Ồn ào việc cấp phép 300 ca khúc nhạc đỏ: Quan chức Quốc hội nói ‘có vấn đề quản lý’

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 23/05/2017 15:03:00 +07:00

Quan chức Quốc hội cho rằng việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật danh sách 324 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó phần lớn là các ca khúc nhạc đỏ rất quen thuộc thể hiện có những yếu kém về quản lý.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 23/5, đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói “Tôi nghe thông tin thì cảm thấy ngạc nhiên và hơi bất ngờ” khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cập nhật danh sách 324 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó phần lớn là các ca khúc nhạc đỏ rất quen thuộc.

Hinh anh On ao viec cap phep 300 ca khuc nhac do: Quan chuc QH noi ‘co van de quan ly’

Đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Ông có suy nghĩ gì khi vừa qua Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cập nhật danh sách 324 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó phần lớn là các ca khúc nhạc đỏ rất quen thuộc với công chúng?

Việc cơ quan quản lý thực hiện giải pháp nghiệp vụ là việc bình thường, nhưng khi Cục cho phổ biến 300 bài hát, nhiều bài là của tác giả cách mạng, được hát mấy chục năm nay thì rõ ràng có vấn đề về mặt quản lý.

Ví dụ Tiến quân ca không còn là bài hát thông thường, mà thành tài sản chng của đất nước, của dân tộc, được khẳng định trong Hiến pháp là đạo luật quan trọng nhất rồi thì có cần cơ quan cấp Cục phổ biến bài hát như vậy không?

Bài hát được sử dụng trong các hoạt động mang tính nghi lễ, từ đại hội đến chào cờ, quan trọng nhất được ghi nhận trong Hiến pháp, được gia đình nhạc sĩ có nghĩa cử hiến tài sản đó cho tài sản quốc gia thì liệu cần cấp phép nữa không?

Hay như bài Như có Bác trong ngày đại thắng là tiếng reo vui gắn với hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài của chúng ta mà bây giờ mới được cấp phép lưu hành. “Đặt ngược lại vấn đề thì cả dân tộc hát mấy chục năm vừa qua là “hát chui” à?

Những bài hát của các tác giả được giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho những cụm công trình, trong đó có những bài hát đó thì có cần được cấp phép không?

Khi cơ quan quản lý ban hành quyết định thì phải cân nhắc đến hiệu quả, thậm chí là hậu quả vì nó liên quan đến văn hoá, nhân văn, thậm chí về mặt chính trị. Những bài hát như thế sao lại đặt vấn đề phổ biến.

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có chỉ đạo rằng những bài hát như thế được phổ biến tự nhiên, chỉ xem xét bài hát có câu từ đi ngược lại thuần phong mỹ tục, và lợi ích quốc gia. Liệu Cục NTBD có quyền được phổ biến rộng rãi các các ca khúc cách mạng này?

Ở đây có hai câu chuyện. Một là về chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý, được quy định trong quy chế hoạt động của các Bộ. Nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tác nghiệp của Cục NTBD.

Tôi tiếp cận vấn đề theo góc độ như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Có những bài hát như Tiến quân ca, Như có Bác trong ngày vui đại thắng được mặc nhiên được công nhận.

Các cụm công trình của họ được giải thưởng là hội đồng thẩm định cấp quốc gia có uy tín và chặt chẽ hơn nhiều so với việc thẩm định một cách hành chính của Cục NTBD. Cái cần quan tâm là tác nghiệp của Cục NTBD trong chức năng nhiệm vụ và nguồn lực có hạn thì xử lý như thế nào cho phù hợp.

Video: Quốc ca Việt Nam

-Theo ông, Cục NTBD, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cần phải có những ứng xử như thế nào, thưa ông?

Công bố đi bằng hình thức thế nào thì xin lỗi cũng phải bằng hình thức như thế. Tôi còn cho rằng cần có hình thức phù hợp hơn vì đây là một sai phạm ảnh hưởng đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa xã hội hiện nay.

Cho nên cần có công bố rõ ràng, cũng như kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. 

Nếu là sai phạm của cá nhân, do năng lực trình độ, trách nhiệm thì phải có xử lý phù hợp thì phải công bố rộng rãi với nhân dân, cử tri.

Hinh anh On ao viec cap phep 300 ca khuc nhac do: Quan chuc QH noi ‘co van de quan ly’ 3

 

- Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL giải thích, việc này là để “số hóa” tạo thành kho dữ liệu, giúp cho tất cả giúp cho tất cả các đơn vị tổ chức sự kiện, nghệ sĩ, nhà tổ chức biết, khai thác thông tin sử dụng khi cần thiết. Ông có đồng ý với giải thích này?

Tôi cho rằng chưa thuyết phục. Bởi số hóa thì không phải chỉ 300 bài hát mà kho tàng bài hát rất là nhiều. Và việc số hóa là kỹ thuật bên trong, đơn thuần là chuyển từ hình thức lưu trữ này sang hình thức lưu trữ khác thì không phải công bố với dư luận.

- Quyết định này của Cục NTBD khiến người ta hiểu rằng muốn được hát, muốn được phổ biến thì phải xin phép cơ quan quản lý dẫn tới dư luận bức xúc, thưa ông?

Đúng vậy! Ngoài câu chuyện mà chúng ta trao đổi thì có một góc độ mà như nhà báo nói. Đó là khi công bố như vậy thì người tác có cảm giác là để thể hiện của cơ quan quản lý, khi sử dụng phải xin phép, liên quan đến xin – cho, cấp phép, xin phép, một dạng giấy phép con. Dù hiểu theo góc độ nào thì cũng rất khó chấp nhận.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 23/5, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD chính thức lên tiếng về việc công bố phổ biến rộng rãi 300 ca khúc, trong đó có bài Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.

Ông Chương cho hay: "Vừa qua, Cục NTBD thực hiện việc rà soát, cập nhật danh mục các bài hát được phổ biến rộng rãi trên website của Cục. Việc này gây hiểu nhầm cho dư luận là Cục NTBD cấp phép cho các bài hát cách mạng. Đây là điều đáng tiếc, tạo ra dư luận bức xúc trong xã hội.

Với cương vị Cục trưởng Cục NTBD, tôi thay mặt lãnh đạo Cục NTBD và cá nhân nhận trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và xin lỗi công chúng vì phương pháp làm việc của chúng tôi đã gây nên sự hiểu lầm, bức xúc".

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn