Nữ tiếp viên hút vape liên tục trong 3 tuần, mắc bệnh thường thấy của trẻ sơ sinh

Sức khỏeThứ Hai, 21/05/2018 07:19:00 +07:00

Tìm đến khói thuốc để làm giảm căng thẳng trong công việc, tuy nhiên, khói thuốc lá không làm cho cô gái trẻ bớt đi áp lực, mà còn khiến cô mắc căn bệnh thường thấy ở trẻ sơ sinh: Hội chứng phổi ướt.

Theo báo cáo y khoa đăng tải trên Tạp chí y khoa Pediatrics, cô gái trẻ sử dụng vape giải tỏa căng thẳng năm nay mới 18 tuổi, hiện là nữ tiếp viên tại một một nhà hàng ở ngoại ô Pennsylvania, Mỹ.

Vì sử dụng thuốc lá điện tử, cô gái trẻ phải chịu một mức phí cao hơn cho điếu thuốc của mình. Báo cáo cho biết, cô tìm đến điếu thuốc nhằm giải tỏa căng thẳng trong công việc và áp lực cuộc sống. Tuy nhiên, dường như đây là một sự lựa chọn sai lầm.

150318101723-e-cigarette-marijuana-exlarge-169

Thuốc lá điện tử đe dọa tới sức khỏe của thanh thiếu niên tại Mỹ (Ảnh: CNN)

Trong 3 tuần liên tục sử dụng thuốc lá, cô bị ho không dứt, kèm theo đó là chứng khỏ thở nặng dần theo thời gian, và mỗi lần hít thở cô lại cảm thấy đau rát ở phần ngực, thở khó. Không có triệu chứng chảy nước mũi hay nghẹt mũi. Cô có tiền sử hen suyễn nhẹ nhưng hiếm khi phải sử dụng ống hít hỗ trợ.

Khi tới điều trị tại Trung tâm y khoa thuộc Trường đại học Pittsburgh, Mỹ, cô được chỉ định điều trị phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em của bệnh viện và bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Nhưng tình trạng của cô gái ngày càng xấu đi, buộc các bác sĩ phải sử dụng tới máy thở và máy hút dịch màng phổi để giữ cho cô gái được sống sót.

Tiến sĩ Daniel Weiner, một trong những bác sĩ điều trị cho cô gái, đồng tác giả của báo cáo này và là Giám đốc y khoa tại Bệnh viện Nhi Pittsburgh tại UPMC cho biết:

 “Cô ấy không thể thu đủ lượng oxy cần cho máu mà phải sử dụng máy thở. Đồng thời, cô ấy phải sử dụng tới các ống hút dịch màng phổi”.

Theo chẩn đoán của bác sĩ điều trị, cô gái trẻ mắc bệnh viêm phổi quá mẫn, hay còn gọi là hội chứng phổi ướt, thường thấy ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chứng bệnh này cũng xuất hiện ở người lớn khi phổi phải chịu đựng quá nhiều hóa chất độc hại hoặc bụi.

Nguyên nhân được cho là bởi cô gái sử dụng thuốc lá điện tử với tần suất lớn trong một thời gian ngắn.

e-cigarettes-1479059142981

 Tất cả các hóa chất có trong thuốc lá điện tử đều gây hại tới sức khỏe (Ảnh: CNN)

Theo TS Casey Sommerfeld, bác sĩ nhi khoa và là tác giả chính của nghiên cứu, các hóa chất trong thuốc lá điện tử làm tổn thương phổi, gây viêm, khiến cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch – khiến cho phổi bị viêm nặng hơn và các mạch máu bị “rò rỉ”.

“Thuốc lá điện tử làm nóng một loại dung dịch để biến nó thành dạng hơi cho người sử dụng hít vào sau đó nhả ra những làn khói dày. Chất lỏng này có hương liệu trái cây, propylene glycol, glycerin và cuối cùng là nicotin, - chất gây nghiện có trong những điếu thuốc lá thông thường.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, thuốc lá điện tử gây hậu quả xấu tới sức khỏe nhiều hơn cả thuốc lá thông thường. Trong khi nicotin và khói thuốc lá làm ảnh hưởng tới phổi, gây suy hô hấp, một số hóa chất hương vị thuốc lá điện tử giảm đáng kể chức năng của các tế bào miễn dịch.

Đồng thời, thuốc lá điện tử gây ra tác dụng phụ bao gồm chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tim đập, lo lắng và khó ngủ. Thanh thiếu niên nghiện nicotin sớm có thể sẽ phải phụ thuộc cả đời vào những điếu thuốc lá điện tử”.

Theo một báo cáo vào năm 2016, tại Mỹ, số lượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng tới 900%. Trong khi đó, Khảo sát về việc sử dụng thuốc lá ở thanh niên Mỹ năm 2016 cũng ghi nhận có tới 1,7 triệu học sinh trung học từng sử dụng thuốc lá điện tử 30 ngày trước đó.

Video: Chàng trai phát hoảng khi thuốc lá điện tử nổ tung trong túi

Thuốc lá điện tử được chứng minh gây hại lớn tới sức khỏe của thanh thiếu niên, và sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử khiến cho các nhà khoa học lo ngại về tương lai của thế hệ trẻ.

TS Sommerfeld chia sẻ, thuốc lá điện tử là mối nguy đối với trẻ em, và với tư cách là một bác sĩ nhi khoa, cô cho rằng những sản phẩm không có lợi tới sự phát triển của thanh thiếu niên như vậy cần phải được loại bỏ.

Chi Lê
Bình luận
vtcnews.vn