'Ông lớn' xăng dầu ăn gian, chây ì thuế

Kinh tếThứ Tư, 05/09/2012 07:51:00 +07:00

(VTC News) – Khoảng 545 nghìn tấn (527 triệu USD) xăng dầu tạm nhập trong 6 tháng đầu năm 2012 không tái xuất mà có dấu hiệu tiêu thụ nội địa nhằm ăn gian thuế.

(VTC News) – Khoảng 545 nghìn tấn (527 triệu USD) xăng dầu tạm nhập trong 6 tháng đầu năm 2012 không tái xuất mà có dấu hiệu tiêu thụ nội địa nhằm ăn gian thuế.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính chung từ năm 2009 đến tháng 6/2012, các DN đầu mối xăng dầu tạm nhập gần 9.992 nghìn tấn (7.397 triệu USD), tái xuất hơn 8.008 nghìn tấn, lượng tồn đọng lại thị trường nội địa khoảng 1.984 nghìn tấn (1.391 triệu USD).

Doanh nghiệp xăng dầu kiếm lời nhờ tạm nhập mà không tái xuất (Ảnh minh họa internet) 
‘Những số liệu trên là kết quả thanh tra bước đầu tại các DN, trong lượng hàng tồn lại do tạm nhập tái xuất không tránh khỏi lượng lớn có dấu hiệu được sử dụng thị trường nội địa bằng nhiều cách thức khác nhau, gây thất thoát thuế cho nhà nước”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết tại buổi họp báo tình hình tạm nhập tái xuất chiều 5/9 tại Hà Nội.

Cụ thể, lô hàng do Công ty xăng dầu Hàng không VN mua từ Singapore và bán cho Công ty TNHH Hồng Phát khai báo hải quan theo hình thức tạm nhập tái xuất. Các giấy tờ tạm nhập tái xuất đều do Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam đảm nhận, theo thủ tục thì lô hàn trên sẽ xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi rời cảng, các thành viên tàu Giang Châu tự ý phá kẹp chì niêm phong hải quan và chuyển hàng qua cho tàu Việt Nam tiêu thụ trong nước.

Bằng chiêu thức này nếu trót lọt, các đối tượng trong đường dây không phải đóng thuế và sẽ thu lợi hơn 10 tỉ đồng tiền chênh lệch mỗi chuyến.

Theo ông Cẩn, nguyên nhân để cho các thương nhân lợi dụng để hợp thức hoá hàng tạm nhập tái xuất xuất phát từ chính sách quy định của Bộ Công Thương.

Cụ thể, hàng tạm nhập sẽ lưu tại cảng 120 ngày, được gia hạn hai lần. mỗi lấn tối đa 30 ngày, tính ra một lô hàng thường lưu lại 180 ngày. Đây là kẻ hở để cho các thương nhân có thời gian lách luật.

Đồng thời, mặt hàng xăng dầu cón có những khó khăn trong kiểm soát bởi đa dạng chủng loại mặt hàng gồm xăng RON 92, 95, dầu diezel, ma dút,...và các DN đầu mối không có kho chứa riêng.

Lách thuế

Liên quan đến vấn đề DN đầu mối trong nước có móc nối với các đối tượng buôn lậu để tránh thuế hay không? Ông Cẩn cho biết, bản thân xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó phân biệt và thường đổ chung bồn chứa, DN nhập về theo sự lên xuống của giá thị trường.

Chẳng hạn, thuế nhập khẩu xăng dầu được tính ở thời điểm nhập về khi mở tờ khai hải quan. Do đó, nếu thuế nhập khẩu tăng lên, DN chuyển một lượng lớn xăng dầu tạm nhập sang bán ở trong nước thì sẽ ăn được chênh lệch thuế khá lớn.

Nếu một lô hàng nhập thời điểm 21/6, thuế xăng mới 10% nhưng nếu chuyển sang tiêu thụ nội địa sau ngày 3/7 khi thuế nhập khẩu xăng tăng lên 12% thì DN đã ăn chênh lệch 2%. Bởi khi tính giá cơ sở, các DN và và Bộ Tài chính vẫn tính mức thuế 12%, đẩy chi phí giá lên cao.

Petrolimex dẫn đầu về nợ thuế xăng dầu
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố chiều 5/9, trong số 13 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hiện có 10 doanh nghiệp đang nợ thuế quá hạn, 2 doanh nghiệp không có nợ thuế trong hạn và 2 doanh nghiệp là không còn nợ thuế.

Về nhóm doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế quá hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị dẫn đầu với tổng nợ trên 130 tỷ đồng, chiếm gần 44,2% tổng nợ thuế của 10 doanh nghiệp xăng dầu. Cụ thể, Petrolimex nợ hơn 82,63 tỷ đồng thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất và trên 49,36 tỷ đồng thuế xăng dầu nhập để kinh doanh.
Tiếp đến là Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam. Cụ thể, công ty này nợ 42,6 tỷ đồng thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất và trên 46,98 tỷ đồng thuế xăng dầu nhập để kinh doanh. Tổng nợ thuế của doanh nghiệp này là 89,58 tỷ đồng, chiếm 30%.
Tổng công ty Xăng dầu Quân đội với mức nợ trên 55 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam nợ thuế 24,4 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp hiện không có nợ thuế là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước.
Cùng với đó, hai doanh nghiệp không có nợ thuế quá hạn là Công ty cổ phần Nhiên liên Bay Petrolimex và Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này lại có nợ trong hạn tương ứng là hơn 112,74  tỷ đồng và 25,68 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xăng dầu tạm nhập 6 tháng đầu năm 2012 trên 1,68 tỷ USD; còn tái xuất trên 1,16 tỷ USD; chuyển tiêu thụ nộ địa hơn 2,6 triệu USD (với số thuế phải nộp trên 615 tỷ đồng đối với hàng hóa chuyển tiêu thụ nội địa).

Minh Ngọc

Bình luận
vtcnews.vn