Nước mắt nghiệt ngã của những người mẹ chốn pháp đình

Pháp luậtThứ Hai, 30/12/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Với đấng sinh thành, còn gì đau đớn tột cùng khi biết con mình bị tù tội, thậm chí nhận án tử hình.

(VTC News) – Với đấng sinh thành, còn gì đau đớn tột cùng khi biết con mình bị tù tội, thậm chí nhận án tử hình như trường hợp mẹ đối tượng cầm đầu băng cướp chém lìa tay người đi đường cướp xe.

Người mẹ đại náo chốn pháp đình

Chiều 25/12, Hồ Duy Trúc (20 tuổi) – đối tượng cầm đầu băng cướp, trực tiếp cầm dao chém lìa cổ tay chị Nguyễn Thị Ngọc T. để cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ (TP.HCM) vì muốn có tiền để tiều xài đã bị tuyên án tử hình.

 Bị cáo Hồ Duy Trúc (20 tuổi, bìa phải) bị tuyên án tử hình chiều 25/12. Ảnh: Quang Định - TTO
Bị cáo Hồ Duy Trúc (20 tuổi, bìa phải) bị tuyên án tử hình chiều 25/12. Ảnh: Quang Định - TTO  
Trong nhiều vụ cướp, Trúc và đồng bọn đã dùng dao, mã tấu chém người để cướp xe. Có vụ Trúc và đồng bọn chém nạn nhân ba nhát vào cổ, ngực, có vụ chém một nhát vào vai...

Đỉnh điểm là vụ chém gần đứt lìa bàn tay chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy để cướp xe SH. Những hành động gây án của Trúc và đồng bọn lặp lại nhiều lần, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Sài Gòn suốt một thời gian dài.

Ngày ra tòa, cho đến lúc nói lời sau cùng, tướng cướp tuổi 20 ấy vẫn tỏ ra bình thản, thậm chí lạnh lùng khi nhắc lại tội ác. Chỉ có bà Trần Thị Út (SN 1950) - mẹ Trúc và người nhà nơm nớp lo âu. Khi tòa tuyên phạt Trúc mức án tử hình, không còn giữ nổi bình tĩnh, mẹ Trúc và người thân hò hét, la ó, đại náo pháp đình.
 Bị cáo Hồ Duy Trúc (20 tuổi, bìa phải) bị tuyên án tử hình chiều 25/12. Ảnh: Quang Định - TTO
Mẹ của bị cáo Hồ Duy Trúc suy sụp sau khi nghe tòa tuyên án tử hình Trúc. Ảnh: Quang Định - TTO
Người mẹ nào có thể giữ được bình tâm khi con nhận án tử? Có lẽ vì thế mà bà Út không thể giữ được bình tĩnh, hết quỳ lạy cầu xin ở hàng lang phòng xử, lại vật vã lao về phía chiếc xe bít bùng.

Nước mắt người mẹ có con 17 tuổi là "tú bà"


Cuối tháng 6/2011, một đường dây mua bán phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc được Công an Thành phố Hà Nội triệt phá. Những nạn nhân được giải cứu sau khi trở về nước đã đồng loạt “điểm mặt chỉ tên” một “tú bà” có tên Ngô Thị Hương Trang, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Điều mà các điều tra viên không thể tin “tú bà” này vào nghề mới chỉ 17 tuổi.

Công an quận Đống Đa nhận được thông tin trình báo của một thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm nay trốn thoát được về nước. Theo lời khai của cô gái, thì đã có hàng chục thiếu nữ bị các đối tượng dụ dỗ lừa bán và phải ép tiếp khách.

Điều đáng nói, cầm đầu đường dây đồng thời chủ nhà chứa là một thiếu nữ người Việt Nam, mới chỉ hai mươi tuổi nhưng có trong tay hàng chục đàn em tại các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai.
tú bà, 17 tuổi
Tú bà Ngô Thị Hương Trang. 
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, 35 trinh sát dày dạn kinh nghiệm của công an quận được tung vào cuộc, phối hợp với các đơn vị chức năng và CA các tỉnh nói trên mở rộng khám phá đường dây mua bán phụ nữ cực lớn này.

Qua hơn một tháng ròng rã ngược xuôi các tỉnh, sang cả bên kia biên giới để điều tra, lực lượng công an đã lần ra được đầu mối của đường dây này, giải cứu 9 nạn nhân trong đó có 7 nạn nhân dưới 16 tuổi, có cháu chưa đủ 13 tuổi, nhiều cháu trong tình trạng bị bỏ đói, đánh đập dã man để ép tiếp khách.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, chính cuộc sống đầy bi kịch tại gia đình đã đẩy cô gái khá xinh đẹp ở một xã nghèo thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trở thành gái bán dâm chuyên nghiệp, rồi leo dần lên thành “tú bà” khi mới ở tuổi 17.

Khi được hỏi về việc tại sao không kiên quyết đưa con gái trở về sau khi biết con đi làm gái ở xứ người, mẹ “tú bà” òa khóc: “Khi con gọi điện về, biết con còn sống là mừng rồi, tôi không dám khuyên can nó nhiều vì nghĩ nếu nó về nhà, nó cũng không sống nổi với bố. Nhưng bây giờ thì tôi thực sự ân hận, chính vì tôi không níu kéo nó, để nó dấn sâu vào tội lỗi”.

Sau khi Tòa án xét xử, hàng tháng người phụ nữ này mặc dù rất say xe nhưng vẫn cố gắng lên thăm và gửi quà cho con, những mong con cải tạo tốt để trở về với gia đình với ước muốn: “Nếu ra tù, có ai thương thì tôi mong nó tỉnh ngộ để làm lại cuộc đời, sinh con cho tôi ẵm bế…”

Ký ức kinh hoàng của mẹ Nguyễn Đức Nghĩa


3 năm trở lại đây cái tên Nguyễn Đức Nghĩa đã khiến báo chí tốn biết bao giấy mực. Người ta không thể ngờ được một sinh viên với vẻ mặt thư sinh hiền lành đang theo học tại một trường đại học danh tiếng lại nhẫn tâm ra giết người yêu một cách dã man để cướp tài sản.

Trước thời gian ấn định tiến hành tử hình hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa bằng tiêm thuốc độc, những người dân sinh sống trong tòa nhà G4, phố Trung Yên 1, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đến tận bây giờ vẫn chưa thể quên được những kí ức khi hàng trăm con người nhốn nháo vì phát hiện ra một thi thể nữ giới bị chặt đầu trên tầng thượng.
nguyễn đức nghĩa
Tinh thần bà Phạm Thị Chuân (mẹ của Nguyễn Đức Nghĩa) đã ổn định hơn nhiều. Tuy nhiên, trong từng câu từng chữ bà nói ra suốt cuộc trò chuyện, vẫn còn in hằn những nỗi đau đớn khôn nguôi.

Sau khoảng thời gian ở quê để lo liệu việc nhà, từ đầu năm 2013, bà Chuân đã chuyển lên Hà Nội sống cùng với con gái. Sau một đợt ốm dai dẳng và gần như rơi vào trạng thái trầm cảm, thời gian gần đây, bà Chuân thường lui tới nhà của bạn bè người thân, ở lại chơi cho đỡ hiu quạnh.

Tâm sự về con trai Nguyễn Đức Nghĩa, bà Chuân thở dài: “Kêu khóc mãi cuối cùng cũng không cứu được nó, tôi giờ kiệt sức rồi, giờ nó sống được ngày nào thì sống chứ không biết làm sao nữa”.

Chưa nói dứt lời bà Chuân lại nấc lên những tiếng nghẹn ngào rồi òa khóc mà bảo rằng: “Giờ tôi như người mất hồn, cả ngày thẫn thờ, không còn biết trông mong vào điều gì nữa, thấy nghe nói thằng Nghĩa sẽ bị tiêm thuốc độc nhưng tôi cũng không biết là bao giờ nữa, thà không hay không biết gì có lẽ còn đỡ đau đớn hơn”.

Bà Chuân cũng tâm sự rằng từ mấy năm nay bà chưa đêm nào được giấc ngủ ngon, những nỗi lo lắng về gia đình mà nhất là nỗi đau đớn tinh thần về đứa con trai độc nhất của gia đình luôn giằng xé, ám ảnh bà từng giờ, từng khắc. “Có đêm nằm mơ gặp lại thằng Nghĩa, hai mẹ con ôm nhau khóc, rồi có mấy đồng chí công an đến đưa nó vào trong nhà lao mà tôi chỉ biết đứng đó gào thét, bất chợt tỉnh dậy mới biết đó chỉ là giấc mơ”, bà Chuân nghẹn ngào kể.

Xin chết thay con


Trong phiên tòa xét xử chiều 5/4/2011, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị mức án tử hình dành cho hai bị cáo Nguyễn Trọng Nhân và Lương Hoài Sang do giết hại Phó Bí thư quận Phú Nhuận, TP.HCM và cướp tài sản.

Theo đó, VKS cho rằng, việc giết người, cướp tài sản của bị cáo Nhân và Sang là có chủ đích, có sự chuẩn bị, lên kế hoạch chu đáo, quyết tâm tới cùng, 5-6 lần bàn bạc cùng nhau để tiến hành hành động.

Đối với Nhân, VKS cho rằng tội "giết người" nhận án tử hình, riêng tội "cướp tài sản" phải chịu án từ 9-10 năm. Riêng bị cáo Sang, với tội danh đồng phạm, hỗ trợ tích cực cho Nhân giết người với mức án tử hình, bị cáo Sang còn bị đề nghị phạt 7-8 năm tù giam. Tổng hợp hình phạt mà VKS đề nghị là tử hình đối với hai bị cáo Nhân và Sang.

Đồng thời VKS cũng đưa ra các khoản đền bù cho các gia đình bị hại gồm 166 triệu đồng cho gia đình bà Hồng; Hai mẹ con bà Mỹ gần 44 triệu đồng (bà Mỹ trên 23 triệu; chị Hương - con bà Mỹ, trên 20 triệu đồng)
Hai bị cáo Nhân và Sang bị VKS đề nghị mức án cao nhất là tử hình - ảnh: H.C
Hai bị cáo Nhân và Sang bị VKS đề nghị mức án cao nhất là tử hình - ảnh: H.C  
Trong phần tranh luận, theo LS Phùng Văn Đồng - Văn phòng luật sư Phạm Quốc Hưng, bào chữa cho bị cáo Nhân còn đưa ra các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo và cũng mong gia đình các bị cáo thông cảm, bởi người cha đáng thương của bị cáo đã bị nhồi máu cơ tim, chết vào ngày 3/1/2011 vì đau khổ trước tội lỗi của con.
Người mẹ đau đớn xin chết thay cho con.
Người mẹ đau đớn xin chết thay cho con. Ảnh: Phan Cường
Theo mẹ bị cáo Nhân, bản thân con mình sức khỏe có vấn đề, thần kinh yếu do sinh thiếu tháng, dễ bị kích động. Bà một lần nữa xin được chết thay cho con mình khiến nhiều người phải rơi nước mắt còn bị cáo Nhân cũng òa khóc, hối hận với hành động của mình.

Thế nhưng pháp luật chỉ xét xử và áp dụng hình phạt với những ai có tội. Nhân bị tuyên hình phạt cao nhất là án tử hình. Thân mẹ già đổ gục. Làm sao bà có thể đền tội thay con khi bà không phải là người gây ra tội ác?

Khóc đến ngất xỉu vì đứa con lỡ dại


Cuối tháng 3/2009, chúng tôi có dịp tham dự phiên tòa lưu động xét xử nhóm cướp giật trên tuyến quốc lộ 14B tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Bị cáo là Nguyễn Phi Hùng (20 tuổi) con của ông Nguyễn Thanh Hiền và bà Đinh Thị Thôi trú thôn Trường An, xã Đại Quang và Nguyễn Thanh Danh (20 tuổi) con ông Nguyễn Thành Tân và bà Mai Thị Tính, trú thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam về tội "Cướp giật tài sản".
 Nước mắt của 2 người mẹ (giữa) tuôn trào khi nghe tòa tuyên phạt. Ảnh: CAND
 Nước mắt của 2 người mẹ (giữa) tuôn trào khi nghe tòa tuyên phạt. Ảnh: CAND
Phiên tòa 9h mới bắt đầu nhưng từ 7h sáng, hội trường xã Hòa Phong đã đông nghịt người bởi ai cũng quan tâm đến phiên tòa đặc biệt này. Khi chiếc xe chở tội phạm từ Trại giam Hòa Sơn (Hòa Vang) vừa đến cổng UBND xã Hòa Phong, phía ngoài đường, có hơn 10 người từ già đến trẻ đi theo khóc nức nở. Hỏi ra đó chính là cha, mẹ, bà, em và bạn cùng trang lứa của 2 bị cáo.

Bà Đinh Thị Thôi, mẹ của bị cáo Hùng khóc đến ngất xỉu khi thấy con mình bước xuống xe tù. Bà được một cô gái trẻ là bạn của con bà dìu vào phòng xét xử để tham dự. Trong suốt phiên tòa, bà Thôi không cầm được nước mắt. Còn bà Mai Thị Tính, mẹ của bị cáo Danh, có lẽ không còn giọt nước mắt nào nữa để khóc vì đứa con trai lỡ dại mà phạm tội.

Hai người cha ngồi bất động nhìn con mình đứng trước vành móng ngựa. Thỉnh thoảng ông Hiền chạy ra ngoài bởi ông không muốn vợ và con mình nhìn thấy những giọt nước mắt đau khổ. Ông Tân thì ủ rũ, thậm chí chẳng còn sức để thở dài vì ông mang bệnh nặng. Gắng gượng lắm ông mới đến tham dự phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án.

Nhận thấy tính chất nguy hiểm của vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phi Hùng 4 năm tù giam và Nguyễn Thanh Danh 3 năm tù giam.

Hai bị cáo được đưa lên xe chở về lại Trại giam Hòa Sơn. Hai người mẹ cố len lỏi giữa những chiến sỹ công an chỉ để được nắm tay đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Thương con bao nhiêu lại trách mình bấy nhiêu. Lăn lộn trên những cánh đồng, một nắng hai sương kiếm tiền nuôi con, hai ông bố bà mẹ không ngờ rằng con trai mình lại sa vào con đường ăn chơi đua đòi để rồi rủ nhau đi cướp giật...




Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn