Nữ thạc sĩ hóa sinh khẳng định giá trị cây thuốc Việt

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 31/12/2017 07:32:00 +07:00

Hoàn toàn làm chủ công nghệ bào chế thực phẩm chức năng nguồn gốc thảo dược dạng nano, Th.S Bá Thị Châm hiện thành công thương mại hóa và được thị trường ủng hộ tới 7 sản phẩm khoa học công nghệ.

Ths Bá Thị Châm sinh năm 1976, hiện đang công tác tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chị đã và đang tiếp tục tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, khẳng định và nâng tầm giá trị của cây thuốc Việt Nam.

IMG_9993 3

Th.S Bá Thị Châm và cộng sự của mình tại Diễn đàn Khởi nghiệp Khoa học Công nghệ và Kết nối đầu tư tháng 7/2017 (Ảnh: NVCC)

Tâm huyết với từng loại cây dược liệu

Gặp Th.S Bá Thị Châm khi chị vừa mới hoàn thành xong công việc chính của một ngày tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lúc này chị vẫn đang bận rộn với nhiều công trình nghiên cứu dù cho giờ làm đã hết từ lâu.

Ths Bá Thị Châm (SN 1976), hiện đang công tác tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Chị là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm nhiều đề tài như Nghiên cứu hóa học và hoạt tính thần kinh trung ương của thực vật Việt Nam tiềm năng làm thuốc chữa bệnh Alzheimer (Bộ Khoa học và Công nghệ), Nghiên cứu công nghệ chiết tách resveratrol từ nguồn thực vật Việt Nam (Bộ Công thương), Nghiên cứu chuyển hóa hợp chất Astilbin trong cây Thổ phục linh (Smilax glabra) thành Taxifolin bằng enzim Beta-glucosidase (Viện Hóa học)… Ths Châm cũng là tác giả, đồng tác giả của các bài báo đăng trên nhiều tạp chí ISI như Current Applied Physics, New York- Synlett…

Chị cho biết, sau giờ hành chính, chị sẽ trở ra ngoại thành, nơi chị có các xưởng chế biến dược liệu để tiếp tục khảo sát, nghiên cứu bào chế từng loại dược liệu.

“Từng loại thảo dược với phương pháp chiết xuất phù hợp mới thu được các hoạt chất chính để có hiệu quả tác dụng cao nhất, đồng thời có thể loại bỏ các tạp chất và độc tố cũng tồn tại trong thảo dược có hại cho cơ thể.

Đó là lý do tôi phải nghiên cứu chúng rất kỹ để tìm ra phương pháp tách chiết phù hợp.” – Th.S Bá Thị Châm cho hay.

IMG_7490 3

Th.S Bá Thị Châm nhận bằng khen trong ngày Phụ nũ sáng tạo năm 2017 (Ảnh: NVCC)

Chị kể, từ các quá trình trồng, thu hoạch nguyên liệu, thu gom cho tới khi chế biến, chị đều nắm rất chắc chắn quy trình sản xuất, đánh giá chất lượng thảo dược, sử dụng, và thậm chí chị còn tự mình thử nghiệm các sản phẩm mới khi chúng đã hoàn thành.

Đối với nguyên liệu, chị cho hay, chị chỉ sử dụng các nguyên liệu tươi từ vùng trồng dược liệu, hoặc thường mua thảo dược tươi của người dân thay vì mua sản phẩm được làm khô.

Không chỉ bởi chúng còn giữ nguyên được các hoạt chất có sẵn chưa bị biến đổi bởi tác động của việc sơ chế, mà chúng còn tạo ra nguồn thu, công việc làm cho những người nông dân Việt, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Khẳng định giá trị cây thuốc Việt

Với cách làm như vậy, chị cho biết đã chọn lọc, kích hoạt được dược tính cao nhất của cây thuốc, sản phẩm cũng đem lại hiệu quả rõ rệt chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

Cũng nhờ vào đó, sản phẩm của chị rất được người tiêu dùng ủng hộ, chứng minh được tác dụng quý vốn có của thảo dược Việt Nam.

“Vì những viên thực phẩm chức năng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên đã qua chiết xuất loại bỏ độc tố, vậy nên chúng thân thiện với cơ thể con người, có thể dùng với thời gian dài để hỗ trợ cho bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính.

Đối với những sản phẩm mới khi thử nghiệm trên người, tôi có tới 50 người tình nguyện thử nghiệm và cho kết quả rất tốt, từ đó tôi cũng có cơ sở để đưa ra những thông số phù hợp với sản phẩm” – Th.S Bá Thị Châm cho biết – “Sau khi sử dụng những viên thực phẩm chức năng mà tôi là người sáng chế, có nhiều người tiêu dùng đã tìm tới tận cơ quan để tìm gặp tác giả, hỏi mua và bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình đối với các sản phẩm.

Số lượng người mua trực tiếp từ tác giả đó lên tới con số hàng nghìn người mỗi tháng. Đối với tôi, đó là niềm vui lớn nhất, bởi những nghiên cứu, kết quả mình làm ra đã được thị trường chấp nhận tin dùng.” – Chị tâm sự.

IMG_7295

Th.S Bá Thị Châm tại cơ sở nghiên cứu chế tạo sản phẩm (Ảnh: NVCC)

Tính đến nay, Th.S Bá Thị Châm đã có gần 20 sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, trong đó có 7 sản phẩm đã và đang chuyển giao cho doanh nghiệp.

Th.S Bá Thị Châm cho biết, 7 sản phẩm đó đều thuộc dạng thực phẩm chức năng,  gồm có: Viên bổ thận nam, viên gout, viên tiểu đường, viên dạ dày - tá tràng, viên giảm béo, tinh mầm đậu nành, nanocurcumin.

Đặc biệt, hai sản phẩm tinh chất mầm đậu nành và viên tiểu đường (từ dây thìa canh, cam thảo đất, hoài sơn, tỏi đen được sản xuất bằng công nghệ lên men và bào chế dạng nano) của Th.S Bá Thị Châm đã được tặng bằng khen trong ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2017.

Xây dựng uy tín của cá nhân nhà khoa học

Được biết, các sản phẩm của Th.S Bá Thị Châm đã đi vào thương mại hóa từ năm 2014, bắt đầu từ sản phẩm nano cucumin.

Năm 2015, chị tiến tới nghiên cứu các sản phẩm về tỏi đen, được thị trường chấp nhận và hiện nay, sau 2 năm đi vào thương mại hóa, sản phẩm đã được khẳng định chất lượng và sản xuất không đủ sản lượng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Th.S Bá Thị Châm, trong việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng.

Tuy thế, chị cũng cho hay: “Việc tiếp cận giữa nhà khoa học và các nhà phân phối thật sự khó khăn. Người thương mại muốn sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh tốt, còn nhà khoa học thì luôn nghiên cứu các sản phẩm cao siêu nên sản phẩm ra thị trường thiếu tính cạnh tranh, hơn nữa nhà khoa học nghiên cứu chưa biết rõ thị trường cần gì.

Để nhà khoa học giao thoa với thị trường đó là điều khó, cần phải có sự nỗ lực từ chính các nhà khoa học, và cả sự hợp tác của các doanh nghiệp”.

Chị kể, để thương mại hóa và giới thiệu sản phẩm cho tốt, và cũng để tìm hiểu thị trường, chị đã tham gia một số chương trình hỗ trợ khởi nghiệp do Nhà nước tổ chức.

Những tọa đàm, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp là nơi mà các công ty và nhà khoa học tìm thấy được điểm chung kết nối với nhau, cung cấp cơ hội cho chị và các nhà khoa học đưa ra những nghiên cứu, công nghệ phù hợp để ứng dụng vào cuộc sống, phục vụ cộng đồng.

Th.S Bá Thị Châm cho biết, hiện nay, chị đã hợp tác với khoảng 7-8 doanh nghiệp, với tiêu chí làm ra các sản phẩm có chất lượng thực sự  từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước và kết hợp với các doanh nghiệp có tâm trong lĩnh vực kinh doanh, không giảm chất lượng sản phẩm để chạy theo lợi nhuận, và một công ty nhận chuyển giao nghiên cứu bào chế thảo dược ứng dụng công nghệ nano ở quy mô công nghiệp.

IMG_7269

Th.S Bá Thị Châm tại phòng làm việc riêng (Ảnh: NVCC)

Mặc dù đề cao vai trò của doanh nghiệp, song, Th.S Bá Thị Châm cũng cho hay, uy tín cá nhân của nhà khoa học cũng rất quan trọng trong việc thương mại hóa sản phẩm. Th.S Bá Thị Châm chia sẻ, để sản phẩm khoa học được biết đến và ủng hộ, nhà khoa học phải có uy tín cá nhân.

“Khi đã có được thương hiệu và uy tín, thì việc sản phẩm được nghiên cứu từ đề tài nào, công nghệ nào không còn được người tiêu dùng quá chú ý, để tâm nữa.

Họ sẽ căn cứ vào thương hiệu, vào tên của nhà khoa học mà tìm đến sử dụng thương hiệu đó và các sản phẩm tương tự. Đây cũng là cách để các nhà khoa học, và cả chính tôi tiếp tục được ủng hộ, hưởng ứng trong những hoạt động nghiên cứu khoa học, bào chế, cho ra đời những sản phẩm mới.” Chị tâm sự.

Chia sẻ, về các hoạt động khoa học trong thời gian tới, Th.S Bá Thị Châm cho biết, hiện nay chị vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, đó là viên hỗ trợ giảm béo chiết xuất từ lá sen, táo mèo, hoài sơn, hành đen lên men, có tác dụng giúp giảm mỡ trong cơ thể, giảm mỡ nội tạng, làm săn chắc cơ thể, và hỗ trợ giảm cân.

Đồng thời, chị cũng đã đầu tư nghiên cứu một vùng trồng dược liệu tại Hòa Bình, nhằm bảo tồn và nghiên cứu, phát hiện, khai thác sử dụng hiệu quả các loại cây thuốc quý của tỉnh này.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn