"Ổn định vĩ mô trong tương lai gần rất quan trọng"

Kinh tếThứ Bảy, 11/12/2010 06:32:00 +07:00

(VTC News) - Theo ông Ayumi Konishi - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á, bất ổn kinh tế vĩ mô chủ yếu đến từ phía chính sách tiền tệ và tài khóa.

(VTC News) - Trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á - ông Ayumi Konishi giải thích những nguyên nhân dẫn đến những vấn đề bất ổn vĩ mô hiện nay, và vì sao các nhà tài trợ và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông Ayumi Konishi - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á, bất ổn kinh tế vĩ mô chủ yếu đến từ phía chính sách tiền tệ và tài khóa. Ảnh: Thị trường Việt Nam.
- Tháng 9 vừa rồi, ông cảnh báo rằng những rủi ro vĩ mô trong nước chủ yếu tập trung vào khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khóa, hoặc cả hai một cách vội vàng. Bây giờ thì những dấu hiệu bất ổn vĩ mô đã lộ rõ, vậy nên hiểu điều này thế nào?

- Bất ổn kinh tế vĩ mô chủ yếu đến từ phía chính sách tiền tệ và tài khóa. Đồng thời, điều quan trọng những lo ngại của người dân cũng xuất phát từ việc thiếu những thông tin và số liệu chính xác và kịp thời. Về chính sách tiền tệ, đã có những dấu hiệu rõ ràng về thắt chặt tiền tệ, đặc biệt bởi lạm phát gia tăng, và vì thế người dân lo ngại về việc tiền đồng mất giá.

Về chính sách tài khóa, người dân cũng lo lắng về những điều Chính phủ làm. Họ lo lắng về những vấn đề của doanh nghiệp nhà nước, và những khoản nợ lớn thuộc về trách nhiệm của Chính phủ. Tuy nhiên, người dân thực sự không biết số nợ thực của doanh nghiệp nhà nước, sức khỏe của ngành tài chính, bao nhiêu ngân hàng có thể rủi ro. Trong điều kiện thiếu thông tin, thông thường người dân sẽ nghĩ đến những điều tồi tệ nhất. Tưởng tượng của người dân thì luôn cho rằng tình hình là xấu hơn thực tế. Ngay bây giờ, từ cơ sở Vinashin, người dân có thể lo lắng doanh nghiệp nhà nước nào đó có thể gặp rắc rối tương tự, đó có thể là tin đồn thôi, nhưng lại có tác động rất lớn. Tóm lại, người dân thiếu thông tin cũng là một lý do cho bất ổn vĩ mô.

- Nhưng nếu ông nhìn vào những số liệu sẵn có phổ biến ở Quốc hội không thôi, thì các số liệu cũng rõ ràng đấy chứ… ?

- Ví dụ về các số liệu tài khóa nhé. Anh sẽ thực sự không biết. Có rất nhiều số liệu trong nước mà Chính phủ có trách nhiệm thông tin như về doanh nghiệp nhà nước. Những số liệu quan trọng như thế, mà chẳng thấy được công bố đúng lúc. Vì thế người dân lo ngại về tình trạng nợ công. Tâm lý đó gây áp lực lên tiền đồng. Rồi lạm phát gia tăng, giá cả cũng vọt lên.

- Vậy thì ông đổ lỗi cho bất ổn vĩ mô hiện nay cho những yếu tố gì? Tài khóa, tiền tệ, tâm lý hay yếu tố quốc tế?

- Không, tôi không đổ lỗi điều này cho ai cả. Tôi nói đó là sự tổng hợp. Áp lực chủ yếu lên tiền đồng xuất phát từ việc người dân suy giảm lòng tin vào đồng tiền, và sự sẵn sang về tài chính của Chính phủ. Điều đó thật đáng ngại. Người dân có cái nhìn tiêu cực về tình hình kinh tế của đất nước vì thiếu thống tin mà bỏ qua các chỉ số cực khác như xuất khẩu tăng, tăng trưởng. Một khi còn giữ cái nhìn tiêu cực đó, thì họ còn chuyển tài sản của mình sang vàng và ngoại tệ. Họ không găm giữ tài sản bằng tiền đồng.

- Ông nghĩ thế nào về việc nhiều nước ASEAN chịu lạm phát thấp hơn Việt Nam, ở mức trung bình chỉ từ 2-4% trong năm nay?

- Các nước ASEAN khác có mức tăng trưởng thấp hơn, đó là điều thứ nhất. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia ASEAN khác lại nhận được các nguồn vốn ngoại gia tăng từ Mỹ hay EU. Indonesia chẳng hạn, nhận tới 86 tỷ USD trong 9-10 tháng đầu năm nay. Có quá nhiều vốn đã đổ vào khu vực này của thế giới. Tuy nhiên, luồng tiền đó lại chạy khỏi Việt Nam. Người ta cảm thấy không thoải mái mang tiền vào thị trường này.

- Ông hình dung như thế nào về xu hướng kinh tế trong năm tới, căn cứ trên những chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua gần đây?

- Điều đó phụ thuộc vào việc Chính phủ làm gì kể từ thời điểm này. Tôi tin là Chính phủ chịu áp lực với mục tiêu lạm phát, và họ có trách nhiệm đưa mức lạm phát xuống ngang hàng với mức chung của ASEAN. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống trong năm tới, thì hãy kiên định với nó. Tôi có một thông điệp quan trọng, để Việt Nam có mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, thì sự ổn định vĩ mô trong tương lai gần là rất quan trọng.

- Vì sao các đối tác phát triển cứ thảo luận mãi những chủ đề quen thuộc  năm này qua năm khác như vậy? Các ông có ghi nhận những tiến bộ nào không?


- Các chủ đề có vẻ vẫn giữ nguyên. Khi Việt Nam còn là quốc gia có thu nhập thấp, thì những thách thức đó khác so với khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Trước đây, những gì có thể chấp nhận được thì không thể chấp nhận được nữa trong vị thế mới. Khi Việt Nam ngày càng phát triển hơn, thì sẽ xuất hiện những thách thức lớn hơn. Lần này, các vấn đề kinh tế vĩ mô, quản lý các doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng, môi trường bền vững, tăng trưởng toàn diện là những chủ đề rất quan trọng mà chúng tôi muốn thảo luận với Chính phủ.

- Xin cảm ơn ông!


Tư Giang (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn