Olympic 2012 ra sao nếu gặp những vụ khủng bố thế này?

Thể thaoThứ Tư, 25/07/2012 01:46:00 +07:00

(VTC News)- Munich 1972, Atlanta 1996 và 7 vụ nổ bom ở London năm 2005 thực sự khiến không khí chuẩn bị Olympic trở nên cực kì nóng bỏng.

(VTC News)- Những vụ khủng bố kinh hoàng trong quá khứ khiến chính phủ Anh phải nâng mức báo động trong nước đồng thời tăng cường binh lính cũng như vũ khí hạng nặng để bảo vệ Olympic London 2012.

1.Munich 1972

Cách đây 40 năm, nhóm khủng bố Black September làm cả thế giới kinh hoàng khi gây ra vụ thảm sát Olympic Munich khiến 11 VĐV Israel tử nạn.

Vụ việc bắt đầu vào ngày 5/9/972, Black September lặng lẽ đột nhập vào làng Olympic bắt cóc 11 vận động viên Israel làm con tin với yêu cầu buộc Israel trao trả tự do cho 234 tù nhân Palestine đang bị giam giữ tại nước này.

Căn phòng nơi 2 VĐV Israel bị bắn chết 
Tuy nhiên, yêu sách của bọn khủng bố đã không được chính phủ Israel đáp ứng. Chúng lập tức giết chết 2 VĐV Israel ngay tại làng Olympic Munich. Sau đấy, nhóm khủng bố đưa 9 VĐV còn lại ra sân bay Munich, yêu cầu cảnh sát cung cấp máy bay để tẩu thoát, đồng thời tiếp tục yêu sách đòi trả tự do cho các tù nhân Palestine.

Cuối cùng lực lượng an ninh Đức đã quyết định nổ súng. Cuộc giao tranh dữ dội khiến 9 VĐV Israel và 5 tên khủng bố thiệt mạng.

Vụ thảm sát đẫm máu thật sự đã làm rúng động thế giới, khiến Olympic Munich 1972 bị gián đoạn trong một thời gian dài, và chỉ được khởi động lại sau lễ an táng 11 nạn nhân. Cảnh sát Đức cũng bị chỉ trích nặng nề vì không làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh cho kì Thế vận hội.
11 VĐV Israel bị bắt cóc và bắn chết 
Đến với Olympic 2012 được tổ chức tại London năm nay, Israel đã vận động hành lang để tổ chức một phút mặc niệm cho các nạn nhân xấu số trong vụ thảm sát 40 năm trước. Chính phủ Israel cũng kêu gọi London thắt chặt an ninh để vết đen lịch sử 1972 không lặp lại đối với các VĐV của họ.

2.Nổ bom Atlanta 1996

Cùng chọn Thế vận hội làm mục tiêu tấn công nhưng khác với nhóm khủng bố Black September, động cơ gây án của Eric Robert Rudolph là khiến chính phủ Mỹ phải bẽ mặt trước thế giới.

Khoảng nửa đêm ngày 26/7/1996, Rudolph đặt một ba lô quân đội có chứa 3 quả bom tự chế bên dưới một băng ghế gần hệ thống âm thanh của buổi hòa nhạc “Jack Mack and the Heart Attack” tổ chức tại công viên Olympic Centennial.

Nhân viên an ninh Richard Jewell là người đầu tiên phát hiện ra cái ba lô lạ. Ông lập tức báo cho cảnh sát và
Văn phòng điều tra Georgia vì nghi ngờ khả năng Công viên bị đánh bom. Jewell và các đồng nghiệp đã nỗ lực di dời túi bom nhưng khoảng 1 giờ 20 sáng, quả bom phát nổ, khiến 1 người chết và 111 người khác bị thương. Một người quay phim người Thổ Nhĩ Kỳ cũng mất mạng vì lên cơn đau tim trong lúc đang cố gắng tìm cách thoát thân.

  Nước Mỹ và những khoảnh khắc đau thương


Phải đến 7 năm sau khi gây ra vụ đánh bom mà tổng thống Bin Clinton từng ví như “hành động khủng bố tàn ác”, Eric Rudolph mới bị bắt. Ngoài ra, Rudolph cũng là thủ phạm của rất nhiều vụ đánh bom khác. Hiện tại, hắn đang sống nốt cuộc đời trong tù với 4 bản án chung thân.

3. Bảy vụ nổ bom liên tiếp ở London

Ngay sau khi được chọn làm thành phố đăng cai Olympic 2012, London đã phải hứng chịu liên tiếp 7 vụ nổ tại các ga tàu điện ngầm ở trung tâm thủ đô làm ít nhất 52 người chết và hơn 700 người bị thương.

Các vụ nổ diễn ra vào khoảng  từ 9 giờ sáng đến hơn 14 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 7/7, bắt đầu từ khu vực gần ga xe lửa Liverpool, lan dần ra các khu vực khác, khiến cho hệ thống tàu điện ngầm của London hoàn toàn tê liệt.

Ngay sau đó, một nhóm Hồi giáo vũ trang tự xưng: “Tổ chức bí mật của Al-Qeada tại châu Âu” đã đăng tải tuyên bố dài 200 từ trên website của tổ chức, công khai thừa nhận trách nhiệm trong các vụ nổ bom vừa qua.

Theo đó, tuyên bố này cho thấy vụ khủng bố nhằm “dằn mặt” chính phủ Anh vì những hoạt động quân sự của họ trên lãnh thổ Iraq và Afghanistan.

Vụ khủng bố này cũng khiến London tăng cường an ninh ở mức cao nhất để bảo vệ cho Olympic 2012. Hàng ngàn binh sĩ đã được tăng cường chưa kể hàng loạt vũ khí tối tân hiện đại khác.

Cát Đằng
Bình luận
vtcnews.vn