Nữ trang chủ đào đất đắp đồi làm giàu bên sông Hồng

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 06/11/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Không có quả đồi thì không cứu được vật nuôi trong mùa lũ, nên chị quyết tâm làm. Suốt mấy ngày Tết, chị và công nhân quần quật đào đất đắp đồi.

(VTC News) - Không có quả đồi thì không thể cứu được vật nuôi trong mùa lũ, nên chị quyết tâm làm. Suốt mấy ngày Tết, chị và công nhân quần quật đào đất đắp đồi.


Đứng giữa trang trại rộng mênh mông bên sông Hồng, chị Nguyễn Thị Hằng bồi hồi: “Chị cũng chỉ là người đàn bà chân yếu tay mềm như những người đàn bà khác thôi. Đôi lúc chị cũng không hiểu vì sao mình lại làm được nhiều việc “động trời” đến vậy. Nhớ lại ngày nhận mảnh đất này, quả thực thấy gai cả người”.

Chị Hằng dẫn tôi ra sát mép sông Hồng, chỉ tay về phía bãi lau lác. Bãi lau rộng mênh mông, mọc ken đặc. Loài lau được phù sa ngọt mịn của sông Hồng tưới hàng năm nên thân to và cao như cây trúc, lá nhọn và sắc cứa da thịt như dao lam. Toàn bộ khu đất mà chị Hằng lập trang trại là lau lác. Riêng việc chặt chém, cày xới, trốc tận gốc 8 héc-ta lau lác đã mất mấy tháng trời.

Trước đây, trang trại của chị Hằng đầy lau lác như thế này. 

Có mặt bằng rồi, chị Hằng tiến hành xây dựng chuồng trại. Việc dọn cỏ, đào ao, đắp bờ đã vất vả, song chẳng thấm gì so với việc xây dựng. Lý do là, cứ đặt viên gạch nào lên, chính quyền lại đòi… phá. Đất ở ngoài đê, nên đâu có thể muốn xây dựng gì cũng được. Tuy nhiên, nếu không có chuồng trại, thì nhốt gia súc, gia cầm ở đâu? Thôi thì đành phải phạm luật. Đêm xuống, khi dân cư ngoài đê ngủ, thì chị cùng công nhân hì hục đẩy xe cát, xe gạch ra trang trại xây dựng những cái chuồng tạm che nắng, che mưa cho gia súc, gia cầm. Ban ngày, chính quyền ra lập biên bản, chị chấp hành nộp phạt, đêm lại tiếp tục xây dựng.

Có mặt bằng, có chuồng trại, chị mua hàng ngàn con lợn giống, gà giống, ngan, vịt về thả. Cá được thả nhung nhúc xuống hồ nước rộng 2 héc-ta. Xưởng chế biến thức ăn tại chỗ cung cấp thức ăn, đàn gia cầm, gia súc được nuôi theo khoa học, nên lớn nhanh như thổi. Trang trại của người đàn bà Hà Nội này trở thành hình mẫu cho nông dân, lãnh đạo, chính quyền các nơi về tham quan, học tập làm giàu.

Việc xây dựng trang trại ở ngoài đê rất vất vả. 

Thế nhưng, mùa lũ đến, chỉ trong một đêm, toàn bộ trang trại đã bị nước nhấn chìm. Dòng nước đỏ quạnh phù sa, cuồn cuộn chảy, đã cuốn đi tất cả công sức, mồ hôi, nước mắt, tiền bạc của chị. Năm nào lũ cũng về, dìm trang trại của chị dưới dòng nước đỏ quạnh suốt 2 tháng liền.

Không chấp nhận thất bại, chị Hằng dồn tất cả tiền bạc dựng lại trang trại. Chị đắp một gò đất lớn như quả đồi nhỏ giữa trang trại của mình, rồi xây dựng trên đó một ngôi nhà cấp 4, gọi là “nhà lánh nạn”. Việc đắp quả đồi nhỏ này cũng rất tủi thân. Chị và anh em công nhân vừa đắp được cục đất đầu tiên, thì đã bị chính quyền lập biên bản vì tội “làm cản trở dòng chảy”. Xét về góc độ pháp luật thì việc đắp gò đất ngoài bãi sông của chị là sai, nhưng chị Hằng rầu lòng khi nhìn về phía xa, sát bờ sông, là hàng ngàn ngôi nhà cao tầng mọc san sát của hai xã Yên Mỹ và Duyên Hà. Cả trụ sở của các cơ quan chính quyền cũng ở ngoài đê.

Không có quả đồi thì không thể cứu được vật nuôi trong mùa lũ, nên chị quyết tâm làm. Suốt mấy ngày Tết, chị và công nhân quần quật đào đất đắp đồi. Sau Tết, chính quyền đến lập biên bản, chị vui vẻ nộp phạt.

Chị Hằng đã từ bỏ cuộc sống phố phường để đi... chăn ngựa. 

Bình thường, ngôi nhà trên ngọn đồi này là xưởng sản xuất thức ăn gia súc, nhưng vào mùa lũ, nó thành nơi trú ẩn của vật nuôi. Lũ lên, công nhân chỉ việc xua đàn gia súc, gia cầm lên đồi, chờ lũ rút lại đuổi chúng xuống.

Tưởng khắc phục được chuyện ngập lụt thì trang trại sẽ phát triển suôn sẻ, nhưng những đen đủi cứ mãi bám riết lấy nữ trang chủ này. Những trận dịch như đại họa đổ lên đầu chị, hết cúm gia cầm lại đến lở mồm long móng. Mặc dù đàn vật nuôi trong trang trại của chị Hằng không bao giờ bị dịch, vì chị tuân thủ nghiêm khắc quy trình phòng dịch, song cứ mỗi khi đất nước có đại dịch, người tiêu dùng lại tẩy chay, khiến giá gia súc, gia cầm rớt thảm hại.

Thức ăn chăn nuôi mỗi ngày một tăng cao, bệnh dịch mỗi ngày một nhiều, thị trường tiêu thụ lại phụ thuộc vào khách quan, không chủ động được, nên càng đầu tư nhiều, làm ăn lớn, thì càng lỗ nặng. Sau mấy năm vất vả với đàn lợn, đàn gà, chị Hằng đúc rút ra một bài học: không nuôi lợn, gà nữa.

Có được trang trại ngựa như hôm nay, chị Hằng đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt.

Chị Hằng chuyển hướng đầu tư chăn nuôi bò. Chị mua mấy trăm con bò sữa, bò lai Sind thả kín trang trại. Những năm 2004-2006, giống bò này rất có giá trị. Mỗi con bò chị nhập về với giá 15-20 triệu đồng. Tuy nhiên, lại một lần nữa chị Hằng thất bại. Những năm đó, giá sữa rớt thê thảm. Có nơi nông dân đổ sữa trắng cả mương vì không bán được. Người nông dân nuôi một vài con bò, còn nhúc nhắc qua ngày, chứ trang trại mấy trăm con của chị thì không cầm cự được lâu. Càng nuôi càng lỗ, chị Hằng quyết định bán tống bán tháo đàn bò cho các lò mổ làm thịt với giá 5-6 triệu đồng một con.

Vụ nuôi bò thất bại, đã làm mất toi ngôi nhà ở Nam Trung Yên của chị. Chị đã phải bán ngôi nhà rất đẹp ở đây để trả nợ, có vốn tiếp tục làm ăn.

Thất bại nối tiếp thất bại, song người đàn bà Hà thành này quyết không chịu đầu hàng. Sau khi tìm hiểu đủ các loài vật nuôi, từ loài trên rừng như lợn rừng, nhím, đến loài vật tận châu Phi xa xôi như đà điểu, chị đã đi đến quyết định nuôi dê. Những năm gần đây, dê là món ăn được yêu thích, nuôi rất dễ, bán có giá, nên làm là chắc ăn lãi.

Trong phút xuất thần, chị Hằng đã nghĩ đến con ngựa. 

Chị Hằng đầu tư cả ngàn con dê giống, thả kín cả trang trại. Đứng trên triền đê, phóng tầm mắt xuống đồng cỏ, nhìn đàn dê nhung nhúc, trông chả khác nào “rừng thú” trong mùa di cư ở châu Phi trong những bộ phim khám phá.

Thế nhưng, dù được chăm sóc kỹ lưỡng, song đàn dê ở trang trại lớn rất chậm. Sau này, chị Hằng mới hiểu, tập tính của loài dê là leo trèo đồi núi và bứt lá để ăn. Việc tống cỏ cho chúng ăn không thích hợp. Mùa lũ đến, đàn dê bị dồn lên đồi. Sống cảnh chen chúc, ẩm ướt, chúng lần lượt lăn ra chết. Dự án nuôi dê làm giàu của nữ trang chủ Nguyễn Thị Hằng tiếp tục thất bại thảm hại.

Hàng chục tỉ đồng đã đổ vào cái trang trại này, chẳng lẽ lại chịu thất bại? Nghĩ đến cảnh mồ hôi, công sức, tiền bạc bị cuốn cả xuống sông, chị Hằng rơi nước mắt. Nhiều lúc, chị cứ thơ thẩn trên đê như người mất hồn. Thế rồi, một buổi hoàng hôn, chị gặp cảnh tượng nên thơ: Một cậu thanh niên ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa.

Chị Hằng chợt nghĩ về con ngựa. Rằng, ngựa ăn cỏ và phế phẩm nông nghiệp, nên ít tốn kém. Ngựa là loài có sức khỏe tốt, hầu như không bị bệnh dịch. Giá trị con ngựa lại cao, cho cả thịt lẫn xương. Trang trại rộng mênh mông, cỏ ngập lút gối, xung quanh lại là cánh đồng bát ngát, cho rất nhiều cỏ và phế phẩm nông nghiệp… Ngay lúc ấy, trong đầu chị Hằng nảy ra ý tưởng rất táo bạo và khá hoang đường: nuôi ngựa.


Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương


 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn