Nước mắt muộn mằn của "hoa rừng" xuống phố bán thân

Pháp luậtThứ Sáu, 05/02/2010 01:37:00 +07:00

“Chị ơi, em muốn kiếm tiền, thật nhiều tiền!”. Thương Ngân đã bắt đầu câu chuyện với tôi bằng những lời ấy...

Các cụ nhà ta xưa thường nói con gái hồng nhan thường bạc mệnh. Tôi không thấy em đẹp mà sao số em hẩm hiu thế!? Ngược lại, tôi thấy em quê kệch, hiền lành và rất đúng với hình dung của tôi về cô thôn nữ mới lớn với tất cả sự e ngại, ngập ngừng của tuổi trẻ. Tôi gặp em, trong bộ quần áo lao động cũ kĩ, đôi mắt to tròn và đôi má đỏ ửng vì ngại! Và em bật khóc, những giọt nước mắt muộn mằn.

Những giọt nước mắt Thương Ngân.
Ảnh: Anh Ngọc
 
“Chị ơi, em muốn kiếm tiền, thật nhiều tiền!”. Thương Ngân đã bắt đầu câu chuyện với tôi bằng những lời ấy. Rồi em kể, từng lời, từng lời một như những đoạn video quay chậm cuộc đời chìm nổi: “Em được một người họ hàng xa dẫn mối xuống Vĩnh Phúc làm nhân viên chạy bàn. Đó là một quán lẩu rất đông khách. Ngày nào, em cũng làm việc đến tận khuya. Có những hôm, 1-2 giờ sáng mới dọn dẹp xong, sáng hôm sau, 6 giờ đã phải dậy chuẩn bị hàng cho bữa trưa. Làm việc cực nhọc vậy mà họ chỉ trả lương cho em ba trăm nghìn đồng. Em không thể gửi về phụ giúp thuốc men cho mẹ chỉ với ngần ấy tiền được.  

Đúng lúc ấy thì có một chị làm cùng rủ em xuống Hà Nội làm lễ tân cho nhà nghỉ. Nghe chị ấy hứa hẹn lương tháng cả triệu đồng nên em không do dự, xin phép bà chủ quán cho nghỉ rồi đi theo chị ấy. 9 giờ sáng đặt chân lên đất Hà Nội thì đến 21 giờ em đã bị công an bắt… Hôm đó, em vừa tròn 16 tuổi!  

Thương Ngân sinh ngày 16/10/1992. Đến ngày 16/10/2008, đúng sinh nhật 16 tuổi - tuổi trăng rằm đẹp nhất của đời người, em bị bắt với tội danh: bán dâm tại nhà nghỉ.

Sinh ra giữa núi rừng Tây Bắc, Thương Ngân cũng như bao thôn nữ khác, cuộc sống quanh năm gắn bó với nương rẫy. Nhà Thương Ngân nghèo, cả gia đình 5 miệng ăn mà chỉ trông vào 3 sào ruộng còi cọc. Từ nhỏ, em đã được bố mẹ dạy làm nương, tra ngô. Tuổi thơ của em là những chiều nắng đỏ tóc trên nương, là những sớm sương muối lên rẫy bẻ bắp…  

Em được cắp sách đến trường như những đứa trẻ khác cùng làng, cũng thông thạo tiếng Kinh, biết đọc, biết viết, tính toán. Nhưng đến năm học lớp 5 thì nhà túng quá nên cả em và người anh trai nghỉ học, dành dụm tiền cho đứa em út học tiếp.

Nghỉ học rồi, Thương Ngân chỉ biết quanh quẩn ở nhà dọn dẹp, nấu cơm rồi cùng bố và anh trai làm nương. Sức khỏe của mẹ em ngày càng yếu… Thương Ngân tâm sự: “Bệnh thận bẩm sinh hành hạ mẹ em rất cực! Từ khi sinh ra đến giờ, biết bao lần em đã phải chứng kiến mẹ bị sưng tấy khắp người, có lúc toàn thân phát ban rất ngứa, nhiều lúc gãi đến chảy cả máu. Có hôm đi làm nương về, em thấy mẹ nằm dưới sàn, tay chân bị phù nề mà sắc da xám ngoét. Đưa lên trung tâm y tế xã thì các bác sĩ ở đây cũng chỉ biết sơ cứu cho mẹ em tỉnh lại. Họ khuyên gia đình em đưa mẹ lên bệnh viện tận dưới Hà Nội nhưng lấy đâu ra tiền mà đi”.  

Kể về mẹ, đôi mắt buồn của em ngấn nước, như chỉ chực trào ra. Hình ảnh người mẹ chống chọi với những con đau thận chính là động lực thôi thúc em đi làm dưới thành phố và nhắm mắt chịu bán đi thứ quý giá nhất đời người con gái cho những người đàn ông tuổi cha, tuổi ông em. Em bảo: “Em biết mình làm vậy là sai, nếu mẹ biết em làm nghề này, chắc chắn mẹ không cho! Nhưng chị ơi, chỉ cần nghĩ đến mẹ em thôi, nếu có tiền đưa mẹ em đi bệnh viện, chắc chắn mẹ em sẽ khỏi bệnh, sẽ không phải đau đớn chống chọi với bệnh tật nữa…”.

Điều đau đớn nhất với Thương Ngân là em chưa gửi được một đồng tiền nào về nhà. “Lần đầu tiên bán trinh, khách trả cho bà chủ 5 triệu, bà chủ bảo khi nào em về quê nghỉ phép, sẽ đưa cho em 2 triệu về thuốc thang cho mẹ. Đến tối hôm ấy, em tiếp thêm một khách nữa, bà chủ hứa sẽ cho em thêm 200 nghìn. Đang trong phòng chuẩn bị tiếp khách thứ ba thì các chú công an ập vào bắt… Tính ra em phải được 2,2 triệu… Số tiền ấy cũng tạm đủ để mẹ và em gái em mua được thuốc uống trong vòng hai tháng. Vậy mà, tiền chưa thấy đâu, còn em lại ngồi đây…!”.

Thương Ngân bảo: “Làng em, chưa bạn nào đi làm ăn xa tận Hà Nội như em. Người làng cũng chỉ nhắc nhở nhau đám con gái đi làm ăn xa dưới thành phố toàn làm nghề cave nên họ rất cảnh giác. Chỉ đến khi có người lên tận làng em tìm người chạy quán ăn, hứa lương cao thì em mới xin bố mẹ cho đi. Chuyến đi của em cũng là để thử nghiệm xem làm dưới thành phố có được nhiều tiền không, nếu được nhiều thì em sẽ liên lạc về nhà và giới thiệu cho các bạn khác xuống làm…”.


Những cô gái thôn quê như Thương Ngân, lớn lên với cây cỏ núi rừng, làm sao các em biết được những bẫy giăng chốn phồn hoa đô thị? Làm sao các em biết được xã hội này nhiều kẻ sống trên thân xác những em gái đồng trinh như các em. Kiếm tiền chưa bao giờ là chuyện dễ, ở thành phố, chuyện mưu sinh còn vất vả hơn thế. Những đồng tiền lương thiện đâu thể có ngay trong chốc lát. Có quá nhiều nữ đồng trinh bị Thương Ngân dụng làm gái bán hoa, cuộc sống xô đẩy đến những kết thúc không có hậu. Với Thương Ngân, thất bại ngay trong ngày đầu tiên vào nghề của em là một sự may mắn. May mắn cho em đã được giải thoát sớm, được đưa về với sự lương thiện và trinh trắng của cô thôn nữ Dao Tiền thuở nào.  

Em bảo: “Tháng 10 sang năm, em được ra khỏi trung tâm nhưng em sẽ xin ở lại, thời gian ở lại trung tâm có thể là 2 năm, 3 năm hoặc lâu hơn thế!”. Thương Ngân tự nguyện sống ở trung tâm để chăm sóc hơn 300 em nhỏ có H’. Đó là những mảnh đời kém may mắn, số phận không dành trọn vẹn nụ cười trẻ thơ cho các em. Chị Thương Ngân giúp các em một chút vui, chia sẻ với các em chút tiếng cười… Bởi, chỉ có tình người mới đến với tình người, chỉ có lòng yêu thương mới nối dài những nụ cười!.  

Nếu có dịp quay trở lại trung tâm, có lẽ tôi sẽ gặp một nữ cán bộ Thương Ngân rạng rỡ và yêu đời… Có thể lắm chứ!.

Theo VietNamNet

Bình luận
vtcnews.vn