Ô tô nhập khẩu giảm trước bạ để cạnh tranh xe lắp ráp trong nước

Tư vấnThứ Tư, 08/12/2021 18:46:36 +07:00

Nhiều dòng ô tô nhập khẩu được ưu đãi phí trước bạ 50-100% ở tháng 12, trong khi các dòng xe sản xuất trong nước điều chỉnh khuyến mại thấp hơn giai đoạn trước.

Trải qua tuần đầu tiên của tháng 12, tình hình cạnh tranh giữa nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) và ô tô nhập khẩu (CBU) có nhiều chuyển biến khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe CKD có hiệu lực từ ngày 1/12.

Điểm tích cực là thị trường ô tô Việt Nam đang trở nên sôi động khi nhu cầu mua xe tăng mạnh, hứa hẹn giúp các nhà sản xuất “chạy đua” doanh số ở giai đoạn cuối năm.

Loạt xe nhập khẩu giảm trước bạ 50-100%

Ngay khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho xe CKD còn được cơ quan chức năng xem xét, nhiều dòng ô tô ngoại đã chủ động kích cầu với các chương trình ưu đãi tương tự, bắt đầu từ cuối quý III và kéo dài cho đến cuối quý IV này.

Ở nhóm xe 7 chỗ cỡ nhỏ, Mitsubishi và Suzuki liên tiếp tung ra chính sách tặng 50% phí trước bạ cho Xpander (bản CBU), Xpander Cross, Ertiga và XL7, mức giảm vào khoảng 20-30 triệu đồng và có thêm các quà tặng phụ kiện, bảo hiểm.

Một mẫu xe gầm cao 7 chỗ khác nhập khẩu từ Indonesia cũng được giảm trước bạ trong vài tháng qua là Toyota Rush với mức ưu đãi 30 triệu đồng.

Ô tô nhập khẩu giảm trước bạ để cạnh tranh xe lắp ráp trong nước - 1

Bên cạnh đó, Mitsubishi cùng Suzuki cũng “chăm chỉ” khuyến mại cho dòng sedan hạng B, gồm Attrage và Ciaz nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, nếu Mitsubishi Attrage đang dần cải thiện được doanh số trong vài tháng qua thì Suzuki Ciaz đã tạm hết hàng từ trung tuần tháng 11 và đang phải chờ cập nhật phiên bản mới.

Với tình hình kinh doanh kém khả quan hơn năm trước, Mazda cũng không đứng ngoài xu hướng ưu đãi phí trước bạ. Trong tháng 11, loạt xe nhập khẩu từ Thái Lan gồm Mazda2, CX-3, CX-30 và BT-50 được giảm 100% phí trước bạ.

Còn trong tháng 12 này, dòng xe hạng B và 2 mẫu SUV đô thị của Mazda được điều chỉnh mức ưu đãi còn 50% phí đăng ký, tương đương các mẫu xe CKD bán chạy như Toyota Vios, Hyundai Accent hay Kia Seltos.

Riêng Mazda BT-50 tiếp tục được tặng toàn bộ phí đăng ký (38-50 triệu đồng) để cạnh tranh với Ford Ranger lắp ráp trong nước. Mẫu bán tải Mỹ hiện không có ưu đãi nào từ đại lý, đồng thời khủng hoảng linh kiện chip bán dẫn khiến sản lượng Ranger CKD đang bị hạn chế.

Ô tô nhập khẩu giảm trước bạ để cạnh tranh xe lắp ráp trong nước - 2

Trong khi đó, loạt ô tô CBU của Honda là Brio, Civic và HR-V được giảm 100% phí trước bạ liên tục trong 2 tháng cuối năm. Đây có thể xem là cách hiệu quả để hãng xe Nhật Bản phần nào giải quyết được bài toán doanh số cho 3 sản phẩm “kén khách” nhập khẩu từ Thái Lan và có mức giá cao hơn hầu hết đối thủ vốn là xe CKD, như VinFast Fadil, Hyundai Kona hay Kia K3.

Với dòng SUV 7 chỗ Everest nhập khẩu, tư vấn bán hàng tại đại lý Ford Phú Mỹ ở Xa Lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) cho biết showroom hiện có chính sách giảm giá 30-40 triệu đồng, thấp hơn các tháng trước (60-70 triệu đồng). Nguyên nhân là nguồn cung xe hạn chế và không đủ màu để khách hàng lựa chọn.

Trao đổi với Zing, giám đốc bán hàng của cửa hàng Volkswagen trên đường Trường Chinh (TP.HCM) cho biết tình hình kinh doanh trong tuần đầu tiên của tháng 12 khá khả quan dù các sản phẩm của hãng xe Đức không được hưởng ưu đãi từ Chính phủ.

Thực tế, Volkswagen Việt Nam và các đại lý đã duy trì chính sách khuyến mại kể từ lúc thị trường “mở cửa” trở lại hồi tháng 10. Phổ biến là gói tặng 50% trước bạ tương đương 100 triệu đồng cho dòng SUV 7 chỗ Tiguan, trong khi Passat giá 1,7 tỷ đồng đang có mức giảm đến 200 triệu đồng để cạnh tranh với các dòng sedan hạng D châu Á.

Ô tô nội giảm khuyến mại, tăng giá bán

Trái ngược với không khí ưu đãi và giảm giá rầm rộ kể trên ở nhóm xe nhập khẩu, một vài hãng xe tiến hành điều chỉnh lại chính sách bán hàng từ đầu tháng 12 để phù hợp với tình hình mới, khi các dòng ôtô CKD bắt đầu được giảm 50% lệ phí đăng ký.

Đơn cử có Toyota Vios được cắt giảm đôi chút ưu đãi trước bạ, từ mức 25-30 triệu đồng ở tháng 11 nay còn 20 triệu đồng cho khách hàng mua xe trong tháng cuối năm. Trong khi đó, các phiên bản Hyundai Accent được đại lý giảm thêm 10-30 triệu đồng, tuy nhiên số lượng xe không nhiều.

Động thái thay đổi đáng chú ý nhất 2 mẫu SUV của Kia là Seltos và Sonet thậm chí còn tăng giá đề xuất và có thời gian chờ nhận xe kéo dài vài tháng khi cầu vượt cung.

Ô tô nhập khẩu giảm trước bạ để cạnh tranh xe lắp ráp trong nước - 3

Với Sonet vừa ra mắt hồi tháng 9, 3 phiên bản Deluxe, Luxury và Premium được tăng giá 5 triệu đồng thành 544-614 triệu đồng, riêng model Deluxe MT giá 499 triệu đồng không có sự thay đổi.

Hãng xe Hàn Quốc lần thứ 2 tăng giá Seltos trong năm 2021 và mức chênh lệch còn đáng kể hơn trong lần điều chỉnh này. Theo đó, Kia Seltos bản 1.6 Premium từ 709 triệu tăng thành 724 triệu đồng. Bộ ba Seltos 1.4 gồm Deluxe, Luxury và Premium sau khi tăng 5-10 triệu đồng hồi tháng 8 nay tiếp tục có giá mới đắt hơn 5-25 triệu đồng, dao động 629-744 triệu đồng.

Tương tự, TC Motor cũng âm thầm nâng giá cho Hyundai Santa Fe. Một tư vấn bán hàng tại TP.HCM cho biết mẫu SUV 7 chỗ của Hyundai hiện có giá thực tế cao hơn mức đề xuất (1,03-1,34 tỷ đồng) khoảng 20 triệu đồng và có tình trạng khan hàng với bản Đặc biệt.

Ở nhóm xe sang, các đại lý Mercedes-Benz đã ngưng chương trình tặng 50% lệ phí trước bạ cho C-Class và E-Class lắp ráp trong nước khi kể từ khi Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực. Ngược lại, BMW buộc phải nối dài ưu đãi cho 3-Series trong 2 tháng qua với mức tặng trước bạ 120-220 triệu đồng tùy theo phiên bản.

Ô tô nhập khẩu giảm trước bạ để cạnh tranh xe lắp ráp trong nước - 4

Trong khi đó, vẫn có những dòng xe CKD được duy trì ưu đãi đáng kể trong tháng 12, dù vậy đây hầu hết là model đang bán chậm, cần được kích cầu để cải thiện doanh số.

Chẳng hạn Toyota Corolla Altis được khuyến mại đến 40 triệu đồng, Ford EcoSport tặng trước bạ 40-50 triệu đồng, Mitsubishi Outlander ưu đãi 42-48 triệu đồng kèm phụ kiện...

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn