Ông đồ sinh viên

Kinh nghiệm sốngThứ Tư, 18/02/2015 06:40:00 +07:00

Trong 100 ông đồ vượt qua 3 kỳ sát hạch gắt gao, có người đang là sinh viên đại học, một số 'thầy đồ' tuổi đôi mươi còn được tuyển thẳng vào Hồ Văn.

Trong 100 ông đồ vượt qua 3 kỳ sát hạch gắt gao, có người đang là sinh viên đại học, một số 'thầy đồ' tuổi đôi mươi còn được tuyển thẳng vào Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) viết chữ vì có tranh lọt vào triển lãm thư pháp.

Dạo phố ông đồ ngày áp Tết, anh Nguyễn Huynh (35 tuổi, Hà Nội) ngạc nhiên khi thấy xen giữa những cụ đồ râu tóc bạc phơ là một vài gương mặt trẻ măng. Năm nào cũng tới Văn Miếu để xin chữ, anh Huynh và nhiều người cùng có tâm lý chỉ tin tưởng thầy đồ già. Nhưng năm nay khi tiếp xúc với mấy ông đồ trẻ, nhất là khi theo dõi thông tin về kỳ sát hạch, anh đã thay đổi quan niệm.
"Tôi bị ấn tượng bởi lều của ông đồ có gương mặt trẻ măng nhưng nét chữ uốn, nhấn rất đẹp, câu đối cũng hay. Ngồi nghe bạn ấy tán chữ, tôi thấy đây là một người tài, có kiến thức văn hoá, vốn từ, thi ca phong phú. Thay vì chọn ông đồ già như mọi năm, lần này tôi tin tưởng chia sẻ câu chuyện của mình để nhờ thầy đồ trẻ cho con chữ cầu may", anh Huynh nói.
Ông đồ sinh viên Bùi Tiến Diệu viết thư pháp cho anh Nguyễn Huynh và nhận được lời ngợi khen từ khách hàng tự cho là khó tính. Ảnh: Quỳnh Trang.

Viết chữ cho anh Huynh là thầy đồ Bùi Tiến Diệu (23 tuổi), tân cử nhân Học viện Quản lý giáo dục. Diệu có tên trong danh sách được vào thẳng phố ông đồ cho chữ vì tranh thư pháp của cậu là một trong 30 tác phẩm được chọn treo triển lãm. Vẫn tham gia kỳ sách hạch, Tiến Diệu xuất sắc vượt qua các đàn anh, đàn chú để không nằm trong số 70% ông đồ bị trượt ở đợt đầu.

Tiến Diệu chia sẻ đã có 4 năm viết chữ ở phố ông đồ Văn Miếu. Nghệ thuật thư pháp mang đến cho cậu cảm giác thư thái nên từ khi học cấp 3, Diệu đã cầm bút lông, mài mực, luyện chữ, học thi ca qua sách báo, Internet. Theo Diệu, viết thư pháp Việt hay thư pháp Hán đều đòi hỏi tính kiên trì, cẩn trọng và khéo léo. Bên cạnh đó, vốn kiến thức và phông văn hoá phải tốt thì mới có thể “tán chữ”, giải thích những câu thơ Hán Việt, hay gợi ý con chữ phù hợp với tâm nguyện của người xin.

"Cái khó của thư pháp quốc ngữ là tác phẩm thường kèm thơ chứ không chỉ có 1-2 con chữ chính. Điều này đòi hỏi người viết phải có vốn từ, kiến thức văn hoá, thi ca phong phú", Tiến Diệu nói.

Tham gia phố ông đồ, 4 năm nay Diệu không ăn Tết cùng gia đình. Mỗi đêm đi viết chữ về, chỉ có một mình trong căn phòng vắng, buồn bã Diệu muốn bỏ tất cả về quê Nam Định. Nhưng đam mê với các con chữ và ý chí "đã quyết làm, phải làm và làm thật tốt", sáng sớm mùng 1 Tết, Diệu lại xuất hiện trên phố Văn Miếu trải giấy đỏ, mực tàu, cho chữ.

Hoàng Văn Thông (22 tuổi, sinh viên năm 4 Đại học Kiến trúc Hà Nội) là một trong 7 ông đồ vượt qua vòng thi sát hạch chữ quốc ngữ (đợt 1) để nhận thẻ ngồi viết chữ trong Hồ Văn năm 2015. Giữ tay áo the, chăm chú đưa bút uốn từng con chữ, Thông mỉm cười khi tác phẩm hoàn thành đúng ý.

Thông cho biết, từ bé đã thích thư pháp và hay đi xin những tờ lịch có chữ thư pháp để tập. Vào cấp 3, chàng trai bắt đầu tìm sách về loại hình nghệ thuật này để học bài bản. "Năm nào em cũng chờ Tết về để được đi mua giấy đỏ, viết chữ tặng các thầy cô, bạn bè. Nhìn mọi người tấm tắc khen con chữ, em thấy rất vui và có thêm động lực để theo đuổi thư pháp", Thông kể lại.

Hoàng Văn Thông (22 tuổi, sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội) được cấp thẻ ngồi cho chữ trong Hồ Văn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Là sinh viên Đại học Kiến trúc, Thông có lợi thế được đào tạo bài bản về bố cục, phối màu, mắt nhìn thẩm mỹ. Ngoài thư pháp, em còn vẽ tranh thuỷ mạc và nhận được nhiều lời ngợi khen.

2015 là năm thứ hai Thông đón Tết xa nhà để mài mực viết chữ. Tuy có những lúc buồn nhưng vì đam mê và suy nghĩ "mình làm một tuần có thể giúp bố mẹ mấy tháng không phải lội ruộng", em mỉm cười ở lại.

Nguyễn Tiến Phong (22 tuổi, Câu lạc bộ Nhân mỹ học đường) là ông đồ trẻ nhất khối chữ Hán-Nôm có tranh được triển lãm tại Hội chữ xuân. Trong 30 tác phẩm trưng bày, tranh của Phong thuộc loại hiếm bởi sử dụng chữ Hán cổ (chữ Triện). "Loại chữ này ít người biết và ít người viết bởi nó là chữ tượng hình, phồn thể, có nhiều nét. Ngoài tranh của em, chỉ còn một tác phẩm thư pháp khác được treo trong triển lãm sử dụng loại chữ này", Phong nói.

Ông đồ trẻ này cho biết, sau nhiều lần đi xin chữ, em yêu thích và muốn tìm hiểu nghệ thuật thư pháp, chữ Hán Nôm. Phong mong muốn qua việc học những văn bản cổ, Tứ kinh ngũ thư sẽ hiểu hơn về lễ nghĩa, phong tục của tiền nhân và rút ra những bài học cho bản thân. Học chữ Hán cũng là cách để Phong rèn luyện bản tính kiên trì, vững vàng.

"Chữ Hán, nhất là chữ Triện nhiều nét, đòi hỏi nhiều kỹ pháp như: cách vận bút, đi trung phong, chú bút (dừng bút) sao cho tạo được liên kết với chữ sau… Nếu không có tính kiên trì, cẩn trọng người học rất dễ bỏ cuộc. Bản thân em cũng nhiều lần định buông bút nhưng rồi đã tự vượt được qua", Phong cho biết.

Nhận xét về các thầy đồ tuổi đôi mươi, ông Trần Quốc Chí, thành viên Ban tổ chức, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp UNESCO Việt Nam đánh giá, đây là thế hệ mở ra một tương lai tươi sáng mới cho thư pháp Việt. "Họ có nhiều điều kiện học tập, tìm hiểu về chữ Hán, thư pháp qua sách vở, Internet, thậm chí sang học ở nước ngoài. Do đó, có những ông đồ trẻ, mới 18-20 tuổi mà viết chữ còn đẹp, hay và chắc chắn hơn các cụ đồ", ông Chí nói.

Nguồn: VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn