Ông lớn ngân hàng đua nhau tăng vốn

Kinh tếThứ Năm, 21/02/2019 12:10:00 +07:00

Năm 2019, việc tăng vốn tại Vietinbank và BIDV được cho là đặc biệt cấp bách khi hệ số an toàn vốn thấp, dư địa tăng trưởng tín dụng hẹp.

"Việc tăng vốn là đặc biệt cấp bách"

Kết quả kinh doanh quý IV/2018 được Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) công bố với số lỗ trước thuế 853 tỉ đồng. Kết quả này đã không gây quá bất ngờ cho giới trong ngành. Bởi thực tế, đây cũng chỉ là hệ quả của quá trình tăng tín dụng mạnh trước đó của ngân hàng này dẫn đến “room” tín dụng của ngân hàng này không còn.

Cả năm 2018, tăng trưởng cho vay khách hàng của nhà băng này chỉ đạt 9,4%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dù cho ngân hàng này đã đẩy chỉ số cho vay/huy động (LDR) lên mức cao nhất có thể. Năm 2019, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của VietinBank sẽ vẫn khiêm tốn nếu ngân hàng không thể thực hiện tăng vốn. 

Dù vậy, giới phân tích cũng đánh giá cao sự nỗ lực trong việc cơ cấu lại vốn của ngân hàng này. Việc ngân hàng chấp nhận ghi lỗ và thoái lãi dự thu là kết quả thực chất hơn và là cơ sở để ngân hàng phát triển vững chắc hơn trong những năm tới. Quá trình tái cơ cấu của VietinBank vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2019 đi kèm với mục tiêu tăng vốn.

photo1532856340713-15328563407131407695216

Ảnh minh họa. 

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cho biết: "Việc tăng vốn là đặc biệt cấp bách". Do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng.

Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được VietinBank khai thác tối đa và đã tới hạn theo các quy định của pháp luật. 

Theo đó, VietinBank mong muốn được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của VietinBank như nội dung đã trình. Trước mắt đề nghị được chấp thuận được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020, và bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ cho VietinBank.  

Đến cuối 2018, trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018, CTG hiện đang có gần 9.000 tỷ đồng thặng dư vốn có thể được dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu nếu như phương án tăng vốn được phê duyệt. 

Cũng như Vietinbank, tăng vốn là nhu cầu cấp bách của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong năm 2019. Hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược, KEB Hana Bank trong năm 2018 vẫn chưa hoàn tất trong năm 2018 dự kiến sẽ được gấp rút triển khai trong nửa đầu năm 2019. 

Đồng thời, các nhà phân tích CTCK HSC dự báo BIDV có thể sẽ sớm thực hiện huy động vốn mới từ thị trường sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược là KEB Hana Bank.

Kết thúc năm 2018, BIDV vẫn đang là ngân hàng có tổng tài sản và lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay với tổng tài sản 1,313 triệu tỷ đồng. BIDV cũng là ngân hàng có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cao nhất, đạt tới hơn 28.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với việc trích lập dự phòng rủi ro lên tới hơn 18.800 tỷ đồng, lớn nhất trong hệ thống ngân hàng đã bào hết 2/3 lợi nhuận. Lãi ròng của BIDV trong năm 2018 chỉ còn 7.358 tỷ đồng, có dấu hiệu thụt lùi so với các ngân hàng xếp dưới do việc trích lập dự phòng rủi ro, hay cụ thể hơn là tình hình xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng đã có tác động rất lớn tới kết quả lợi nhuận của các ngân hàng. 

Trong bức tranh màu xám, BIDV cũng đang có những tín hiệu tích cực hơn trong hoạt động điều hành ngân hàng: "Phải thừa nhận rằng chúng tôi đánh giá cao nỗ lực trích lập dự phòng trong vài năm qua của Ngân hàng bên cạnh sự cải thiện ở hoạt động điều hành doanh nghiệp", các chuyên gia HSC đánh giá. 

HSC ước tính, sau khi có thể hoàn tất thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược vào nửa đầu năm 2019, vốn cấp 1 của BIDV có thể tăng khoảng 30%, tương đương 18 nghìn tỉ đồng với giả định là BIDV sẽ bán riêng lẻ 15% cổ phần trên vốn sau phát hành tại thị giá hiện tại là 30.000 đồng/cp.

Sau đó, ngân hàng sẽ có thêm khoảng 9.000 tỉ đồng dư địa huy động vốn cấp 2. Ước tính hệ số CAR sẽ tăng từ 9% lên 13%. Khi đó, BIDV có thể sẽ được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 14% sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ để tăng vốn. 

Có thể thấy, với cả Vietinbank và BIDV, bên cạnh áp lực nâng hệ số an toàn vốn đang trở nên cấp bách khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel II đang đến gần. Nếu sớm tăng được vốn và áp dụng đáp ứng chuẩn mực Basel II, các ngân hàng này sẽ tháo được nút thắt tăng trưởng tín dụng để gia tăng lợi nhuận.

Vietcombank cũng muốn tăng vốn

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây cũng đã công bố sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 26/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Nội dung đáng chú ý nhất trong cuộc họp lần này là tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2019. Ngay trước thềm kết thúc năm 2018, nhà băng này đã phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu VCB với giá 55.510 đồng/cp cho ngân hàng Nhật Bản Mizuho và quỹ GIC từ Singapore.

Thương vụ này đã giúp Vietcombank huy động được 6.167 tỷ đồng. Tuy nhiên, số cổ phiếu đã phân phối chỉ bằng 30,88% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán. Năm 2019, Ngân hàng có thể thực hiện tiếp đợt phát hành riêng lẻ hoặc, khả thi hơn là phương án phát hành chia cổ phiếu thưởng hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Năm 2018 là năm rất thành công của Vietcombank với lợi nhuận trước thuế lên tới hơn 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng 61% so với năm 2017 nhờ hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng ổn định. Thu nhập từ lãi tăng trưởng 29,5% và dịch vụ tăng trưởng đến 34%. Bên cạnh đó, hoạt động bán trái phiếu, thoái vốn và thu hồi nợ xấu đã giúp ngân hàng đạt vượt đến 37,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Hiện nay, nhu cầu tăng vốn của Vietcombank không còn cấp thiết như VietinBank hay BIDV khi ngân hàng này đã là một trong 3 ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II trong năm ngoái. Dự kiến 3 ngân hàng đạt chuẩn Basel II sớm sẽ được một cơ chế "thoáng" hơn về tăng trưởng tín dụng trong năm 2019. Theo đó, Vietcombank có thể tận dụng việc tăng vốn để nới rộng khoảng cách về lợi nhuận với các ngân hàng còn lại.

Một trong những lợi thế của Vietcombank là dư địa cho tăng trưởng khá dồi dào khi những năm qua, NH này chủ trương giữ tỷ lệ LDR ở mức khá thấp so với mặt bằng chung. Năm 2018, tỷ lệ LDR nhích lên 78,9% từ mức 76,7% của năm 2017 đã đóng góp rất lớn vào lợi nhuận.

Huy Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn