Nước uống "mọc" rêu, đóng cặn, chuyển màu, tại sao?

Kinh tếThứ Ba, 31/08/2010 06:50:00 +07:00

(VTC News) - Lavie mọc rêu, lắng cặn nơi đáy bình, nước cam ép đóng chai bị mốc, Pepsi đổi màu vàng... khiến người tiêu dùng hoang mang: nguyên nhân do đâu?

(VTC News) - Thời gian vừa qua,  người tiêu dùng (NTD) rất hoang mang khi những thông tin về việc nhiều loại nước giải khát đóng chai trên thị trười bị phát hiện các hiện tượng như mốc xanh, mốc đỏ, chuyển đổi màu sắc, lắng cạn nơi đáy chai nước... Phóng viên VTC News đã khảo sát một số cơ sở, đại lý bán nước giải khát đóng chai để tìm hiểu nguyên nhân các hiện tượng này bắt nguồn từ đâu?


Đầu tháng 5/2010, gia đình anh Đ. nhập 20 két nước ngọt và phát hiện 2 chai nước cam có tép Splash đã mốc xanh, dù nắp chai vẫn "nguyên đai nguyên kiện” cũng như hạn sử dụng vẫn còn 4 tháng.

Không lâu sau đó, giữa tháng 7/2010, anh B.L (Bạch Đằng, Hà Nội) phát hiện trong két Pepsi Cola một chai Pepsi sản phẩm đổi màu vàng trong thay vì màu nâu đen truyền thống, dưới đáy chai có cặn đen.

Các thùng nước Lavie loại 19L được xếp chồng lên nhau ngay ngắn, cạnh  đường đi, không tránh khỏi ánh nắng gay gắt chiếu vào.  


Và gần đây nhất, dư luận xôn xao xung quanh vụ nước khoáng thiên nhiên LaVie mọc rêu nơi đáy bình và chứa một số vật thể lạ.

Giải thích nguyên nhân cho hiện tượng này, phần lớn các hãng sản xuất đều đổ tại khâu vận chuyển và bảo quản. Phóng viên VTC News đã khảo sát một số các cơ sở, đại lý bán buôn nước giải khát lớn trong nội thành Hà Nội. Kết quả cho thấy: Khá nhiều cửa hàng, đại lý sắp xếp các thùng nước ngay trước cửa nhà hoặc mé bên tường, giữa trời nắng chang chang hoặc có mái che nhưng không đủ để che mát cho hàng hóa cần bảo quản.

Khi phóng viên có mặt tại một trong những đại lý nước giải khát lớn nhất Hà Nội – đại lý của Công ty Đại Việt (39 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) lúc giữa trưa, các nhân viên của công ty đang nhanh tay bốc những thùng nước lên xe và vội vã chở đi nơi khác. Các thùng nước LaVie loại 19L được xếp ngay ngắn và chất sát lên nhau phía bên tay trái của cửa hàng. Phía trên có mái che, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi ánh nắng gay gắt chiếu vào.

Một số đại lý lớn khác như số 5 Lương Ngọc Quyến, 435A Giải Phóng,… cũng diễn ra tình trạng tương tự. Rất nhiều thùng bia chai Hà Nội được đặt “trần trụi” dưới thời tiết nắng nóng mà không có biện pháp che đậy hay bảo quản.

  Nhiều đại lý lớn khác cũng diễn ra tình trạng tương tự.


Anh Lê Mạnh Hùng, quản lý khách hàng Công ty TNHH LaVie (46 Tân Ấp, Ba Đình), lưu ý: “LaVie là nước khoáng, nếu để ánh nắng trực tiếp chiếu vào trong đó có canxi, gặp nhiệt sẽ kết tủa. Uống không ảnh hưởng gì nhưng nhìn cảm quan sẽ rất xấu”.  

Còn theo chị Ngô Minh Ngọc, phòng kinh doanh Công ty TNHH LaVie: "Tất cả các nước đóng chai của LaVie đều phải bảo quản nơi râm mát, không nên để ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Mưa gió cũng ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm".

Ngoài ra, chai (thùng) nước không nên để nơi quá bẩn. Khi rửa hoặc vệ sinh bình, tay không nên dính xà phòng, dầu nhớt hoặc các chất tẩy rửa, vì như thế sẽ để lại mùi lạ trong bình, khiến khách hàng cảm thấy không hài lòng. Trong khi sử dụng, tránh để vỏ bình méo mó, ảnh hưởng tới mỹ quan sản phẩm khi sử dụng quay vòng.

Chị Ngọc cũng cho biết: Mặc dù nắm được thông tin này nhưng không phải đại lý nào cũng có thể đảm bảo được những tiêu chuẩn đó.

Nước uống đóng chai, nước giải khát được đặt ngay phía ngoài cửa đại lý, không hề được che chắn.

Đại diện phòng chăm sóc khách hàng của công ty nước giải khát Coca – Cola cũng đã nhiều lần nhắc nhở khách hàng: Ở mỗi sản phẩm có một lượng phẩm màu đảm bảo tiêu chuẩn bộ y tế cấp. Trong trường hợp bị “ánh nắng trực tiếp chiếu vào sẽ làm bớt cái màu đó đi”, ảnh hưởng tới mỹ quan của sản phẩm. Đặc biệt, cần cẩn thận trong quá trình vận chuyển bởi chỉ cần có một kẽ hở nhỏ (mắt thường mình không thể nhìn thấy được), không khí cũng có thể lọt qua. “Không khí bên ngoài tiếp xúc với môi trường chân không bên trong làm cho sản phẩm bị mốc”.  

Nước được "vất" la liệt trên bậc thang lên xuống


Tại các đại lý phân phối nước giải khát mini, các lon nước ngọt cũng như nước khoáng được đặt phía ngoài ngay phía trước cửa ra vào. Vào buổi trưa, ánh nắng vẫn chiếu vào trực tiếp, cộng với bụi bặm ngoài đường tạo ra một lớp bụi dày đặc bám trên lớp vỏ chai.  

Nước "án ngữ" trước lối ra vào


Chị Hương, chủ cửa hàng Hương Bình tại 34 Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm), thừa nhận: Để ngoài nắng, nước uống sẽ bị ảnh hưởng vì ít nhiều nó có một ít hóa chất. Tuy nhiên, theo chị, nếu để dưới ánh nắng trong thời ngắn thì được, “chứ để lâu thì cũng không dám đảm bảo”. Cũng đồng quan điểm với chị Hương, một số người dân khác cũng có suy nghĩ rằng: Bản thân nước ngọt, bia đều có ga. Vì vậy, khi ánh nắng chiếu vào sẽ chua, và khi uống sẽ “không ra gì”.

Nước đặt ngoài vỉa hè, cản trở lối đi.

Ngoài ra, hầu hết các chủ đại lý đều cho rằng: Nếu chỉ để nước ngoài nắng trong thời gian ngắn (mấy ngày) hoặc ánh nắng nhẹ (nắng ban mai, nắng văn phòng) thì không ảnh hưởng tới nguồn nước.

Cụ thể, ông Phạm Xuân Sinh, Giám đốc công ty TNHH Thương Mại Trường Sinh, đại lý của nước Laska cho biết: Một cơ quan trên đường Trần Hưng Đạo, cứ khoảng 10 ngày lấy một lần, mỗi lần 20 bình 19L, “toàn thấy họ để ngoài trời, nhưng chưa thấy họ phàn nàn gì cả”. Tuy nhiên, ông Sinh cũng khuyến cáo NTD: Nên “tránh ánh nắng là tốt nhất”.

Không chỉ các đại lý bán buôn, bán lẻ, các mặt hàng nước giải khát còn được bày bán “trần trụi” dưới nắng nóng, không căng bạt, không che chắn ngay giữa vỉa hè. Tuy nhiên, với các bà hàng nước bán rong, số lượng nước có hạn và thông thường sẽ bán hết chỉ trong một vài ngày, không có tình trạng lưu giữ lâu. Chính vì thế, có thể chất lượng nước cũng không bị tác động nhiều.

Gánh nước hàng rong "trần trụi" với nắng nóng.


Dọc đường Nguyễn Trãi, Bà Triệu, Trường Chinh,… nhiều quán nước, nhiều gánh hàng rong với vài ba chiếc ghế nhựa và dăm bảy chai nước bày bán ngay trên phố mặc cái nắng gay gắt ngay trên đỉnh đầu.

Nhiều người cũng có ý thức che chắn nhưng lại sơ sài, tạm bợ bằng chiếc ô nhỏ xíu, chông chênh.


Theo ghi nhận của pv VTC News, từ nước tăng lực Samurai, nước cam ép Splash, nước Fanta cho tới nước khoáng LaVie loại 0,3L, nước uống tinh khiết khác,… đều được bày giữa thời tiết nắng nóng. Đôi lúc, nhiều người cũng có ý thức che chắn nhưng lại sơ sài, tạm bợ bằng chiếc ô nhỏ xíu, chông chênh hoặc vài ba mảnh giấy, bìa cứng hay dăm ba miếng ni-lông.

Tấm phông bạt chỉ đủ che nắng cho người, không đủ để che mát cho nước.


Khi được hỏi “có được tiếp nhận thông tin về việc bảo quản đồ uống đóng chai một cách đầy đủ không”, nhiều chủ cửa hàng, đại lý cấp 2, cấp 3 đều nói: Khi nhà cung cấp chuyển hàng tới, họ không hề thông báo gì cả. 

Phần lớn các đại lý bán lẻ nước đóng chai đều "phơi" nước theo kiểu này.

Nhiều nhà sản xuất cho rằng: Nước cam mốc xanh, mốc đỏ là do khâu bảo quản không tốt.

Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ khu vực Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, HN), nói: Những người đem hàng đến phần lớn là nhân viên vận chuyển, họ chỉ biết chở hàng thôi, chủ bảo đem nước đến theo yêu cầu, chứ không dặn dò gì thêm cả.

Về các sự cố như mọc rêu, lắng cặn xảy ra với nước giải khát, chị Hòa thành thật bày tỏ quan điểm: “Nếu đã là nước lọc hoặc nước tinh khiết rồi thì để thế, để nữa thì cũng không bao giờ có chất đó vẩn lên. Tôi đoán là do chất nước thôi”.



NTD hoang mang sau sự cố "Chai nước LaVie  mọc rêu"

Gần đây, dư luận đang xôn xao xung quanh vụ nước khoáng thiên nhiên LaVie nảy mầm cây hay mọc rêu nơi đáy bình. Trong lúc chờ kết quả của cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng, không ít người dân đã đề phòng bằng cách dừng việc sử dụng nước khoáng LaVie.

Trước thông tin về sự cố này, nhiều đại lý trước đó vốn là nhà phân phối của LaVie giờ đã chuyển sang kí kết hợp đồng với các hãng khác. Đại lý nước mini của anh Lê Phát Ngọ (18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, HN) có thể coi là một ví dụ.  

Anh Ngọ cho biết: Nhiều khách hàng đã điện thoại tới đại lý yêu cầu gửi trả lại các bình nước LaVie 19L mà họ đã mua về nhưng chưa sử dụng. Trung bình mỗi ngày anh nhận về 3 bình, ngày nhiều hơn, con số lên tới 4 – 5 bình. Doanh thu bán chậm, đại lý của anh Ngọ buộc phải tạm dừng kinh doanh sản phẩm này một thời gian và chuyển sang làm nhà phân phối của nước khoáng Tiền Hải.

Trước khi xảy ra sự cố của LaVie, số lượng nước LaVie bán ra chiếm tới gần 50% tổng lượng hàng tiêu thụ, nếu như hàng tháng, đại lý của anh Ngọ bán được gần 2.000 bình nước thì trong đó có 700 – 800 bình nước LaVie. Nhưng hiện tại, doanh số bán ra rất chậm.

“Ai cũng thế thôi, không biết sự thật thế nào, nhưng có tin đồn nên dân ai cũng hoang mang. Trong khi đó, LaVie cũng chưa giải thích được nên bên em không bán được hàng”, anh Ngọ thành thật chia sẻ.


Mời độc giả VTC News xem đoạn clip: Nước giải khát "trần trụi" giữa thiên nhiên:




Bài, ảnh: Tiểu Phương


Theo bạn, các hiện tượng như LaVie mọc rêu, lắng cạn nơi đáy bình, nước cam ép đóng chai mốc xanh, mốc đỏ, Pepsi có màu vàng... có phải xuất phát từ nguyên nhân như trong bài viết đã nêu? Hay bắt nguồn từ những nguyên nhân nào khác? Hãy gửi ý kiến của bạn tới chúng tôi bằng cách gõ vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn