Ông bố gửi đơn kiến nghị dẹp hội phụ huynh: 'Danh nghĩa hội thì tốt đẹp nhưng thực chất là móc túi'

Giáo dụcThứ Sáu, 22/09/2017 15:26:00 +07:00

Ông Võ Quốc Bình cho rằng phải khai tử ngay Hội phụ huynh học sinh thì mới trả lại sự trong sáng cho ngành giáo dục, để phụ huynh không bị móc túi.

Liên quan đến vụ việc ông bố ở Sài Gòn gửi đơn đến Chính phủ kiến nghị dẹp hội phụ huynh đang xôn xao dư luận, sáng 22/9, PV VTC News đã gặp ông bố đặc biệt này.

Người đàn ông "bất ngờ nổi tiếng" là ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, ngụ TP.HCM). Ông Bình có con đang theo học tại trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1 (TP.HCM).

Ông này xác nhận, cách đây 5 ngày đã viết thư kiến nghị giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngay sau đó, ông Bình đã nhận được email phản hồi từ Văn phòng Chính phủ về việc đã nhận được ý kiến, sẽ chuyển cho cơ quan giải quyết.

"BOT" trong giáo dục

Ông Võ Quốc Bình cho biết có hai người con đang học lớp 3 và lớp 8 tại TP.HCM. Trước đó, ông Bình có nhận được thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 hỏi về xin ý kiến phụ huynh đóng góp khoản thu tự nguyện lát sàn gỗ cho lớp học. Tuy nhiên ông Bình đã thẳng thắn phản đối.

“Tôi đã thẳng thắn phản đối, nói không đồng ý. Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sĩ. Tiền cơ sở vật chất hàng năm đâu mà đóng phí như BOT vậy”, ông Bình nói.

17799481_1877139162507137_827386167064796244_n 3

Anh Võ Quốc Bình - ông bố  gửi đơn đến Chính phủ kiến nghị dẹp hội phụ huynh.

"Lo mãi vấn đề BOT giao thông, mà chúng ta quên mất trong sự nghiệp trồng người cũng có sự biến tướng theo kiểu BOT như vậy. Nó làm ảnh hưởng đến công cuộc phát triển và cải cách của nền giáo dục nước nhà, đó là muôn kiểu tận thu của nhà trường đối với học sinh và phụ huynh học sinh", ông Bình nói.

Vị phụ huynh này cho rằng cứ đến dịp đầu năm học, lại rộ lên các thông tin về những khoản phụ thu, tận thu ở trường học như một sự mặc định, như luật bất thành văn, dù các khoản ấy có thể từ "trên trời rơi xuống"...

Nhưng những khoản thu này vẫn tồn tại rất tự nhiên mà không gặp sự phản ứng nào mạnh mẽ.

"Nếu gọi tận thu hay lạm thu là BOT thì BOT giáo dục được núp bóng dưới danh nghĩa Hội phụ huynh học sinh để "lách" quy định của ngành. Là nhà trường không được thu các khoản ngoài quy định, mà tất cả sẽ được đẩy cho Hội phụ huynh học sinh vận động đóng góp, gọi là đóng góp trên tinh thần tự nguyện nhưng chẳng khác nào hình thức bắt buộc" ông Bình phân tích.

Theo phụ huynh này, trong nhà trường, từ việc lớn đến việc nhỏ như: chăm lo cho thầy cô giáo, quỹ lớp, nhà vệ sinh, máy lạnh, bàn ghế, hay đến các hợp đồng bảo hiểm, Hội phụ huynh học sinh đều đứng ra vận động đóng góp kiểu BOT.

Ngoài học phí, hầu như phụ huynh có con đi học đều phải "tự nguyện" đóng góp ít nhất vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/năm.

"Với tâm lý của tôi nói riêng và các phụ huynh nói chung, chúng tôi luôn sợ rằng nếu không đóng thì con mình không bằng bạn bằng bè, bị kỳ thị,... nên hầu hết đều phải cắn răng mà đóng phí. Đầu năm đóng, giữa năm đóng, cuối năm đóng, đi họp là đóng.

Nó ám ảnh đến nỗi, khi nghe đến thư mời họp Hội phụ huynh học sinh của trường là chuẩn bị tiền để đóng chứ không có tâm trạng nghĩ đến thành tích của các con mình", ông Bình nêu.

Cũng có những phụ huynh sĩ diện hảo, thấy người khác đóng thì mình cũng đóng, thậm chí muốn đóng cao hơn cho bằng chị bằng em theo kiểu hội chứng đám đông", vị phụ huynh này nhấn mạnh.

Không minh bạch

Ông Bình cũng đặt ra hàng loạt thắc mắc: "Năm ngoái tôi đã đóng tiền mua máy lạnh, thì năm nay lại đóng tiền mua máy lạnh nữa. Rồi lại thêm tiền lót sàn gỗ, sửa nhà vệ sinh,...Tôi không hiểu máy lạnh dùng một năm rồi bỏ hay sao? Hay mọi thứ hỏng đúng vào đầu năm phải thay mới, đó là chưa kể cuối năm, giữa năm lại phát sinh nhiều phí khác".

Vì vậy, vị phụ huynh này khẳng định sẽ không đóng các khoản phí "tự nguyện" vô lý và đã tính đến việc sẽ chuyển cho con học ở trường quốc tế. Theo ông Bình, các trường quốc tế dù có học phí cao nhưng môi trường giáo dục tốt và mọi thứ đều minh bạch.

Video: Ban phụ huynh đang tiếp tay cho lạm thu?

Theo ông Bình, một nền giáo dục tốt không thể gian lận, không thể luôn tìm mọi cách để lách quy định, để tận thu. Việc lập ra Hội phụ huynh học sinh trên danh nghĩa tốt đẹp, nhưng thực chất là một công cụ "BOT của ngành giáo dục".

"Tôi không phải tiếc tiền, nhưng cái gì cũng có giới hạn, phải rõ ràng, minh bạch, như vậy mới có thể định hướng đúng cho con em chúng ta. Người lớn mà còn tìm đủ mọi cách để moi móc, gian dối thì sao dạy được con cháu.

Vả lại, đâu phải phụ huynh nào cũng dư giả, cũng có tiền chạy theo. Họ vì sĩ diện, vì lo cho con không đúng cách mà cứ bám lấy và cứ phải chịu đựng.

Tôi nghĩ, không cần phải cải cách gì cao xa mà cần làm tốt công tác quản lý trong ngành giáo dục. Sự nghiệp trồng người nên môi trường giáo dục phải minh bạch rõ ràng, và giáo dục càng phải có kỷ luật, phải thượng tôn pháp luật chứ không phải nghĩ ra nhiều cách để lách luật", ông Bình bày tỏ.

Vị phụ huynh này cho rằng nếu Hội phụ huynh học sinh đã bị biến chất không vì mục đích giáo dục thì cần loại bỏ.

"Không ai có thể tử tế từ một môi trường giáo dục dối trá", ông Bình thẳng thắn chia sẻ.

Vị phụ huynh này cho rằng, các khoản thu từ Hội phụ huynh học sinh đưa ra thực chất là bắt buộc và không minh bạch, không rõ ràng.

Hội phụ huynh học sinh là trá hình, là biến tướng để trở thành công cụ, là cánh tay nối dài cho nhà trường tận thu, phụ thu kiểu BOT học đường.

28605833753_ff6cc77f1f_b 4

Trường tiểu học Hoà Bình (quận 1, TP.HCM).

Hội phụ huynh học sinh đang làm chức năng quyên góp. Họ nói là tự nguyện nhưng dùng nhiều chiêu thức để móc túi phụ huynh học sinh. Khi vỡ chuyện, người ta nói là thu dùm, thu hộ do phụ huynh tự nguyện đóng góp, không ép buộc.

"Khai tử ngay và luôn cái Hội phụ huynh học sinh mới trả lại sự trong sáng cho ngành giáo dục, để không bị BOT học đường lợi dụng phụ thu, móc túi. Đã đến lúc, nền giáo dục nước nhà cần phải cải cách thực sự, bắt nguồn từ việc xoá bỏ tệ nạn BOT trường học đang núp bóng danh nghĩa Hội phụ huynh học sinh.

Cơ chế quản lý nhập nhằng, không minh bạch, không rõ ràng, cứ muốn lách để thu được đồng nào hay đồng ấy. Thà tự nguyện cho 10 đồng chứ nhất quyết không đóng góp 1 đồng kiểu vận động cào bằng như vậy", ông Bình nhấn mạnh.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn