Ông Daniel Hauer không có mặt theo giấy mời làm việc của Bộ Thông tin Truyền thông

Giáo dụcThứ Ba, 30/01/2018 15:18:00 +07:00

Theo ông Lê Quang Tự Do, mặc dù Cục gửi giấy mời thầy giáo người Anh Daniel Hauer từ ngày 26/1 và hẹn làm việc vào 9h30 sáng nay nhưng ông này vẫn chưa đến.

Trưa 30/1, trao đổi với PV, ông Lê Quang Tự Do, Cục Phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mặc dù Cục gửi giấy mời thầy giáo người Anh Daniel Hauer từ ngày 26/1 và hẹn làm việc vào 9h30 sáng nay nhưng ông này chưa đến.

Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nêu rõ, giấy mời đã được gửi đến địa chỉ nhà riêng của ông Daniel Hauer.

Đồng thời, việc mời ông này lên làm việc để giải trình về vấn đề đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

photo1517286026941-15172860269411929046465

 Theo ông Lê Quang Tự Do, mặc dù Cục gửi giấy mời thầy giáo người Anh Daniel Hauer từ ngày 26/1 và hẹn làm việc vào 9h30 sáng nay nhưng ông này vẫn chưa đến.

Ông Do cho biết thêm, Cục đã liên hệ với một số trung tâm dạy tiếng Anh ở Hà Nội nhưng được biết ông Daniel Hauer đã nghỉ việc từ trước đó.

Lãnh đạo Cục nhấn mạnh, đơn vị nhận thấy phát ngôn của ông Daniel Hauer là phát ngôn xúc phạm đến cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị lãnh đạo có công với đất nước, xúc phạm cả người đã khuất là anh hùng dân tộc… là hành vi vi phạm nghiêm trọng, cần phải xử lý.

Theo ông Do, ông Daniel Hauer đã gọi điện đến Cục nói rằng chưa nhận được giấy mời, mới biết thông tin Cục mời đến làm việc thông qua báo chí. Vì vậy ông này hẹn sẽ đến làm việc sau khi nhận được giấy mời có dấu đỏ. Cục đã gửi lại giấy mời.

Ông Daniel Hauer không có mặt theo giấy mời làm việc của Bộ Thông tin - Truyền thông - Ảnh 1.

Giấy mời của Cục. Ảnh: Infonet. 

Theo ông Do, hiện nay Chính phủ có Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng.

Trong đó, tại khoản 1, điều 5 có quy định chi tiết 6 hành vi bị cấm đối với các tổ chức và cá nhân khi sử dụng internet và mạng xã hội, trong đó có hành vi không được xúc phạm danh dự nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác. 

Trong trường hợp này người bị xúc phạm lại là một anh hùng dân tộc Việt Nam nên đang gây phẫn nộ, bức xúc từ cộng đồng xã hội.

Trường hợp xác định đúng là hành vi vi phạm của đối tượng, sẽ xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Cụ thể, tại Nghị định này quy định, hành vi xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc sẽ bị xử phạt từ 70 - 100 triệu đồng.

Nguồn: Tri Thức Trẻ
Bình luận
vtcnews.vn