'Ở Việt Nam, một người tốt nghiệp đại học là sự hi sinh góp nhặt của cả gia đình, dòng họ'

Giáo dụcThứ Ba, 12/06/2018 16:56:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng một người tốt nghiệp đại học là sự hi sinh góp nhặt của cả gia đình nhiều khi là cả dòng họ, chi phí đào tạo đại học là gánh nặng lớn của người dân vì vậy không thể để sinh viên ra trường thất nghiệp.

Chiều 12/6, phát biểu góp ý cho Luật Giáo dục Đại học, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) khẳng định sứ mệnh của giáo dục đại học là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Tổ quốc.

"Sứ mệnh này sẽ không bao giờ thay đổi, sứ mệnh quyết định sự thịnh suy của giáo dục đại học. Sửa đổi luật giáo dục đại học chỉ có thể nói là thành công khi sửa đổi đó tạo nền tảng căn cứ pháp lý thực hiện sứ mệnh của giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đại biểu Hàm nhấn mạnh.

hoang-quang-ham-2

 Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ).

Vị đại biểu Phú Thọ nhấn mạnh phải khắc phục triệt để giảm tỷ lệ người có trình độ đại học thất nghiệp. Người có trình độ đại học thất nghiệp ở nước ta không cao so với nhiều nước nhưng lại có nhiều đặc thù.

"Ở Việt Nam một người tốt nghiệp đại học là sự hi sinh góp nhặt của cả gia đình nhiều khi là cả dòng họ, chi phí đào tạo đại học là gánh nặng lớn của người dân vì vậy không thể để sinh viên ra trường thất nghiệp.

Hai là nhu cầu nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học là rất lớn đối với các quốc gia đang phát triển, nhưng với số lượng sinh viên thất nghiệp đang gia tăng (2016 là 191.000 người) thể hiện chất lượng đào tạo đại học chưa đáp ứng được nhu cầu của trình độ kiến thức, số lượng đào tạo chưa cân đối với nhu cầu", vị đại biểu Phú Thọ khẳng định.

Vì vậy, đại biểu Hàm cho rằng hai vấn đề trên cho thấy không thể hài lòng với số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp như hiện nay. Từ đó, ông Hàm đề xuất sửa Điều 11 về quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học cần gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, mở rộng quy hoạch cần căn cứ vào nhu cầu phát triển của xã hội, khắc phục triệt để tình trạng ngành đạo tạo chưa đáp ứng được nhu cầu, ngành đạo tạo thừa làm gia tăng số lượng sinh viên thất nghiệp.

Vị đại biểu này cho rằng cân nhắc sửa đổi điều khoản liên quan đến chuẩn đầu ra đủ mạnh cho các cơ sở giáo dục đại học như rà soát điều khoản liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học, quy định nguyên tắc khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu Hàm cũng góp ý cho vấn đề tự chủ đại học để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được chuẩn đầu ra.

"Nên cần nhìn nhận đầy đủ, quy định rõ năng lực, các nội dung cần được giao tự chủ và xác định điểm thực hiện tự chủ cho từng cơ sở giáo dục đại học, trên cơ sở đó hoàn thiện điều 32, 64-68 và các điều khoản khác có liên quan.

Tự chủ cần hướng đến 3 mục tiêu: tự chủ về chuyên môn, tự chủ về bộ máy nhân sự, tự chủ tài chính và tài sản. Điều kiện thực hiện tự chủ phải được xác lập và thực hiện thông qua quản lý Nhà nước theo nguyên tắc không quá buộc tính tự chủ nhất là các cơ sở tư thục nhưng cũng phải đảm bảo phù hợp và không lãng phí nguồn lực của xã hội.

Chẳng hạn cơ sở tư thục có vốn nước ngoài được đặc quyền tự chủ nhưng phải công khai thông tin nhất là thứ bậc đánh giá, kết quả kiểm định chất lượng của tổ chức độc lập có uy tín, tỷ lệ sinh viên có việc làm khi tốt nghiệp… để xã hội cân nhắc, lựa chọn", vị đại biểu Phú Thọ khẳng định.

Video: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Tôi khẳng định ngay vẫn gọi học phí, không ai bỏ học phí'

Bên cạnh đó, đại biểu Hàm lưu ý tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học phân định rõ điều và mức độ tự chủ phù hợp chẳng hạn cơ sở hoạt động bằng kinh phí, ngân sách Nhà nước với cơ sở ngân sách nhà nước đảm bảo một phần kinh phí hoạt động.

Ngoài ra, qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, đại biểu Hàm thấy rằng dự thảo sử đổi 33 điều nhưng có tới 22 điều khoản giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hướng dẫn trong đó có rất nhiều nội dung quan trọng.

Ông Hàm cho rằng nhiều nội dung giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hướng dẫn thể hiện việc nghiên cứu đánh giá chính sách để đề xuất sửa đổi chưa thấu đáo, chưa được định hình rõ, nên chưa quy định cụ thể.

"Bên cạnh đó, nhiều nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc, nghiên cứu thêm thể hiện chất lượng xây dựng luật chưa cao, khó khả thi khi áp dụng vào thực tế cuộc sống. Vì lý do trên đề nghị ban soạn thảo cần rà soát thận trọng không nên nôn nóng hoàn thành sửa đổi luật trong khi còn nhiều ý kiến tham gia, nhiều nội dung chưa rõ", đại biểu Hàm khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn