Ông bà đòi trông cháu, từ chối cách nào cho khéo?

Đời sốngThứ Tư, 10/01/2018 08:00:00 +07:00

Nhiều cha mẹ phàn nàn rằng, để con ở với ông bà dễ dẫn đến tình trạng "ông bà dạy một đằng, cha mẹ dạy một nẻo" nên thường tìm cách từ chối mỗi khi ông bà đề đạt ý muốn trông cháu.

Mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con

Khoảng cách giữa hai thế hệ là điều mà nhiều mẹ bỉm sữa đã nhận ra khi bắt đầu nuôi con cùng với bố mẹ chồng. Có nhiều điều, với ông bà là đúng nhưng với chúng ta lại là không khoa học, là sai. Tôi vẫn còn nhớ khi mới sinh bé đầu, sau mỗi lần ti mẹ, bà nội của Su nhà tôi đều bắt tôi lấy nước cho con uống.

Bà bảo “làm như thế nó mới sạch miệng, không có cặn sữa”. Nhưng tất cả chúng ta đều biết, trẻ dưới 6 tháng tuổi, bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống nước. Vậy là tôi kiên quyết không cho bé uống giọt nước nào trước sự không hài lòng của mẹ chồng.

Nuôi con đã vậy, tới lúc dạy con còn mệt hơn. Ông bà nhà tôi can thiệp vào việc dạy con của tôi tới mức tôi cảm thấy rất khó chịu, ức chế. Anh chồng tôi nhà ở ngay cạnh, và cũng có một bé bằng tuổi, trẻ con chơi với nhau thì có lúc thế này, có lúc thế kia nhưng ông bà chỉ có cách xử lý duy nhất là đứa nào khóc to hơn thì đứa ấy đúng.

Ví dụ như chiếc xe đồ chơi là của Su nhưng vì anh thích, anh khóc, anh đòi nên Su phải nhường anh, cho anh mượn. Nếu Su không cho anh mượn, Su cũng khóc thì Su bà cất ngay cái xe đi, không đứa nào được chơi. Vậy là cả hai đều khóc.

Trong khi đó, tôi thì muốn dạy con rằng đồ chơi là của con, con có quyền cho mượn hoặc không chứ không phải cứ ai khóc là con phải cho hoặc anh muốn chơi thì anh nên đổi cho con một món đồ chơi anh đang có. Tôi có nói lại với bà, bà nguýt tôi và bảo “Chị giỏi thì đi mà dạy nó. Tôi già rồi, tôi chỉ biết thế”.

Thôi thì những cái như trên từ từ khắc phục cũng được. Điều tôi chán ngán nhất là ông nội của Su hút thuốc lá cực kì nhiều. Ông đã nghỉ hưu rồi nhưng không tham gia sinh hoạt hội nhóm nào cả nên ông ở nhà là chính. Việc mà ông thích nhất là ngồi xem tivi và hút thuốc.

Ông hút ngay cả khi Su đang ngồi cạnh. Có lần, tôi thấy Su cũng vờ ngửa cổ nhả khói y như ông nên tôi hãi luôn. Mặc dù đã góp ý nhiều lần với ông, đề nghị ông có hút thuốc thì ông tránh cháu một tí, nhưng ông bảo “Không khí bây giờ còn ô nhiễm gấp mấy lần, dính tí khói thuốc thì ăn thua gì”. Thế nên, bận gì thì đành chịu chứ ở nhà với Su là hai mẹ con trốn tiệt trên tầng, không thò mặt xuống vì xuống nhà là hít mùi thuốc lá.

Ông thì như vậy, bà thì rất lơ đễnh, hay quên. Có lần, bà hồn nhiên kể rằng khi trông cháu, có lúc bà ngủ quên, lúc tỉnh dậy không thấy cháu đâu, giật mình nhìn quanh thì phát hiện nó đang bò được mấy bậc cầu thang rồi.  Nghe thấy vậy, tôi đã ủ mưu cho Su đi trẻ rồi.

Mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con chính là lí do tôi quyết định từ chối nhờ ông bà trông cháu

Từ chối nhờ ông bà trông cháu, chuyện chẳng dễ dàng

Vì nhiều lí do như vậy nên khi hết chế độ thai sản, phải đi làm, tôi đau đầu, nhức óc nghĩ cách làm sao để Su không phải ở cùng với ông bà. Nhưng lúc này, Su bé quá, mới có 6 tháng thì không nơi nào nhận. Xót con, tôi đành nói khó với sếp, xin làm nửa ngày để nửa ngày ở nhà chăm con.

Sếp tôi cũng là nữ nên nghe rất thông cảm, tạo điều kiện cho tôi ngay. Vì làm có nửa ngày, có tháng, tôi cầm tiền vừa đúng bằng tiền sữa bỉm của con. Nhưng tôi cũng đành chấp nhận để còn giữ chỗ.

Khi Su được 1 tuổi, trường tư gần nhà đã nhận nên tôi bàn với chồng cho Su đi “bộ đội”. Tất nhiên là tôi không dám bộp một cái nói ngay với ông bà rằng con cho cháu đi nhà trẻ, tôi phải làm công tác tinh thần, tư tưởng cho ông bà trước đó cả tháng.

Video: Anh sắp có luật cho các ông bố nghỉ phép ở nhà trông con 

Một ngày như mọi ngày, cho Su đi dạo quanh quanh về, tôi vờ ngạc nhiên:

- Ôi, bé Bo cháu bà T ở gần nhà mình giỏi quá mẹ nhỉ. Mới có 1 tuổi rưỡi mà đã hát được nhiều bài lắm rồi ấy. 

Mẹ tôi nghe vậy, vồn vã

- Nhanh thế cơ à?

- Vâng. Hôm nay, con gặp bé ở ngoài sân chơi. Hát to, rành rọt lắm ạ. Con nghe mẹ bé bảo là bé đi lớp sớm, 1 tuổi đã đi rồi nên dạn lắm. Cô dạy hát với đàn, bé thích lắm nên học cũng nhanh. Có khi, mai con cũng cho Su sang ngó nghiêng tí để chuẩn bị đi lớp mẹ nhỉ.

- Đi gì mà đi, nó non thế thì cho ở nhà với ông bà thêm đã.

Bố chồng tôi nghe thấy, nói chêm vào.

Bị phản đối ngay từ lần giạm gié nhưng tôi không nản chí, miệng vâng dạ nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình.

Mấy hôm sau, tôi xin đi làm muộn, buổi sáng cho con sang trường gần nhà chơi, để bé làm quen với cô và các bạn. May mắn cho tôi là bé thích đi lớp hơn là ở nhà xem tivi với ông bà nên chẳng cần tôi xúi, con cũng đòi đi lớp khi tôi hỏi “Con thích đi lớp hay ở nhà với ông bà?”.

Vậy là , lấy lí do bé thích đi lớp, con cũng muốn cháu có nề nếp hơn, để ông bà có thêm thời gian nghỉ ngơi, tôi đã cho Su đi học thành công mặc dù ông bà vẫn có vẻ không thoải mái vì cho rằng “Ông bà thì ở nhà ngồi chơi không còn cháu thì bắt đi học”. 

Mặc dù, có người bạn nói với tôi rằng “Muốn cho con đi lớp thì cứ cho đi, con là mình đẻ, mình có quyền, sao phải lắm chuyện thế làm gì?” nhưng tôi nghĩ, dù sao tôi vẫn đang sống chung nhà với ông bà, tình cảm ông bà dành cho con cháu cũng đáng trân trọng mặc dù cách làm của ông bà thì tôi không đồng ý nên vẫn cần tế nhị, tránh ông bà phật lòng.

Mặc dù bé nhà tôi khi đi học khá nhỏ, chỉ mới 1 tuổi nhưng tôi thấy đó vẫn là quyết định sáng suốt của mình vì nếu tôi cả nể, cho bé ở nhà với ông bà thì chắc sẽ rất khó rèn cho bé vào nếp. 

Mẹ Su
Bình luận
vtcnews.vn