Góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank: Ông Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 18-19 năm tù

Pháp luậtThứ Năm, 22/03/2018 08:45:00 +07:00

Sáng 22/3, vị đại diện VKS ND TP Hà Nội đọc bản luận tội các bị cáo vụ góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank, trong đó ông Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 18-19 năm tù.

Ông Đinh La Thăng - Nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cùng 6 đồng phạm cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Riêng ông Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

sang-21-3-1-1521618725021199633705

Ông Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn của luật sư tại tòa. (Ảnh: TTXVN)

Với hành vi của từng bị cáo đại diện VSK đề nghị mức án:

Đinh La Thăng - Nguyên Chủ tịch tập đoàn Dầu khí (PVN): 18 -19 năm tù. 

Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN: 30 - 36 tháng tù

Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN: 7-8 năm tù tội cố ý. 17- 19 năm tội chiếm đoạt. (chung 24-35 năm tù)

Vũ Khánh Trường - nguyên Thành viên HĐTV PVN: 7 - 8 năm tù

Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Thành viên HĐTV PVN: 24 tháng - 30 tháng tù.

Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Thành viên HĐTV PVN: 24 tháng 30 tháng cải tạo không giam giữ.

Phan Đình Đức - nguyên Thành viên HĐTV PVN: 24 tháng - 30 tháng cải tạo không giam giữ.

Video: Ông Đinh La Thăng khai được Thủ tướng đồng ý góp vốn vào Oceanbank

Trước đó, chiều 21/3, ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khi Việt Nam tiếp tục trả lời thẩm vấn của TAND TP Hà Nội liên quan cáo buộc cố ý làm trái trong vụ PVN thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương OceanBank.

Tại tòa, khi được hỏi về trách nhiệm đối với 800 tỷ đồng góp vốn của PVN được xác định bị thiệt hại, ông Đinh La Thăng cho rằng "ai ký văn bản ngừng thoái vốn thì phải chịu trách nhiệm".

Ông Thăng phân tích, lộ trình thoái vốn của PVN tại OceanBank đã được ông Phùng Đình Thực báo cáo cụ thể. Lộ trình này được xây dựng từ năm 2012 và đến tháng 1/2013 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép lộ trình thoái vốn từ 2013 đến 2015.

"Việc thoái vốn đã có chỉ đạo từ tháng 3/2011. Còn sau đó Chính phủ không đồng ý thoái vốn thì trách nhiệm thuộc người ký văn bản không cho phép thoái vốn của PVN. Do đó, việc mất vốn này không thuộc trách nhiệm PVN" - ông Thăng nói.

Ông Thăng lập luận: "Vì PVN đã tìm được đối tác, đã có văn bản trình để báo cáo, OceanBank đã trình kế hoạch của đơn vị xin mua với giá tối thiểu là bằng giá nhưng lại không được thoái vốn.

Lúc đầu ngân hàng nhà nước đề nghị giữ lại, sau đó Phó Thủ tướng yêu cầu ngừng lại. Nhưng sau đó, chính Ngân hàng Nhà nước lại ra quyết định mua 0 đồng".

Ông Thăng khẳng định, điều này không đúng pháp luật và hoàn toàn gây thiệt cho cổ đông trong đó có PVN.

Tại phiên tòa sáng 20/3, ông Thăng thừa nhận "có trách nhiệm thế nào trong việc bảo toàn vốn nhà nước tại PVN mà ông được giao làm đại diện".

Trước câu hỏi "Đến thời điểm hiện nay 800 tỷ đồng đầu tư vào Oceanbank có thu hồi được không?", ông Thăng cho rằng, ăm 2011 không còn là Chủ tịch HĐQT PVN nên trách nhiệm tiếp theo thuộc về PVN.

"Bị cáo với vai trò là người đứng đầu có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn. Việc đầu tư vào ngân hàng Oceanbank đã có hiệu quả. Còn việc thu hồi vốn, khi tôi chuyển công tác thì tôi không chịu trách nhiệm" - ông Đinh La Thăng nói.

Chiều 20/3, ông Thăng khẳng định, PVN là tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Việc đầu tư của PVN là được sự đồng ý và theo sự chỉ đạo của Chính phủ.

PVN phải xử lý tồn tại liên quan đến việc thành lập NH Hồng Việt và đã xin phép Chính phủ, cơ quan hữu quan cho đầu tư vào ngân hàng OceanBank.

Khi có chủ trương các tập đoàn được đầu tư vào ngân hàng, PVN cũng chủ trương lập Ngân hàng Hồng Việt nhưng sau đó không thành lập nữa. Việc Tập đoàn Dầu khí quyết định không thành lập Ngân hàng Hồng Việt đặt ra những khó khăn, thách thức. 

"Tại thời điểm đó, PVN đã tiếp cận các vài ngân hàng để giải quyết các tồn tại này. Bị cáo đã giao cho Ban trù bị, giao cho Tổng giám đốc đi tìm hiểu, sau khi làm việc với các ngân hàng khác không thành thì OceanBank đã chấp thuận phương án của Tập đoàn" - bị cáo Thăng nói.

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, trong ba lần đầu vào Oceanbank, hai lần đầu có hiệu quả, còn lần thứ ba bị cáo ủy quyền cho cấp dưới. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người đứng đầu, bị cáo xin nhận trách nhiệm thay cho cấp dưới.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao quy buộc ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế trong thực hiện chủ trương góp vốn của PVN vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), gây thiệt hại cho PVN 800 tỉ đồng.

Cụ thể, ông Thăng ký thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT; 

Quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. 

Ông Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceabank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank. 

Đến thời điểm ngày 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…", với vai trò Chủ tịch HĐTV, Đinh La Thăng đã không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15%  mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Việc này đã tạo điều kiện cho các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỉ đồng (đợt 3) vào Oceanbank. 

Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng Oceanbank với giá 0 đồng.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn