Nuốt nhiều bi nam châm vào bụng, trẻ dễ gặp tai họa chết người

Sức khỏeThứ Ba, 25/09/2018 07:08:00 +07:00

Bi nam châm bị nuốt vào bụng nếu không được điều trị kịp thời, sẽ gây tắc ruột, viêm nhiễm, tổn thương đường ruột, thậm chí gây thủng ruột, hoại tử ruột dẫn tới thiệt mạng.

Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về một cậu bé 10 tuổi, ở Bình Dương, nhập viện và phải cắt cả đoạn ruột vì bạn học cùng ép nuốt 9 viên bi sắt.

Theo các chuyên gia, trẻ khi nuốt bi nam châm vào bụng dễ bị tắc ruột nếu không được cấp cứu sớm. Bởi nam châm có tính chất kết dính, khi vào trong ruột các viên nam châm sẽ kết dính với nhau thành một khối lớn gây tắc ruột, khó chịu.

Nhiều trẻ sẽ xuất hiện những biểu hiện dễ nhận thấy như nôn, ói, đau bụng, da tái xanh…

Hiện nay, tỉ lệ trẻ thiệt mạng, do các biến chứng khi nuốt phải dị vật gây nên khá lớn. Tiên lượng và kết quả điều trị phụ thuộc vào tính chất của dị vật và thời gian xử trí sớm hay muộn.

Theo các bác sĩ, nếu trẻ nuốt nhầm những dị vật sắc nhọn thì dị vật có thể sẽ đâm vào thực quản, ruột, tổn thương mô gây nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm.

be trai 10 tuoi

 Hình ảnh 9 viên bi trong ruột bé trai 10 tuổi ở Bình Dương.

Do đó, để hạn chế tối đa gây biến chứng cho trẻ khi nuốt phải dị vật, các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý không nên cho trẻ chơi một mình với các đồ chơi, vật dụng nhỏ, dễ nuốt như bi sắt, bi nam châm, ốc vít ... để tránh nuốt phải dị vật.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nuốt phải dị vật như hóc, nghẹn, khó thở, ho khò khè, nôn mửa, chảy nước dãi, nôn khan, đau ngực, bụng và họng cha mẹ cần bình tĩnh xác định dị vật trẻ nuốt trong bụng rồi nhanh chóng thực hiện sơ cứu và đưa trẻ tới bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và kiểm tra kịp thời.

Cha mẹ tuyệt đối không nên cho bé dùng các bài thuốc Nam hoặc chữa mẹo, vì những phương pháp này không những không khỏi, mà vô tình khiến việc cấp cứu muộn, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Các loại dị vật của đường tiêu hóa được chia làm 3 loại chính:

Dị vật hay gặp nhất như xương cá, tăm tre, kim băng, cúc áo, cục pin, đồ chơi, bi sắt…

Dị vật là thức ăn chưa được nhai kỹ như cục thịt, cục măng khô, búi rau, trái cây...

Dị vật dạng cục bã thức ăn được tạo bởi bã, xơ thực vật, có thể kết hợp cả lông, tóc, hạt trái cây... với chất nhầy của dạ dày.

Video: Cách xử lý khi trẻ hóc dị vật đồ ăn ngày Tết

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn