Nửa đầu năm 2020, loạt siêu thị mini VinMart+ giúp Masan ‘hốt bạc’

Tài chínhThứ Năm, 30/07/2020 18:47:09 +07:00
(VTC News) -

Kết quả kinh doanh quý 2 và nửa đầu năm tài chính 2020 của Masan (HOSE: MSN) cho thấy hệ thống siêu thị mini VinMart+ thực sự là “gà đẻ trứng vàng”.

Theo Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, so với quý 2/2019, doanh thu quý 2/2020 của VinMart+ tăng 51,4%. Tăng trưởng SSSG (doanh số bán hàng trên cùng cửa hàng) theo doanh thu/m2 là 2,8%. SSSG tăng do giá trị hóa đơn trung bình tăng trưởng 9,5%, bù đắp cho lượng khách đến cửa hàng giảm 5,8% do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội trong tháng 4 và tháng 5. Masan dự kiến mô hình siêu thị sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2020.

Trong khi đó, doanh thu của hệ thống siêu thị VinMart giảm 14,9% trong quý 2/2020 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu vì các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail phải đóng cửa do giãn cách xã hội.

Kinh doanh thịt của Masan MEATLife cũng được coi là kênh “hốt bạc” của Masan Group. Doanh thu từ thịt của MML đạt 1.055 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 với đà tăng trưởng 32,7% trong quý 2/2020 so với quý 1.

Theo Masan, hiện nay, 40% lượng thịt của MML được thu mua từ các bên thứ ba đáp ứng yêu cầu chất lượng và theo giá thị trường, điều này khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng do giá heo hơi hiện nay đang ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, giá heo hơi sẽ quay trở lại mức bình thường trong 6-12 tháng tới khi tổng đàn heo đã tăng 30% vào tháng 4/2020 so với tháng 12/2019.

Nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Masan tăng 103,3% lên 35.404 tỷ đồng, so với mức 17.411 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2019.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty là 195 tỷ đồng vào quý 2/2020 và 117 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2020, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong dự toán tài chính năm 2020, đề xuất với cổ đông, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 75.000 đến 85.000 tỷ đồng (tăng trưởng 101% đến 128% so với năm 2019). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông giảm về chỉ còn từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch HĐQT Masan Group Nguyễn Đăng Quang: “Dù đã chuyển đổi thành công nhiều ngành hàng, hiện nay các sản phẩm của Masan mới chỉ phục vụ 1% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Masan đặt mục tiêu phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho ít nhất 50 triệu người tiêu dùng, đồng thời, tăng thị phần trong chi tiêu tiêu dùng lên mức 25%”.

Tuy nhiên, Masan cũng ghi nhận lĩnh vực kinh doanh không khả quan. Điển hình là Masan High-Tech Materials, trước đây là Masan Resources (mã giao dịch tại HNX-UPCoM: MSR) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp đóng cửa nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19.

Lê Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn