Ô tô con phải có bình chữa cháy: 4 năm quên lãng

Tư vấnThứ Hai, 30/11/2020 06:52:13 +07:00

Từ chỗ tài xế nơm nớp lo lắng bị phạt tiền, tìm mua bình chữa cháy để trên ô tô, theo thời gian, ít người mang theo và món đồ này rơi dần vào lãng quên.

Ráo riết săn bình chữa cháy rồi bỏ xó

Anh Nguyễn Đức Thủy (Vĩnh Tuy, Hà Nội) nhớ lại thời điểm tháng 1/2016 đã rốt ráo đi tìm mua bình chữa cháy sau khi Thông tư 54 do Bộ Công an ban hành có hiệu lực (Quy định ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg. Mức phạt tiền đối với các vi phạm từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng). 

Thời điểm ấy, khắp các gian hàng online “cháy hàng”, bình thường bình bột nửa cân 150.000 đồng chẳng ai thèm mua mà đến khi khan hàng, giá lên 250.000 đồng/bình vẫn phải cắn răng chi tiền”, anh Thủy nhớ lại.

Ô tô con phải có bình chữa cháy: 4 năm quên lãng - 1

Bình chữa cháy cách đây 4 năm là món hàng gây "sốt" trên thị trường.

Việc những tài xế lái xe con như anh Thủy đổ xô mua hàng khiến người bán lẻ đồ bảo hộ như chị Trần Thị Quỳnh (Ngõ 285 Đội Cấn) được dịp “trúng lớn”. Chị Quỳnh và một vài người cùng chung vốn đặt nhiều thùng bình chữa cháy loại 500ml với giá nhập chỉ 90 ngàn đồng/bình, bán ra 180-220 ngàn đồng/bình. Sau đợt “sốt” bình chữa cháy kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 2/2016, nhẩm tính riêng doanh thu bán bình chữa cháy của chị Quỳnh đã gấp 3 lần shop online chị bán cả năm 2015.

Tuy nhiên, theo thời gian lỗi thiếu bình chữa cháy không phải là ưu tiên để dừng xe kiểm tra dần khiến nhiều tài xế bỏ qua không trang bị hoặc đã mua thì vứt xó. Thậm chí sau khi báo chí phản ánh một số trường hợp để bình chữa cháy dạng lỏng trên xe bị nổ, gây hư hại nội thất, nhiều tài xế càng có thêm lý do để “không mang bom” lên xe.

Anh Vũ Xuân Trung, lái xe taxi ở Hà Nội kể lại trường hợp bình chữa cháy để ở hàng ghế phụ phát nổ khiến nóc xe của anh bị móp và trần nỉ bị rách: “Tháng 6/2016, tôi đưa cả nhà đi biển và đóng cửa xe đỗ ngoài nắng. Khi mọi người tắm xong để ra về thì phát hiện không thấy bình chưa cháy đâu. Nhìn lên trần mới phát hiện vết rách và bình chữa cháy lăn lóc trong xe”. Anh Trung đã phải bọc da lại nhưng vẫn không che hết được vết tích cũ và trên nóc xe vẫn còn đoạn lồi do lực bắn của vỏ bình chữa cháy.

Ô tô con phải có bình chữa cháy: 4 năm quên lãng - 2

Vết tích hư hại bên trong và bên ngoài chiếc taxi của anh Trung gây ra bởi bình chữa cháy.

Sau sự cố, anh Trung vẫn mang theo bình chữa cháy nhưng đã xì gần hết dung dịch bên trong để phòng tránh. Biện pháp xì bớt dung dịch hoặc gắn vỏ bình không cũng được nhiều tài xế áp dụng, vừa... an toàn lại vẫn tuân thủ luật!.

Thậm chí sau thời gian dư luận lãng quên, nhiều tài xế cũng chẳng nhớ đến việc mình đã từng mua bình chữa cháy. 

Anh Tô Thế Đạt (Hà Đông, Hà Nội) khi được hỏi về bình chữa cháy trên xe, sau một hồi bóp trán mới sực nhớ chiếc bình bột nửa cân bỏ quên trong kho đồ cũ. Sau khi lục kho tìm, anh Đạt cũng đã thấy chiếc bình với màu sơn đỏ vẫn nhìn khá rõ sau lớp bụi phủ thời gian. Tuy nhiên, kim đồng hồ trên bình đã không còn ở vạch xanh, cho thấy chiếc bình không còn đủ tiêu chuẩn sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ô tô con phải có bình chữa cháy: 4 năm quên lãng - 3

Chiếc bình bột nửa cân của anh Đạt bị lãng quên trong kho đồ cũ, bụi phủ dày lớp vỏ.

Gây lãng phí cả thời gian và tiền bạc

Đánh giá về hiệu quả thực tế của Thông tư 54, cựu kỹ sư ô tô Nguyễn Thanh Lý-phòng kỹ thuật ô tô nhà máy Z151 (Tổng cục kỹ thuật) cho rằng sau 4 năm tồn tại, đã có những vấn đề khiến quy định mang bình chữa cháy trên ô tô dưới 9 chỗ gây lãng phí cả thời gian và tiền bạc.

Ông Lý nói: “Thực tế trên ô tô con, nội thất không có chỗ thừa, nhà sản xuất đã tận dụng và tối giản các chi tiết để chiếc xe vừa có thẩm mỹ vừa thoải mái cho người dùng. Khi gắn thêm bình cứu hỏa đã làm khó cho tài xế, vì phải để chỗ dễ thấy, dễ lấy nhưng vướng víu. Trong khi đó, nguy cơ cháy nổ hiện hữu thường xuất phát ở khu vực khoang máy, từ lốp xe hay cụm phanh sinh nhiệt. Muốn chống hoặc cứu cháy cần tập trung nghiên cứu thiết bị phòng ngừa hoặc tự động chữa cháy ở khu vực này”.

Vì vậy, theo kỹ sư ô tô Nguyễn Thanh Lý khi đưa ra quy định bắt buộc ô tô con phải có bình chữa cháy là chưa nghiên cứu thực tế, gây khó khăn cho người dùng.

Ô tô con phải có bình chữa cháy: 4 năm quên lãng - 4

Trên xe con thường không có vị trí thiết kế riêng cho bình chữa cháy, trong khi bình nhỏ như lọ xịt tóc gần như không có hiệu quả.

Cũng có quan điểm bình chữa cháy trên xe con chỉ thừa thãi và mang ý nghĩa hình thức là chính, anh Phan Chí Đức, quản lý chung cư tại khu đô thị ở Long Biên chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tập dượt kỹ năng dập tắt các đám cháy. Với đám cháy có xăng dầu thì phải dùng bình cỡ 4-8 kg và phải thực hiện đúng kỹ thuật mới có khả năng dập tắt được đám cháy. Như vậy, với đám cháy xe ô tô trong điều kiện bình thường thì không thể dùng cái bình dưới 1 kg để dập tắt. Vì vậy có lẽ việc trang bị này mang nặng tính hình thức, thậm chí có nguy cơ gây nổ bình khi nhiệt độ trên xe tăng cao”.

Thậm chí, trên quan điểm của người nước ngoài như ông Yoshihisa Maruta, cựu Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) chia sẻ tại buổi họp báo khi ra xe mới vào tháng 1/2016 khi nhận được câu hỏi liên quan từ một phóng viên, ông khá ngạc nhiên trước Thông tư 54. “Trên cả thế giới, tôi chỉ thấy bắt buộc trang bị bình cứu hoả trong xe ôtô là một quy định đặc thù của Việt Nam”, ông Maruta đưa ra nhận xét. 

Thực tế, trên thế giới gần như không có quốc gia nào ở các khu vực phát triển, có công nghiệp chế tạo xe hơi lâu đời như châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á quy định bắt buộc lắp bình chữa cháy trên xe hơi loại dưới 9 chỗ ngồi. Chỉ một số ít quốc gia nhỏ bé  quy định bắt buộc lắp bình chữa cháy trên xe hơi như quốc đảo Mauritius, Abu Dhabi, Qatar hay một số nước Châu Phi như Nigeria, Kenya. 

Kỹ sư Lý nhận định việc Nghị định 136/2020 mới ban hành đã không còn quy định ôtô dưới 9 chỗ phải có phương tiện phòng cháy chữa cháy là hợp lý, tránh gây lãng phí cho người dân.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn