Ô tô Việt giá cao, doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế

XeThứ Năm, 28/11/2019 15:42:00 +07:00

Doanh nghiệp nội địa cho rằng giá bán xe trong nước vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực nên kiến nghị miễn giảm các loại thuế để hạ giá ô tô.

Giá xe ngoại hấp dẫn hơn xe nội

Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ 2019 Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng hai năm trở lại đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển nhanh. Doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường trong nước và có bước phát triển mạnh mẽ cả lượng và chất.

Xe o to viet

Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ năm 2019 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ô tô toàn cầu".

Tính đến hết 2018, cả nước có khoảng hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô. Trong đó khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung, gầm, thân xe và 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô…

Hiện sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Đặc biệt, một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Nhiều hãng lớn trên thế giới có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Hải, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi còn thấp. Việc cạnh tranh với các hãng lớn là rất khó khăn.

“Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều kiển, hệ thống truyền động”, ông Hải nói.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

“Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động”, ông Tuấn Anh nói.

Đáng nói, nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đang đi vào con đường mà các quốc gia đi trước đã từ bỏ, đó là xu hướng tự cung tự cấp hoặc độc quyền, khép kín trong sản xuất ô tô.

Thêm vào đó, do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện để sản xuất ô tô khiến các chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu.

Xem xét giảm thuế

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty Thaco cho rằng để giảm giá xe, tạo lợi thế cạnh tranh giữa xe trong nước với xe nhập, Chính phủ nên xem xét việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%. Vì khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% từ 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.

xe viet nam

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam tham gia gian hàng trưng bày để các doanh nghiệp giao lưu, tiếp cận khách hàng tiềm năng, quảng bá sản phẩm. 

"Khi giảm thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện thì chắc chắn giá thành sẽ giảm và kéo giá xe sản xuất trong nước giảm. Doanh nghiệp có điều kiện tái đầu tư, sản xuất, người tiêu dùng cũng sẽ được lợi", ông Tài nói.

Thêm đó, ông Tài kiến nghị Chính phủ sớm xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phù tùng sản xuất trong nước. Thực tế, các nước như Malaysia đã áp dụng chính sách này từ rất lâu. Khi giảm thuế này, chắc chắn tỉ lệ nội địa hóa xe trong nước sẽ tăng và giúp giá xe giảm.

Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, cho rằng cần xem xét chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và kể cả thuế đất nếu xác định đây là ngành quan trọng.

“Chúng ta không thiếu văn bản chính sách nhưng ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô chưa phát triển được là do chính sách chưa đủ mạnh. Nếu chúng ta xác định người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì phải xem xét lại chính sách lệ phí trước bạ khi có địa phương áp mức thu 12%”, ông Hải nói.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn