Ông Đinh La Thăng tự bào chữa: 'Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn đã không có chuyện mất 800 tỷ đồng'

Pháp luậtThứ Năm, 22/03/2018 12:48:00 +07:00

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định nếu Chính phủ, Thủ tướng cho phép thoái vốn thì đã không mất 800 tỷ đồng của PVN.

Sáng 22/3, trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm liên quan đến vụ án góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng CPTM Đại Dương (Oceanbank), đại diện VKS ND TP Hà Nội đọc bản luận tội và có đề xuất mức  án đối với 7 bị cáo.

ttxvn_bicaoDinhLaThang_ISYT

Bị cáo Đinh La Thăng bào chữa tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN) 

Bị VKS đề nghị mức án từ 18-19 năm tù giam, bị cáo Đinh La Thăng đứng lên tự bào chữa cho mình.

Về cáo buộc trách nhiệm đối với khoản thất thoát 800 tỷ đồng đầu tư tại Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng giải thích nguyên nhân bắt nguồn từ chủ trương thoái vốn không được thông qua.

"Như bị cáo đã khai nhận, việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank cần có lộ trình và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Việc thoái vốn tôi đã có đề xuất từ năm 2012, nếu Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn sẽ không có chuyện bị mất 800 tỷ đồng. Việc Chính phủ không cho phép thoái vốn là nguyên nhân quan trong mất 800 tỷ đồng", bị cáo Thăng nói.

Về việc NHNN mua ngân hàng Oceanbank  bị mua với giá 0 đồng, theo đánh giá của bị cáo Đinh La Thăng là không đúng quy định của pháp luật.

 "Từ năm 2012, PVN đã xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thoái vốn tại Oceanbank. Trong đó, PVN xin thoái 100% vốn từ Oceanbank. Lộ trình thực hiện là năm 2013.

Năm 2014 với tinh thần đồng thuận của Oceanbank, có 2 công ty đã đồng ý mua lại 20% cổ phần của PVN  đang sở hữu ở ngân hàng này. Tập đoàn PVN  đã báo cáo Thủ tướng và xin Thủ tướng đồng ý cho PVN bán cổ phần để thoái vốn.

Lúc đầu, Thủ tướng đã đồng ý nhưng sau lại không đồng ý. Nếu PVN được đồng ý thoái vốn, rõ ràng đã không có vấn đề gì xảy ra", bị cáo Đinh La Thăng nói.

Bị cáo giả sử, nếu việc mua ngân hàng 0 đồng này là đúng thì ngân hàng Nhà nước phải bỏ tiền bù lỗ 14 nghìn tỷ đồng và bỏ 4 nghìn tỷ đồng để chấp hành vốn điều lệ cho ngân hàng Oceanbank. Thế thì ngân hàng Nhà nước lấy tiền  đâu ra? Theo quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước không được lấy tiền ngân sách để bù lỗ cho các doanh nghiệp.

Nếu ngân hàng Nhà nước không bỏ tiền vào thì Oceanbank vẫn hoạt động bình thường. Từ đó chứng tỏ, việc mua ngân hàng này hoàn toàn không phù hợp, kể cả về tính pháp lý và sự chỉ đạo chung.  Bị cáo rất tha thiết HĐXX xem lại việc mua ngân hàng với giá 0 đồng này".

Trước những cáo buộc của đại diện VKS về tội danh Cố ý làm trái gây thất thoát 800 tỷ đồng, bị cáo Đinh La Thăng một lần nữa khẳng định lại: "Chính việc mua ngân hàng 0 đồng, việc Chính phủ không cho phép PVN thoái vốn là nguyên nhân quan trọng trong việc các cổ đông, trong đó có cả Tập đoàn PVN  mất hoàn toàn số vốn này.

Và trách nhiệm này ngoài tầm kiểm soát của Tập đoàn.Trước hết, trách nhiệm không cho thoái vốn là trách nhiệm của người không cho thoái vốn chứ không phải là trách nhiệm của Tập đoàn và của bị cáo".

Đối với vấn đề trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn PVN tại Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc kinh doanh và đầu tư đã có hiệu quả, điều này chứng minh bằng việc PVN đã được chia cổ tức hơn 240 tỷ.

Đối với trách nhiệm bảo toàn vốn của người đứng đầu tập đoàn, bị cáo Thăng chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu đến tháng 8/2011, còn sau đó là trách nhiệm của những người liên quan.

"Khi bị cáo chuyển công tác khỏi tập đoàn dầu khí thì mọi quyền lợi, trách nhiệm của bị cáo không còn nữa. Thực tế, việc đầu tư vào ngân hàng Oceanbank hoàn toàn  có hiệu quả và phát triển. Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thoái vốn thì tập đoàn đã thu được ít nhất 800 tỷ đồng và thu được trên cổ tức là 244 tỷ đồng.

Trong trong giai đoạn này, việc Oceanbank  làm ăn không hiệu quả không phải trách nhiệm của bị cáo. Vấn đề này cũng không có quan hệ gì với kết quả của việc đầu tư PVN vào Oceanbank.

Ông Thăng so sánh việc ông phải nhận trách nhiệm việc ngân hàng Oceanbank  bị mua với giá 0 đồng giống như việc một người đi xe máy vi phạm luật giao thông, thay vì xử lý chính người vi phạm thì lại đi xử lý bố mẹ người vi phạm, người bỏ tiền mua xe máy cho con đi", bị cáo Thăng cho hay.

Video: Ông Đinh La Thăng bị cáo cuộc giữ vai trò lớn làm thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN

Trước đó, trong phần đầu tiên của bài bào chữa, bị cáo Thăng phủ định cáo buộc không thành khẩn, né tránh trách nhiệm khi làm việc với cơ quan điều tra, và khằng định rằng mình đã nhận trách nhiệm và làm đúng trách nhiệm của mình trước pháp luật.

Bị cáo Đinh La Thăng nhắc lại nguyên nhân, bối cảnh khiến ông phải ra quyết định đầu tư vào ngân hàng Oceanbank do  PVN không được thành lập ngân hàng Hồng Việt. Việc đầu tư vào giai đoạn đó chỉ là giải quyết hệ lụy chứ không phải chủ trương ban đầu của PVN.

Bị cáo Thăng trần tình: "Để có cơ sở báo cáo HĐQT, bị cáo phải đi tìm đối tác. Trước khi ký với Oceanbank, bị cáo có ký kết với một số đối tác là ngân hàng về thỏa thuận hợp tác.

Việc chủ trương ký hợp tác với Oceanbank các thành viên HĐQT đều biết. Việc kí với Oceanbank chỉ đơn giản là kết quả buổi làm việc giữa bị cáo và đại diện ngân hàng Oceanbank.

Sau đó, trong một cuộc họp HĐQT, bị cáo đã báo cáo trước hội đồng để cùng nhau thống nhất trước khi báo cáo lên Thủ tướng. Việc này hoàn toàn không úp mở, che giấu".

Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, việc kí kết Nghị quyết chủ trương góp vốn vào Oceanbank  là hoàn toàn đúng chủ trương, đúng quy trình, pháp luật.

Khi Thủ tướng đồng ý mới thực hiện việc đầu tư. Đây không phải né tránh mà là nói đúng bản chất của vấn đề, sự việc.

Về 2 công văn của Bộ Tài chính, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng: "Công văn thứ nhất là đại diện Bộ Tài chính trả lời, hỏi ý kiến Văn phòng Chính phủ, không phải văn bản trả lời PVN.

Trong công văn này, Bộ Tài chính trình Thủ tướng về vấn đề đầu tư của PVN tại Oceanbank. Bộ Tài chính đồng ý cho PVN đầu tư và đề nghị các ban ngành tạo điều kiện cho PVN đầu tư.

Đối với công văn thứ 2, bị cáo Thăng nhận thức đây là công văn khuyến cáo của Bộ Tài chính và không yêu cầu PVN phải trả lời lại.

Trên cơ sở khuyến cáo này, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu PVN báo cáo lại. Thực tế, tập đoàn đã triển khai việc báo cáo này với Thủ tướng Chính phủ.

Trong văn bản của Chính phủ yêu cầu Tập đoàn PVN cân đối vốn. Thực tế, chúng tôi đã có cân đối vốn cho giai đoạn đó và không thiếu vốn trong mọi hoạt động kinh doanh pháp luật".

Về việc góp vốn đợt 3 (góp thêm 100 tỷ đồng nâng mức đầu tư mua cổ phần của PVN tại Oceanbank lên 20%, tương đương với 800 tỷ đồng), bị cáo Đinh La Thăng nhận thức việc góp thêm 100 tỷ đồng vào thời điểm đó là chưa phù hợp với quy định của Luật tổ chức Tín dụng năm 2017.

Tuy nhiên, theo bị cáo Thăng: "Tại phiên tòa, bị cáo thấy người được ủy quyền, người kí vào Nghị quyết tăng vốn đầu tư dù chưa phù hợp nhưng đã được các cơ quan nhà nước như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban chứng khoán... kí kết vào văn bản cho phép.

Vì vậy, việc góp vốn 100 tỷ đồng lần 3 đối với người được ủy quyền, các cá nhân của HĐQT tham gia biểu quyết là hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Đây là thời điểm hết sức nhạy cảm, các thành viên HĐQT không cập nhật kịp thời nên để xảy ra sai sót chứ không cố ý làm trái. Bản thân bị cáo không chỉ đạo tăng, bản thân bị cáo không kí vào Nghị quyết tăng vốn đó".

Video: Ông Đinh La Thăng khai được Thủ tướng đồng ý góp vốn vào Oceanbank

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn