Ông Biden: Mỹ cân nhắc giảm thuế đối với Trung Quốc, yêu cầu OPEC tăng sản lượng

Thời sự quốc tếThứ Hai, 23/05/2022 17:32:35 +07:00
(VTC News) -

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang cân nhắc việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, tăng cường kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu.

Thông tin này được Tổng thống Biden đưa ra trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hôm 23/5.

"Tôi đang xem xét điều đó. Chúng tôi sẽ không áp đặt thêm bất kỳ mức thuế mới nào, chúng đã được áp đặt bởi chính quyền tiền nhiệm và và các mức thuế này đang được xem xét", ông Biden nói về việc giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ông Biden: Mỹ cân nhắc giảm thuế đối với Trung Quốc, yêu cầu OPEC tăng sản lượng - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến công du châu Á, Tổng thống Joe Biden hôm 23/5 thông báo khởi động mạng lưới thương mại châu Á - Thái Bình Dương mới với 13 quốc gia đầu tiên đăng ký tham gia, bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản.

Sáng kiến kinh tế mới của Mỹ có tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF). Sáng kiến này được cho sẽ ràng buộc các quốc gia trong khu vực chặt chẽ hơn thông qua các tiêu chuẩn chung trong các lĩnh vực, bao gồm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và thương mại kỹ thuật số.

Tại cuộc họp báo hôm 23/5, đề cập đến nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Biden cho rằng Mỹ vẫn có thể tránh được một cuộc suy thoái, song thừa nhận người dân nước này đang gặp khó khăn về kinh tế khi lạm phát tăng cao.

Thời gian qua, ông Biden đã phải đối mặt với lời kêu gọi ngày càng tăng nhằm loại bỏ các loại thuế trừng phạt đối với hàng hóa từ Tung Quốc trong bối cảnh người Mỹ phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong hơn 4 thập kỷ và các công ty trong nước đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung.

Các mức thuế được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2018 - dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mức thuế này giá trị khoảng 350 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc. Động thái của Washington khi đó nhằm trả đũa trước cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ và buộc chuyển giao công nghệ.

Theo dự kiến, các biện pháp thuế quan này sẽ hết hiệu lực vào ngày 6/7. Nếu có yêu cầu tiếp tục áp dụng, các mức thuế quan hiện nay đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được xem xét lại.

Thỏa thuận giai đoạn một ký kết vào tháng 1/2020 được kỳ vọng giúp chấm dứt những đe dọa leo thang áp thuế lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng nông sản, hàng hóa sản xuất, năng lượng và dịch vụ của Mỹ, trên mức cơ bản năm 2017.

Tuy nhiên, dữ liệu Mỹ công bố hồi tháng 2 cho thấy, Trung Quốc đã thiếu hơn 1/3 so với cam kết mua hàng từ Mỹ. Theo đó, Trung Quốc chỉ mua 62,9% số hàng hóa mà nước này cam kết trong thỏa thuận thương mại "giai đoạn một". Bắc Kinh không đạt các mục tiêu mua hàng trong lĩnh vực năng lượng, chỉ mua 1/3 lượng hàng xuất khẩu đã cam kết. 

Kông Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp