Ông Lê Quang Thưởng: Nếu được tán thành, từ nay về sau áp dụng mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, không tách ra nữa

Thời sựThứ Năm, 04/10/2018 12:36:00 +07:00

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương cho rằng nếu được tán thành, từ nay về sau áp dụng mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, không tách ra nữa.

Video: Ông Lê Quang Thưởng: "Nếu được tán thành, từ nay về sau áp dụng mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, không tách ra nữa"

 

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, ông Lê Quang Thưởng (nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương) chia sẻ với VTC News: "Đây là tin vui vì phù hợp với thông lệ và xu thế của thế giới - chỉ một người đứng đầu, đại diện quốc gia. Tổng Bí thư là Chủ tịch nước sẽ giúp việc xuất hiện trước quốc tế thuận lợi hơn".

- Ông nghĩ rằng cơ cấu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước có nhận được sự ủng hộ của Quốc hội?  

Tôi tin Quốc hội sẽ tán thành. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn đủ khả năng, có sức khoẻ và sự tín nhiệm để làm Chủ tịch nước. 

Bên cạnh đó, theo xu thế quốc tế, nhân vật đứng đầu Nhà nước trên thế giới chủ yếu là một người. Các nước tư bản hầu hết do Tổng thống đứng đầu.

Với các nước XHCN, chỉ còn Việt Nam và Cuba là tách riêng hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Trung Quốc và Lào cũng đã hợp nhất; còn Cuba chưa hợp nhất do đặc thù riêng.

IMG_5790a

Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương. (Ảnh: Xuân Trường)

- Cơ cấu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ có những thuận lợi nào, thưa ông?

Cơ cấu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ tạo nhiều thuận lợi, nhất là cho giao dịch quốc tế. 

Không chỉ giúp bộ máy cấp cao được tinh gọn, việc cơ cấu trên còn phát huy được cả sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước một cách thống nhất, tạo điều kiện cho người đứng đầu Đảng và Nhà nước hành động nhất quán, khẩn trương và tích cực.

Mô hình được thực hiện sẽ chấm dứt thời kỳ cũ duy trì khá lâu ở Việt Nam để theo tập quán quốc tế.

ĐỌC THÊM TẠI ĐÂY:

- Theo ông người đứng đầu, đại diện quốc gia cần những đòi hỏi về phẩm chất và năng lực thế nào?

Đó phải là người có uy tín cao trong Đảng và trong Quốc hội. Trong Đảng là Trung ương Đảng bỏ phiếu, ra Quốc hội thì Quốc hội sẽ bầu, các đại biểu Quốc hội có quyền dân chủ, họ sẽ giới thiệu và bỏ phiếu.

Tức là người đó phải được tín nhiệm trong Đảng, trong Quốc hội và rộng ra là trong nhân dân, mà tín nhiệm có nghĩa là phẩm chất và năng lực phải cao.

Đối với bối cảnh thực tế đất nước hiện nay, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là điều hoàn toàn tốt, bởi Tổng Bí thư còn sức khỏe, còn tín nhiệm, hoàn toàn có thể kiêm chức đó được.

- Thực hiện theo cơ cấu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, ông có thấy chúng ta có phải học tập kinh nghiệm của thế giới không?

Chúng ta không phải học tập ai cả, chỉ tham khảo thôi. Tất cả các nước là bình đẳng với nhau. Việt Nam đầy kinh nghiệm cầm quyền từ năm 1945 đến bây giờ. Học từ kinh nghiệm của cha ông mình, của đất nước mình.

Không lo lắng sẽ lạm quyền

le quang thuong - Copy

 

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ là tiền đề tốt trong tương lai.

Ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Nhiều người lo ngại nếu người đứng đầu Đảng và Nhà nước là một thì dẫn đến độc đoán chuyên quyền?

Đó chỉ là ý kiến của thiểu số, chủ yếu là thế hệ trước; giới trẻ đi lên tư duy đó sẽ thay đổi. Như tôi đã nói ở trên, hiện xu thế thế giới đã khác, họ chỉ biết một nguyên thủ quốc gia mà thôi.

Trong ngoại giao một số nước tôn trọng thể chế của Việt Nam như Ấn độ, Cuba, Nga... vẫn tiếp đón Tổng Bí thư như nguyên thủ quốc gia; còn các nước tư bản chỉ biết đến một chức danh lãnh đạo như Tổng thống thôi.

- Ông có lo lắng việc lạm quyền?

Nếu người đứng đầu đủ uy tín, đạo đức, phẩm chất thì tôi nghĩ hoàn toàn không nên lo lắng về điều này. 

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ là tiền đề tốt trong tương lai. Nếu được tán thành, từ nay về sau có thể áp dụng mô hình này, không tách ra nữa.

- Vậy làm thế nào để giám sát khi quyền lực tập trung?

Trước hết phải có quy định trong Hiến pháp, trong luật pháp, Điều lệ Đảng, bổ sung những vấn đề và cụ thể hóa quy định để giám sát.

Khi còn tách ra, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đều phải chịu giám sát của Trung ương Đảng, của Quốc hội, nhưng nếu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì sự giám sát phải cao hơn. 

Tiền đề cho các cấp cơ sở tinh gọn bộ máy 

- Nếu theo cơ cấu Tổng bí thư làm Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh uỷ sẽ làm Chủ tịch UBND tỉnh, và cứ như thế ở cấp huyện xã?

Vấn đề tổ chức bộ máy hoạt động mà tổ chức bộ máy gọn, trên cơ sở phải làm rõ chức năng của các tổ chức, chức năng và nhiệm vụ để từ đó định ra bộ máy cho phù hợp. Và những tổ chức chức năng gần nhau hoàn toàn có thể hợp nhất lại. 

Ví dụ Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ hoàn toàn có thể thành một cơ quan do một người phụ trách.

Tất nhiên trong các cơ quan mới có 10 vụ, thì sẽ tách ra 5 vụ làm về Đảng, 5 vụ làm về chính quyền và thống nhất lại một người trên ban mới. Đảng làm toàn diện, còn Bộ Nội vụ chủ yếu phụ trách bộ máy hành chính.

- Khi Bí thư đồng thời làm Chủ tịch từ cấp trung ương xuống cấp địa phương thì “nồi cơm”, quyền lợi của không ít lãnh đạo sẽ bị ảnh hưởng. Bài toán này sẽ được giải quyết thế nào cho hợp lý?

Phải tổng hợp lại đội ngũ cán bộ của cả cơ quan, sau đó sẽ phân ra người trẻ sẽ cho đi học đào tạo bồi dưỡng, những người gần đến tuổi về hưu thì duy trì rồi nghỉ.

Còn cán bộ nào lôi thôi, vi phạm nhiều khuyết điểm thì phải bị xử lý để làm cho bộ máy gọn.

- Ông có tin sẽ giải quyết được bài toán cán bộ dôi dư sau khi tinh gọn bộ máy?

Không chỉ là công chức Nhà nước, những người có tài họ sẵn sàng ra khỏi Nhà nước để họ làm. Thực tế, tôi có rất nhiều người nhà làm Nhà nước thấy lương thấp quá, ra ngoài làm lại sướng hơn.

Chỉ những người lười biếng, những người không có năng lực thì mới bo bo giữ lại cái vị trí trong cơ quan Nhà nước. Còn những người thông minh giỏi giang, năng động là họ sẵn sàng ra ngoài làm ăn.

Video: 'Lúc này là thời điểm tốt nhất để thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước'

Chiều 3/10, tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10 tới đây.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, quê quán Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.  Ông là Ủy viên Trung ương các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001); đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.

Từ năm 1963 - 1967, ông là sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó công tác nhiều năm ở Tạp chí Cộng sản và giữ chức Tổng biên tập từ tháng 8/1991 đến tháng 8/1996. 

Từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó giữ chức Chủ tịch Quốc hội hai khóa XI, XII.

Tháng 1/2011, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Bí thư Quân ủy Trung ương. Đến tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông được bầu tái giữ chức Tổng Bí thư.

Minh Đức - Xuân Trường - Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn