Ô tô Trung Quốc ế ẩm, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào thị trường Việt

Kinh tếThứ Tư, 19/04/2017 11:32:00 +07:00

Trong 2 năm trở lại đây, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các dòng xe ô tô nhập khẩu từ thị trường ASEAN đã đánh bật vị thế độc tôn của ô tô Trung Quốc trên mọi phân khúc nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn lạc quan trước tình hình kinh doanh tại Việt Nam.

Vào giai đoạn hoàng kim của ô tô Trung Quốc, doanh số bán xe mỗi tháng của các doanh nghiệp đạt hơn 1.200 chiếc, đứng vị trí số 1 trong tất cả các thị trường nhập khẩu ô tô của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các dòng xe ô tô nhập khẩu từ thị trường ASEAN, vị thế độc tôn của ô tô Trung Quốc đã bị đánh bật trên mọi phân khúc.

Ô tô Trung Quốc ế ẩm 

Sau khi Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2015-2018 được ký kết, lượng nhập khẩu xe ô tô Trung Quốc tăng vọt lên gấp hai lần so với trước đó. Năm 2015 được mệnh danh là thời hoàng kim của ô tô Trung Quốc.

Hinh anh

Một số doanh nghiệp ô tô nội địa nổi tiếng của Trung Quốc đã có tham vọng biến Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ trọng điểm. 

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, số lượng ô tô Trung Quốc được nhập khẩu nguyên chiếc vào năm 2015 lên tới 26.700 chiếc, trung bình mỗi tháng có hơn 1.200 xe được tiêu thụ. Trong đó có 1.665 chiếc xe tải được nhập về, tăng gấp đôi so với năm 2014 với 13.000 chiếc, đứng số 1 trong tất cả các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu ô tô.

Một số doanh nghiệp ô tô nội địa nổi tiếng của Trung Quốc đã có tham vọng biến Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ trọng điểm. Các thương hiệu như BYD, Baic, Changan, Haima, … liên tục tung ra nhiều mẫu xe ở tất cả các phân khúc.

Đặc biệt, giá bán của xe Trung Quốc rất rẻ, chỉ khoảng 200-400 triệu đồng/xe. Nếu so với phân khúc cùng giá, rất khó có một sản phẩm ô tô nào có thể đánh bại được ô tô Trung Quốc trên mọi phương diện, thiết kế, động cơ, thiết bị phụ trợ,...

Đơn cử, một chiếc Haima S5 2016 được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến như: Cảm biến áp suất lốp TPMS, hệ thống phanh chống bó cứng ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, trợ lực lái HPS, hệ thống chống trượt TSC, hệ thống 8 túi khí an toàn SRS,...

Có nhiều công nghệ tiên tiến nhưng giá của chúng chỉ là 290 triệu đồng. Những mẫu xe khác có cùng công nghệ như Toyota Vios, Mazda 3, Mazda 6 được bán ra với mức giá cao gấp đôi.

Trước sự “bành trướng” của ô tô Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước đã rất đau đầu tìm các biện pháp đối phó.

Tháng 3/2015, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi thuế nhập khẩu đối với ô tô nhập khẩu Trung Quốc.

Đến tháng 12/2015, Bộ Tài chính đã quyết định nâng thuế nhập khẩu với các dòng xe ô tô tải. Đối với các dòng xe có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn có mức thuế tăng từ 30% lên 50%; các dòng xe có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn tăng từ 20% lên 50%. Trong khi đó, trong năm 2015, ô tô tải nguyên chiếc trên 45 tấn chỉ chịu thuế 0%. Còn dòng xe tải từ 25 tấn đến 45 tấn cũng chỉ có thuế suất 10-15%.

Đến tháng 1/2016, lượng ô tô Trung Quốc bỗng dưng giảm mạnh, chỉ bằng 40% so với năm 2015, có khoảng 11.000 chiếc được nhập về Việt Nam.

Ngoài ra, độ bền của ô tô Trung Quốc cũng chính là nguyên dân dẫn tới sự thoái trào của “anh bạn láng giềng” này.  Vì thế, chỉ qua vài năm ngắn ngủi, một số mẫu xe có giá siêu rẻ như BYD, Cherry, Geely, Lifan, Baic,… đã lặn mắt tăm khỏi thị trường Việt Nam.

Trong tất cả các phân khúc ô tô, hiện tại, chỉ có duy nhất các xe hạng nặng của Trung Quốc vẫn còn “sống” lay lắt tại Việt Nam.  

Cụ thể, vào năm 2014, có khoảng 1.000 chiếc ô tô tải được nhập về trong tháng 1, đến tháng 1/2015 số lượng này tăng lên gấp rưỡi với 1.665 chiếc, tháng 1/2016 là 560 chiếc. Cho đến 1/2017, lượng ô tô tải Trung Quốc nhập về chỉ bằng 1/20 so với năm ngoái với vỏn vẹn 94 chiếc.

Ô tô Trung Quốc vẫn lạc quan 

Sáng 18/4, tại hội trường của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc – Việt Nam.

Hinh anh

Xe tải hạng nặng đang được các doanh nghiệp Trung Quốc chú trọng đầu tư. 

Trong buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn kỳ vọng vào thị trường 90 triệu dân, bất chấp số lượng ô tô Trung Quốc đang dần mất hút tại Việt Nam.

Theo ông Liu Chang Yong, chủ tịch Hiệp hội linh kiện ô tô hạng nặng Thành phố Tế Nam (Sơn Đông, Trung Quốc), lượng xe ô tô Trung Quốc nhập về Việt Nam ngày càng giảm, song đó đã là đáy và không thể sụt giảm thêm nữa.

“Tôi chắc chắn rằng, trong tương lai tới, số lượng ô tô Trung Quốc nhập về Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh”, ông Yong noi.

Trao đổi với PV báo điện tửVTC News, một doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Thiểm Tây (Trùng Khánh, Trung Quốc) thừa nhận, hiện tại các dòng xe du lịch, xe cỡ nhỏ Trung Quốc không thể cạnh tranh được với các đối thủ như Toyota, Ford hay Thaco,... Vì vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc chú trọng đầu tư mạnh vào nghành ô tô hạng nặng như xe tải, container.

“Lợi thể của xe hạng nặng Trung Quốc là giá rẻ, linh kiện phụ tùng thay thế cũng rất nhiều và rẻ. Ngoài ra, thị trường Việt Nam đang bỏ ngỏ phân khúc xe hạng nặng, chính vì vậy, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt để đầu tư vào Việt Nam”, vị này nói.

“Ngoài ô tô nhập khẩu, chúng tôi đẩy mạnh việc hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước trong công nghiệp sản xuất thiết bị, phụ tùng ô tô. Trong thời gian tới, sẽ có một doanh nghiệp liên doanh theo vốn CKD Việt – Trung được thành lập”, ông Liu Chang Yong nói.

Video: Siêu phẩm Toyota Hilux

Tiểu Lâm
Bình luận
vtcnews.vn