Nuôi chồn nhung đen: Nợ nần, phá sản, đem thịt hết

Kinh tếThứ Tư, 03/04/2013 06:56:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều hộ nông dân bỏ tiền trăm triệu để nhân rộng mô hình nuôi chồn nhung đen với ước mơ đổi đời, giờ đây họ ra sao?

(VTC News) - Đúng như dự đoán, mô hình nuôi chồn nhung đen của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đào tạo Thương mại điện tử Giấc Mơ Việt (Vdream) đã chính thức dừng thu mua chồn và ngừng hoạt động.

Thấy không đúng nên dừng!

Đúng như những cảnh báo trong loạt bài về hiểm họa nuôi chồn nhung đen của báo điện tử VTC News, đến nay mô hình kinh doanh chồn nhung đen của công ty Giấc Mơ Việt đã chính thức dừng hoạt động, còn mô hình của ông Đoàn Việt Châu cũng đứng trên bờ vực phá sản.

Mô hình nuôi chồn nhung đen của công ty Giấc mơ Việt ra đời sau và có quy mô nhỏ hơn so với mô hình của ông Đoàn Việt Châu. Song số tiền mà công ty này đang nợ người dân cũng lên đến 600 triệu đồng. Dự án nuôi chồn nhung đen của công ty Giấc mơ Việt có tên gọi  là “Nhà nông làm giàu”.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi liên hệ với Giám đốc của Dự án là ông Phạm Bá Kỳ (Công ty Giấc Mơ Việt) thì được biết anh thôi không tham gia chương trình nữa.

Tiếp tục liên hệ với ông Nhữ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Giấc Mơ Việt thì được chính thức xác nhận là công ty đã dừng hoạt động, nhưng đã thu mua lại hết số chồn nhung đen của bà con nông dân.

Do đang bận công tác trong TP.HCM nên trao đổi qua điện thoại với phóng viên VTC News, ông Hải cho biết, công ty ông mới phát triển mô hình nuôi chồn này được khoảng 1 – 2 tháng và làm theo mô hình chăn nuôi truyền thống, chứ không phát triển hoành tráng.

Nông dân đứng ngồi không yên vì không biết bán chồn nhung đen cho ai 
Sau đó nhận thấy mô hình không đem lại hiệu quả và không nhận được sự ủng hộ của dư luận cũng như các Bộ, ban, ngành nên đã dừng hoạt động.

Cũng theo ông Hải, mô hình của ông mới phát triển, nên số hộ tham gia chưa lớn, chỉ tầm khoảng hơn 20 chục hộ.

“Tôi đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ số chồn nhung đen của bà con rồi. Thấy cái gì chưa được thì phải tự sửa sai thôi. Tôi mới làm thời gian ngắn nên vẫn còn cơ hội để sửa chữa. Tôi với bà con nông dân phải như một, cùng nhau chia sẻ khó khăn.

 

Hiện công ty Giấc mơ Việt đang nợ người dân trên 600 triệu đồng nhưng không thể trả ngay một lúc được.

Ông Nhữ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Giấc Mơ Việt
 
Quan điểm của tôi là làm ăn nghiêm túc, chân chính nhưng khi cảm thấy không đúng thì dừng, còn không nên làm gì trái với đạo đức kinh doanh”, ông Hải thành thực.


Mô hình nuôi chồn nhung đen của ông Công ty Giấc Mơ Việt có thời hạn hợp đồng là 24 tháng và giá thu mua chồn cái là 1 triệu đồng/con và chồn đực là 900 nghìn đồng/con.

Cũng giống như mô hình của ông Châu, người mua phải đóng 500.000 đồng/lứa đẻ. Và mô hình cũng cấm tuyệt đối người dân tự nhân đàn và sau khi hết hợp đồng phải tiêu hủy toàn bộ số chồn làm thực phẩm hoặc bán lại cho Công ty với giá 750.000 đồng/cặp.

Tuy nhiên điển khác với mô hình của ông Đoàn Việt Châu, với mô hình của Công ty Giấc Mơ Việt, nếu tôi giới thiệu được thêm một khách hàng tham gia vào mô hình của Cty sẽ được hưởng 8% tổng giá trị hợp đồng và người khách đó nếu lại giới thiệu thêm được một người thứ 3 khác tôi lại tiếp tục được hưởng thêm 3% hoa hồng trên tổng doanh số đó.

Giấc mơ làm giàu tan vỡ

Trong khi ông Hải cho rằng đã thu mua hết số chồn của người dân, rút ra khỏi lĩnh vực này và khẳng định là “làm ăn chân chính”, thì theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ dân nuôi chồn theo mô hình của công ty Giấc Mơ Việt đang mất ăn mất ngủ vì chưa đòi lại được tiền từ phía công ty.

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Văn Hải ở thôn Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, tháng 6/2012, gia đình anh mua 24 đôi chồn nhung đen của công ty Giấc mơ Việt với số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng.

Sau hơn 3 tháng, anh Hải xuất được 2 lứa chồn con trị giá trên 55 triệu đồng, nhưng phía Công ty mới trả 25 triệu. Còn nợ 30 triệu đồng còn lại thì hiện công ty vẫn chưa trả.

“Từ trước và sau Tết Nguyên đán, tôi đã nhiều lần gọi điện hỏi về số tiền còn nợ này nhưng lãnh đạo công ty Giấc Mơ Việt chỉ ậm, ừ cho xong chuyện, chứ vẫn trả chúng tôi đồng nào”, anh Hải nói.

Về việc công ty Giấc Mơ Việt đã dừng thu mua và đóng cửa, anh Hải cho biết, do người dân địa phương phản ứng gay gắt, nên phía công ty Giấc Mơ Việt đã buộc phải ký hợp đồng thu mua lại toàn bộ số chồn bố mẹ đã bán bằng một nửa giá ban đầu.

“Dù như vậy là sẽ lỗ, nhưng lúc này được đồng nào hay đồng ấy, mong lấy lại được một chút vốn thôi. Tuy nhiên, ông Hải mới chỉ ký hợp đồng chứ chưa chuyển tiền cho chúng tôi”, anh Hải cho biết.

Không chỉ anh Hải, nhiều hộ gia đình tham gia nuôi chồn theo mô hình của công ty Giấc Mơ Việt cũng như đang ngồi trên đống lửa khi chồn thì nhốt đầy chuồng, còn tiền thì không biết bao giờ mới lấy được.

Anh Trần Văn Tuấn, cũng ở thôn Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng mua có 12 cặp chồn của công ty Giấc Mơ Việt với giá khoảng 50 triệu đồng, gia đình anh đã bán được 1 lứa, thu về hơn chục triệu nên giờ chỉ còn lỗ khoảng 40 triệu.

Ông Hùng, một hộ gia đình khác cũng cho biết gia đình ông đã tham gia mua tới 50 đôi chồn nhung đen và hiện Công ty Giấc Mơ Việt vẫn đang nợ của ông trên 200 triệu đồng.

“Công ty nói sẽ mua lại bằng 50% giá ban đầu. Mua giá đó thì tức là chúng tôi vẫn lỗ. Hơn nữa, họ nói thế, chứ biết bao giờ mới trả tiền. Tôi đem cho anh em, hàng xóm làm thịt hết số chồn nhà tôi nuôi rồi”, ông Hùng nói.

Theo ông Nhữ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Giấc Mơ Việt, hiện công ty đang nợ người dân trên 600 triệu đồng nhưng không thể trả ngay một lúc được. Hải hứa từ giờ đến hết tháng 6 sẽ cố gắng thu xếp tiền để trả nốt cho dân.

Trong khi mô hình nuôi chồn nhung đen của công ty Giấc Mơ Việt đã phá sản, thì mô hình của ông Đoàn Việt Châu cũng đang đứng trên bờ vực sụp đổ. Hiện cả hai số điện thoại của ông Châu đều không liên lạc được. Trụ sở của công ty ở cuối đường Tam Trinh (Đống Đa, Hà Nội) cũng đóng cửa.

Để biết cụ thể các thông tin về mô hình này như thế nào, phóng viên VTC News đã lên huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những nơi đang làm theo mô hình của ông Đoàn Việt Châu để tìm hiểu sự thật. Mời các bạn đón đọc trong bài tiếp theo.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn