Nữ tiến sĩ Việt được thế giới vinh danh

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 06/04/2018 07:40:00 +07:00

TS Nguyễn Thị Hiệp vừa được vinh danh “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ - L’Oréal và Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao tặng ngày 21-3 tại Pháp bởi những đóng góp cho ngành y học tái tạo.

Gặp TS Nguyễn Thị Hiệp tại Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) sau ngày nhận giải thưởng, chị vẫn đang miệt mài với các nghiên cứu mới và hướng dẫn sinh viên. Nữ tiến sĩ 37 tuổi trải lòng về con đường “hoa hồng” mà không ít “mũi gai” mình từng vượt qua để trở thành một nhà khoa học nữ được thế giới biết đến.

Thấy tế bào... bò lên giường

Cô bé Hiệp sinh ra ở vùng quê nghèo phường Long Phước (quận 9). Tuổi thơ lớn lên cùng ruộng đồng, Hiệp chỉ thích coi chương trình khám phá Discovery về các loài vật, cây cỏ chứ không hề thích thú những bộ phim hoạt hình, giải trí như các bạn đồng trang lứa.

Lần đầu tiên được nhìn khói bốc ra từ thí nghiệm bỏ natri vào nước, Hiệp mắt tròn mắt dẹt và ước sau này làm nghề gì liên quan đến “mấy cái này”. Hiệp tìm hiểu và thi đậu vào khoa Hóa học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG).

Với niềm đam mê và tìm tòi có sẵn, Hiệp tốt nghiệp đại học với kết quả luận văn thuộc loại xuất sắc và nhờ đó được xét trao học bổng khi phỏng vấn với các giáo sư người Hàn Quốc. Khổ nỗi khi sang Hàn Quốc, học bổng chuyên ngành hóa không còn, Hiệp đành vào ngành y sinh.

tien-si-duoc-vinh-danh-1_hqqb

TS Nguyễn Thị Hiệp. Ảnh: LÊ TOÀN 

Mặc dù tự động viên là y sinh tương đối gần gũi với hóa nhưng Hiệp cũng gần như “vật lộn” hai năm đầu bởi sự mới mẻ của y sinh và sự khác biệt về ngôn ngữ. “Nhớ lần đầu tiên chứng kiến việc giết chuột để lấy mẫu làm thí nghiệm và kể cả các lần sau để lấy mẫu, tôi cứ khóc hoài vì thấy sợ và tội nghiệp cho con chuột bởi từ nhỏ tôi đã vốn sợ xác chết, không bao giờ lại gần đám ma.

Nhờ thầy hướng dẫn giải thích hy sinh cho khoa học là sự hy sinh không vô ích thì dần dần tôi mới cảm thấy hết sợ. Mỗi lần một con vật ra đi, tôi đều tự nhủ: “Ta sẽ dùng mày cho mục đích khoa học, số phận của mày là cống hiến cho khoa học, cứu nhiều bệnh nhân trong tương lai, mày không hề bị giết vô cớ””.

TS Hiệp nhớ lại: “Tối đi ngủ, tôi thấy tế bào di chuyển, bò lên giường. Nhiều đêm tôi tỉnh dậy trong sợ hãi”. Tuy nhiên, khi càng nghiên cứu chị lại càng mê. “Đúng là gian nan thử sức, khi quen rồi, mình làm việc không biết mệt mỏi.

Nhìn qua kính hiển vi thấy mỗi tế bào là mỗi đơn vị sống trong cơ thể, xây nên hình thù to lớn bên ngoài, tôi cảm thấy rất thú vị” - chị Hiệp kể niềm hạnh phúc khi cơ duyên bất ngờ cho chị và bộ môn kỹ thuật y sinh “hiểu” nhau hơn.

Khi kết thúc khóa học tiến sĩ, chị đã có 12 bài báo quốc tế và ba sáng chế có giá trị trong các hướng nghiên cứu khác nhau như băng gạc, mạch máu nhỏ thay động mạch bị nghẽn, xương nhân tạo (giúp người loãng xương, không may gặp tai nạn mất xương hoặc cần làm đẹp tăng chiều cao).

Từ bỏ thảm vàng săn đón

Gần kết thúc khóa học tiến sĩ, đại học phía Hàn Quốc ngỏ ý mời TS Hiệp ở lại nghiên cứu để vài ba năm sẽ trở thành phó giáo sư với mức thu nhập khởi điểm 3.000 USD và tạo điều kiện nhà cửa cho sinh sống ở đây.

Thế nhưng trong lòng chị luôn trăn trở rằng tuy đã nghiên cứu thành công các công trình mang tính ứng dụng thực tiễn cao nhưng tất cả sáng chế đều thuộc về nước bạn. Điều này đã thôi thúc chị trở về Việt Nam để thực hiện những nghiên cứu thiết thực cho quê nhà, đồng nghĩa với việc chị phải từ bỏ cơ hội làm việc đáng mơ ước.

tien-si-duoc-vinh-danh-2_zkxz

TS Nguyễn Thị Hiệp hướng dẫn các sinh viên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: LÊ TOÀN 

Khi kể lại điều này, TS Hiệp chia sẻ cũng không hẳn vào thời điểm đó chị mới có quyết định như vậy mà đằng sau đó còn có một câu chuyện gây ám ảnh. “Đó là lần tôi nhìn thấy người đàn ông ở xóm tôi bị máy xới đất xén ngang người.

Người ta chở anh đi bệnh viện cấp cứu, máu chảy ròng ròng mà bệnh viện lại ở rất xa. Sau đó, tôi nghe tin anh đã chết, có thể do mất máu. Khi lớn lên, hình ảnh này vẫn đeo đẳng trong tâm trí tôi. Sau này, ra trường tiếp xúc với ngành y sinh, thấy những ứng dụng tuyệt vời của nó, tôi càng muốn nghĩ ra những vật liệu có thể chữa lành những vết thương cho người dân quê tôi và mọi người ở nước mình” - TS bồi hồi.

Trở về bắt đầu với con số 0

“Người ta thường nói “bắt đầu từ con số 0” để nói đến việc chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa có gì. Trường hợp lúc tôi trở về thì đúng nghĩa là con số 0” - TS Hiệp nói.

Đó là thời điểm khó khăn khi chị vừa về nước bắt tay gầy dựng chuyên ngành y học tái tạo cùng GS Võ Văn Tới - Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh với phòng thí nghiệm “ba không” gồm không dự án, không máy móc, không tài trợ.

Thời gian đầu TS Hiệp chỉ được ký hợp đồng tạm thời với mức lương khiêm tốn. TS Hiệp làm việc với trang thiết bị là duy nhất chiếc bàn gỗ 2 m2 để… đứng làm thí nghiệm. “Thời gian xin tài trợ để mua máy móc, hóa chất, chạy đôn đáo mượn phòng thí nghiệm ở nơi khác khiến tôi mệt lả, có lẽ còn nhiều hơn thời gian tập trung chuyên môn” - TS Hiệp nhớ lại.

Video: Chân dung 5 nhà khoa học Việt lọt top ảnh hưởng nhất thế giới

Thiết bị đầu tiên trong phòng thí nghiệm của TS Hiệp được sắm là kính hiển vi điện tử do thầy trưởng bộ môn đi vay mượn gần 1 tỉ đồng để mua mà ba năm sau thầy trò mới trả xong cả vốn lẫn lời. Nhờ vào học bổng của sinh viên trong nhóm nghiên cứu khi nhận khoản hỗ trợ 30 triệu đồng từ chương trình “Tiếp sức những ước mơ” của báo Tuổi Trẻ, phòng thí nghiệm mua được một số thiết bị khuấy polyme sinh học thành dung dịch.

Chính trong sự thiếu thốn đó, những ý tưởng “rẻ tiền” nhất ra đời. Đó là công trình “ảnh hưởng cường độ vi sóng lên keo polyvinyl alcohol chitosan cho điều trị da” sử dụng chiếc lò vi sóng vốn do GS Tới tặng sinh viên kỹ thuật y sinh để hâm nóng cơm trưa. Công trình này đã mở ra nghiên cứu tạo ra màng da người từ polyme dưới tác động của vi sóng được công bố trên một tạp chí thuộc hệ thống ISI năm 2016. 

Nhìn phòng thí nghiệm với những trang thiết bị được đầu tư khang trang hiện giờ từ con số 0, TS Hiệp chỉ nói khiêm tốn: “Nhớ những ngày đầu, tôi tưởng tượng đang đứng trước một mảnh đất khô cằn không có nước và nghĩ phải làm sao để phủ xanh. Lúc đó tôi chỉ tự nhủ phải cố gắng và cố gắng thôi vì ở bên Hàn Quốc, bao nhiêu khó khăn tôi cũng từng vượt qua rồi”.

(Nguồn: plo.vn)
Bình luận
vtcnews.vn