Ông Dương Trung Quốc bị dân chặn xe: 'Nhiều dự án BOT như cái hộp đen'

Thời sựThứ Năm, 12/11/2015 12:00:00 +07:00

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng từ sự việc dân phản đối ở trạm thu phí Lương Sơn (Hòa Bình) cần phải làm rõ ràng, minh bạch các dự án BOT

(VTC News) - Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng từ sự việc dân phản đối ở trạm thu phí Lương Sơn (Hòa Bình) cần phải làm rõ ràng, minh bạch các dự án BOT để tránh xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc kể về câu chuyện ngày thứ 7 tuần trước khi ông có việc đi qua trạm thu phí BOT ở địa phận Lương Sơn (Hòa Bình). Tại đây, ông đã bị người dân chặn lại khiếu kiện về tình trạng đặt trạm thu phí BOT không đúng địa giới và mức thu phí không hợp lý.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh) 
- Thưa ông, người dân Lương Sơn (Hòa Bình) đã kiến nghị gì khi chặn xe của ông tại trạm thu phí BOT?


Người dân ở Lương Sơn (Hòa Bình) cho rằng đặt vị trí trạm thu phí ở đấy rất phiền toái và tốn kém cho họ. Họ còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc cần minh bạch tất cả cách làm. Việc dịch chuyển vị trí địa giới có đúng không. Tại sao lựa chọn chỗ ấy. Phải chăng lựa chọn chỗ ấy để tạo lợi thế cho doanh nghiệp?

Người dân cũng kiến nghị chủ đầu tư phải công khai xem đầu tư vào trạm thu phí bao nhiêu tiền, mức thu như thế nào để tránh thất thoát. Nhiều dự án BOT như một cái hộp đen, nhìn vào không ai biết được như thế nào cả. Nói rất thật, đây là nơi nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm.

Tôi cho rằng, việc người dân đòi hỏi phải làm rõ những điều đó là hoàn toàn chính đáng.


- Hiện nay người dân phản ánh phí chồng phí, ông có giải pháp nào về vấn đề này?

Hiện tượng đó ai cũng biết, nói rất nhiều lần nhưng tại sao không thay đổi được. Chỉ có 2 lý do là lợi ích nhóm hoặc quản lý lỏng lẻo.

 

Nhiều dự án BOT như một cái hộp đen, nhìn vào không ai biết được như thế nào cả
Dương Trung Quốc
 
Tôi ví dụ con đường số 6 đoạn Lương Sơn, Hòa Bình đã có từ rất lâu rồi. Bây giờ chủ đầu tư chỉ mở rộng một tí, bỏ tiền tráng thêm một tí men trên mặt đường mà lại thu phí cao như những nơi đầu tư từ đầu liệu có hợp lý không?


Việc thu bao nhiêu tôi không dám nói ít quá hay nhiều quá nhưng phải ngồi tính toán và giám sát cụ thể. Người dân rất cần điều đó. Bởi vì nếu không làm để mặc theo kiểu “cha chung không ai khóc” thì chỉ có thể là tồn tại lợi ích nhóm. Một nhóm người sẽ được hưởng lợi.

Vấn đề tôi vừa gặp phải ở Lương Sơn, Hòa Bình đã và sẽ còn xảy ra nhiều trên các hệ thống đường trên cả nước Việt Nam.

Tôi rất tán thành với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Đừng nói là xã hội hóa, tư nhân hóa thì nói thẳng là tư nhân hóa đi. Nếu tư nhân hóa mà có hiệu quả tốt thì chúng ta vẫn ủng hộ.

Xã hội hóa là khái niệm rất mù mờ, sự mù mờ ấy làm cho người dân mất lòng tin.
Người dân chặn xe ở trạm thu phí (Ảnh: Thanh Niên)
Người dân chặn xe ở trạm thu phí (Ảnh: Thanh Niên)  

- Ông đã gửi kiến nghị của người dân Lương Sơn (Hòa Bình) đến Bộ trưởng Đinh La Thăng chưa?

Ngay sau khi xảy ra chuyện này, Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải Đinh La Thăng có đến gặp tôi. Hôm thứ 2 đầu tuần tôi đã gửi lá đơn của người dân kèm với kiến nghị của tôi gửi cho Bộ trưởng Đinh La Thăng và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Bí thư tỉnh Hòa Bình.


Ngày thứ 7 tuần trước, ngay khi vượt qua trạm thu phí này, tôi cũng đã gọi điện cho đồng chí Bí thư tỉnh Hòa Bình, cũng là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình để phản ánh.

Đồng chí bí thư tỉnh Hòa Bình nói đã biết việc này và hiện đang tìm hướng giải quyết. Tôi nghĩ cần thời gian để có hồi âm. Chức năng của tôi là giám sát và cơ quan chức năng phải có hồi âm. Còn hồi âm như thế nào để người dân phán xét.


- Sau khi người dân phản đối quyết liệt, Bộ Giao thông và Bộ Tài chính đã có động thái giảm vé hàng ngày từ 20-40% cho người dân có hộ khẩu tại địa phương. Phương án này có hợp lý không, thưa ông?


Về lý thuyết mà nói chất lượng đường tốt hơn thì có một phần phí là hợp lý. Cái quan trọng là phải rà soát lại toàn bộ.

Tôi cho rằng cơ quan chức năng có liên quan phải có trách nhiệm tính toán xem nhà đầu tư đã đầu tư bao nhiêu. Chất lượng đường mới mang lại cho dân có định lượng được bằng tiền không.

Việc thu cũng phải hợp lý vì ảnh hưởng trực tiếp đến người dân tại đó, phải tính toán rất là chi ly.

Từ những hiện tượng tưởng như lẻ tẻ như thế này thì các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là Bộ Giao thông cần có tính toán rất cụ thể và minh bạch hóa ra. Sau đó quy định cụ thể để áp dụng cho nhiều nơi tránh tình trạng mập mờ, lợi ích nhóm.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Đại biểu Quốc hội nói về những vấn đề nóng




Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn