Núp bóng khám chữa bệnh miễn phí để bán thực phẩm chức năng

Sức khỏeThứ Bảy, 05/09/2015 11:42:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều đơn vị đã gửi thư mời khám chữa bệnh miễn phí, sau đó, bán thực phẩm chức năng cho người dân.

(VTC News) – Nhiều đơn vị đã gửi thư mời khám chữa bệnh miễn phí, sau đó, bán thực phẩm chức năng cho người dân.

Trong thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có thông tin việc doanh nghiêp lợi dụng khám chữa bệnh từ thiện để quảng cáo và bán thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để chấn chỉnh và tăng cường quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, Cục An toàn thực phẩm có công văn số 1750/ATTP-TT ngày 28/7/2015 đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng. 
Trước đó, báo Lao động phản ánh về tình trạng này.

Những người nông dân nghèo tại xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vô cùng phấn khởi vui mừng khi loa truyền thanh của xã phát đi lời kêu gọi của trạm y tế về việc sắp có đợt khám, tư vấn chữa bệnh miễn phí của Công ty cổ phần Thực phẩm chức năng và Vật tư y tế Việt Nam (Cty CP TPCN và VTYT VN).

Chương trình sẽ kéo dài đến hết hết ngày 25/3/2015. Trước đó không lâu, người dân tại các xã như Hoàng Giang, Tế Tân… cũng nhận được thông báo như trên và rầm rộ kéo nhau đi khám bệnh.

Tại xã Thăng Long, buổi khám bệnh từ thiện miễn phí đầu tiên được tổ chức ngay tại trạm y tế xã. Rất nhiều người đến khám được các thành viên trong đoàn của công ty phát hiện ra bệnh và kê thuốc thực phẩm chức năng cùng lời dặn dò: “Về nhà uống sẽ khỏi bệnh”.

Các bệnh được phát hiện đều có đặc điểm và nguồn gốc bệnh gần giống như nhau. Phụ nữ thường bị bệnh liên quan đến tử cung, nam giới mắc những bệnh liên quan đến gan do uống nhiều rượu, còn người già thường mắc bệnh liên quan đến khớp và huyết áp.

 Khi khám ra bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn uống thực phẩm chức năng để nhanh khỏi bệnh, nhiều người tưởng là thuốc điều trị bệnh nên đã mua về dùng.

Tại xã Tế Tân có bà Lê Thị Tám, bà được bác sĩ Lưu Văn Dũng khám và kết luận bị u nang buồng trứng, phải lấy thuốc thực phẩm chức năng điều trị và bán cho bà lọ thuốc CRINUM với giá 300.000 đồng, rồi ghi liều lượng, cách dùng thuốc vào bệnh án cho bà, nhưng không ghi tên thuốc.

Ông Lê Trọng Thảo ở xã Hoàng Giang cũng được bác sĩ của công ty khám và kết luận bị sỏi thận, phải lấy thuốc điều trị và bán cho ông lọ thuốc mang tên RENALAP giá 300.000 đồng để chữa bệnh, trong bệnh án của ông cũng chỉ ghi liều lượng, cách dùng chứ không ghi tên thuốc điều trị.

Những loại thuốc trên của Cty CP TPCN và VTYT VN đưa ra cho người bệnh tại các xã của huyện Nông Cống đều là những thực phẩm chức năng có hàm lượng khoáng chất, dinh dưỡng cao, được dùng thay cho thực phẩm thông thường, có tác dụng như thuốc bổ hỗ trợ cho thuốc chính trong quá trình điều trị bệnh, chứ không có tác dụng chữa bệnh.

Lọ thuốc CRIMUM để chữa bệnh u nang của bà Tám thật ra chỉ là thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ, kiềm chế u phát triển chứ không dùng để chữa bệnh u nang.

Lọ thuốc RENALAP của ông Thảo là một loại thực phẩm chức năng giúp thanh lọc thận, bổ thận tráng dương chứ không thể dùng để điều trị sỏi thận. Việc công ty không ghi tên thuốc điều trị vào bệnh án của bệnh nhân thực chất là để sau này nếu có bị kiểm tra cũng không bị kết luận là bán thực phẩm chức năng với mục đích chữa bệnh.

 
Ngoài ra, thực phẩm chức năng MERAPINP cũng được công ty bán cho các bệnh nhân với danh nghĩa là thuốc chữa bệnh gan hay thực phẩm chức năng Điếp Cá Vương được bán với mục đích điều trị bệnh trĩ.

Chúng tôi đã tìm về địa chỉ của Cty CP TPCN và VTYT VN số 29 N7A Nguyễn Thị Thập, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy nhiên, địa chỉ trên không phải của Cty CP TPCN và VTYT VN, mà thực chất đó là địa chỉ của một công ty khác có tên Công ty cổ phần quốc tế NEWSTAR.

Công văn số 433 của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm và công văn số 18 của Phòng y tế huyện Nông Cống chỉ cho phép Cty CP TPCN và VTYT VN quảng cáo sản phẩm dưới dạng hội thảo hội nghị, không có một dòng nào cho phép hoạt động tư vấn khám bệnh miễn phí và bán thực phẩm chức năng.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Thái Hòa - Chi cục Trưởng chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y Tế Thanh Hóa - thừa nhận: “Chúng tôi chỉ cho phép công ty quảng cáo giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng dưới dạng hội thảo, hội nghị.

Bên chi cục không có chức năng cấp phép khám chữa bệnh, bán thuốc”. Ông Trần Anh Nam - Trưởng Phòng y tế huyện Nông Công - cũng cho biết: “Chỉ cho phép quảng cáo giới thiệu sản phẩm dưới dạng hội thảo, hội nghị, không cho phép khám bệnh tư vấn sức khỏe và bán thuốc dưới mọi hình thức”.

Công văn của sở, huyện chỉ đạo đã rõ, nhưng khi về đến địa bàn các xã, cụ thể là xã Thăng Long, Cty trên đã cùng UBND xã Thăng Long “phù phép” làm “đột biến” công văn 433 và công văn số 18.

Qua mặt công văn của tỉnh và huyện, ông Đỗ Huy Thu - Phó Chủ tịch UBND xã - đã ký một văn bản với nội dung chính: “Đồng ý cho khám bệnh, siêu âm miễn phí và tư vấn sức khỏe cho nhân dân”. Căn cứ vào thông tư số 30/2014/TT- BYT, chỉ có giám đốc sở y tế mới có quyền cho phép cá nhân, đoàn khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở, việc UNND xã Thăng Long cho phép Cty CP TPCN và VTYT VN khám bệnh trên địa bàn là sai thẩm quyền.

Ông Lê Hữu Uyển - Trưởng phòng nghiệp vụ y, người phát ngôn báo chí Sở Y tế Thanh Hóa - cho biết: “Việc Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy phép cho Cty CP TPCN và VTYT VN được quảng cáo giới thiệu sản phẩm là đúng theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, ông Uyển cũng nhấn mạnh: “Việc UBND xã Thăng Long cho phép khám bệnh là không đúng, trái thẩm quyền và cố tình làm biến tướng công văn chỉ đạo của sở, huyện, khiến người dân hiểu nhầm là hoàn toàn sai quy định”.

Ông Lê Hữu Uyển bộc bạch: “Việc tổ chức hội thảo hội nghị giới thiệu sản phẩm chỉ được tiến hành ở nơi có hội trường như UBND xã, nhà văn hóa thôn. Việc tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm được tổ chức trong trạm y tế của xã là sai vì trạm y tế không có hội trường để tổ chức. Công ty trên có nhiều dấu hiệu trong việc lừa đảo”.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, tại sao một công ty không có địa chỉ cụ thể, không có giấy phép khám bệnh từ thiện, bán thực phẩm chức năng sai quy định, số đông đội ngũ bác sĩ khám bệnh chưa có giấy phép hành nghề… công khai hoạt động tại huyện Nông Cống trong một thời gian dài mà không bị các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, giám sát. Chính việc buông lỏng quản lý hoạt động quảng cáo giới thiệu sản phẩm đã khiến cho nhiều công ty lợi dụng để khám bệnh miễn phí, sau đó bán thực phẩm chức năng.


» Xác minh thông tin cá ươn chợ đầu mối Dịch Vọng
» Thực hư tin đồn có chất gây nghiện trong thức ăn đường phố Hà Nội
» Thức ăn đường phố và tin đồn tẩm chất gây nghiện
» Gạo giả Trung Quốc sản xuất đã xuất hiện ở Việt Nam?
» Phạt 358 triệu đồng doanh nghiệp thực phẩm chức năng vi phạm

Bình luận
vtcnews.vn