe đài của anh, không xem truyền hình của anh thì anh cũng không thực sự lớn, anh chỉ to xác thôi, chứ không phải là lớn.

Còn một anh ít người, bộ máy gọn nhẹ, chi phí không lớn, nhưng thông tin nhanh, chính xác, sinh động, được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại thì rõ ràng anh chiếm lĩnh công chúng tốt hơn, kinh tế báo chí thu về thậm chí tương đương một cơ quan báo chí lớn.

Cho nên rõ ràng, trong cuộc cạnh tranh về thông tin, cạnh tranh về nội dung, cạnh tranh về kỹ thuật công nghệ, cạnh tranh về cách quản trị, làm thế nào để hiệu quả, là bài toán đặt ra cho các cơ quan báo chí.

Và anh nào tìm được lời giải thật tốt thì anh đó sẽ là người được công chúng biết đến đông đảo hơn. Còn nếu chỉ tự bằng lòng với quá khứ hào hùng, cho rằng mình không cần phải đi tiếp thị, quảng bá thì hình ảnh, vai trò, vị trí của cơ quan đó trong công chúng sẽ dần dần sẽ nhỏ lại.

- Ông Ben Williams - nhà báo kỳ cựu của Anh trong một lần đến Việt Nam từng nhận xét "phát thanh là khởi đầu những nội dung được đề cập trên tất cả các loại hình truyền thông khác...nếu biết tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin", Đài Tiếng nói Việt Nam đã có kế hoạch như thế nào để từ ưu thế đi đầu, tận dụng công nghệ thông tin, sản xuất nội dung phù hợp với thính giả trên những thiết bị mới?

Trên thực tế, phát thanh chính là loại hình truyền tải thông tin nhanh nhất, do ưu thế về thao tác nghề nghiệp. Một sự kiện diễn ra, phát thanh có thể sống cùng sự kiện, song hành với diễn tiến sự kiện. Ví dụ sự kiện vừa diễn ra, ra khỏi nơi xảy ra sự kiện, bước lên ô tô đã thấy đài đưa tin rồi.

Không chỉ ở Việt Nam, ở các nước phát triển như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Mỹ…phát thanh vẫn có một đời sống trong nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, chứ không hẳn nó bị thu nhỏ lại.

Điều này khác so với truyền hình. Truyền hình cần một không gian nhất định, điều kiện nhất định mới xem được, còn phát thanh, anh nhắm mắt lại vẫn nghe được, đi ô tô vẫn nghe được, nấu ăn vẫn nghe được, thậm chí người nông dân đi rẫy, mang theo một chiếc máy thu thanh, vẫn có thể nghe được.

Cho nên vấn đề là gì? là chúng ta phải nắm bắt nhu cầu của từng đối tượng, để tiếp cận họ bằng những phương tiện thích hợp. Khi đã tiếp cận được rồi, thì xây dựng nội dung cho hay, cho hấp dẫn, cho phù hợp từng đối tượng để giữ chân họ lại.  

Nhu cầu của cuộc sống bây giờ cực kỳ lớn và phong phú, các cơ quan truyền thông, trong đó có phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử phải xác định cho mình những đối tượng cụ thể để phục vụ.

Nếu làm được như thế, tôi nghĩ là chắc chúng ta cũng không đến nỗi là bị bỏ lại trong cơn lốc truyền thông.

nguyen the ky 2 3

 Ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc VOV trao giải thưởng Tiếng nói Việt Nam cho các cá nhân, tập thể xuất sắc. (Ảnh: Phong Sơn)

- Nhắc đến Đài Tiếng nói Việt Nam, là người ta nhắc đến những chương trình “huyền thoại”, quen thuộc với nhiều thế hệ thính giả như Đọc truyện đêm khuya, Chuyện kể đại đội, Tiếng thơ... Đài có ý định khôi phục và phát triển những thương hiệu này trong thời gian tới?

Khi nói tới Đài Tiếng nói Việt Nam, người ta hay nói tới các chương trình nằm lòng trong nhiều thế hệ như Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya, Sân khấu truyền thanh, Chuyện kể đại đội,...

Ở thời kỳ chưa có truyền hình, báo in rất ít, phát thanh gần như độc tôn, những giọng đọc “vàng” của VOV như Tuyết Mai, Kim Cúc, Kiên Cường, Hoàng Yến... đã chắp cánh cho biết bao trang viết, trở thành món ăn tinh thần quen thuộc với nhiều thế hệ thính giả, thậm chí, có những chương trình tồn tại cùng VOV suốt 60 năm.

Cách đây 10 năm, ban Văn nghệ của Đài, từ một đơn vị lớn chuyển về nhập với ban Văn hóa xã hội thành hệ VOV2 bây giờ.

Từ ban Văn nghệ thành phòng Văn nghệ, điều này ảnh hưởng tới nội dung tuyên truyền của Đài, không đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng công chúng. Rất nhiều thế hệ thính giả bày tỏ mong muốn làm sống lại những chương trình quen thuộc trước đây.

Từ nhu cầu thực tiễn, ban lãnh đạo Đài đã bàn bạc lại, đề nghị với Chính phủ tái lập ban Văn nghệ.

Việc tái lập ban Văn nghệ sẽ khiến các chương trình trước đây có thêm nhiều đất để thể hiện, không chỉ lấy được sự tin yêu của công chúng trước đây mà còn phát triển thêm, mới mẻ và hấp dẫn hơn, để các chương trình văn nghệ trên Đài phát thanh có chỗ đứng.

- Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thông tin cũng chuyển động không ngừng, VOV có ý định phát triển thêm những cơ quan thường trú ở nước ngoài, để khán, thính, độc giả Việt Nam gần hơn với tin tức thế giới và ngược lại, khán, thính, độc giả các nước biết đến Việt Nam nhiều hơn?

Nhiều năm trước, Đài Tiếng nói Việt Nam có mua tin của Thông tấn xã Việt Nam và các hãng thông tấn báo chí nước ngoài. Tuy nhiên, giữa bối cảnh các sự kiện xã hội, các dòng thông tin cuồn cuộn như hiện nay, nhu cầu về thông tin không dừng lại ở mức “mua”, mà cần trực tiếp phóng viên có mặt, đưa tin.  

Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam có 10 cơ quan thường trú ở nước ngoài, cuối năm nay sẽ có thêm ở Úc.

Trong lộ trình các năm tiếp theo, Đài sẽ xin phép Chính phủ và các cơ quan bộ ngành, cho phép Đài mở thêm cơ quan thường trú ở Ấn Độ, Mỹ La tinh, Anh...

- Là người đứng đầu, cá nhân ông có định hướng và tự đặt ra mục tiêu gì, để dẫn dắt VOV xứng đáng với truyền thống 72 năm đã có, và phát triển hơn trong thời gian tới?

Trong năm 2016, Đài đã phát động cuộc nhìn lại toàn diện Đài Tiếng nói Việt Nam, từ nội dung, kỹ thuật tới công tác quản lý, xác định chiến lược phát triển.

Mục tiêu là đưa Đài Tiếng nói Việt Nam trở lại vị thế trước đây. Vị trí số 1 thì cực khó, nhưng ít nhất phải đứng trong top đầu các cơ quan báo chí của cả nước.

Cùng với nội dung, kỹ thuật, phải nâng cao tài chính của Đài. Bằng các nguồn tài nguyên sẵn có, phát triển kinh tế báo chí.

Xin cảm ơn ông!

Video: TGĐ VOV Nguyễn Thế Kỷ: "Tiếng nói Việt Nam 72 năm qua vẫn gần gũi và đầy kiêu hãnh"

An Yên – Phạm Thịnh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn