Nữ tài xế phóng xe ngược chiều trên cao tốc là 'tự sát' và 'ngộ sát' cho hàng loạt người

Thời sựThứ Hai, 05/03/2018 16:19:00 +07:00

Chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, hành vi lái xe ngược chiều trên cao tốc của nữ tài xế là hành vi "tự sát" và "ngộ sát", gây nguy hiểm cho hàng loạt người khác.

Liên quan đến vụ việc nữ tài xế lái xe đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 28/2, phóng viên VTC News có cuộc phỏng vấn các chuyên gia giao thông về sự việc.

* Thượng tá Lê Đức Đoàn, công dân ưu tú Thủ đô, nguyên chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội.

- Hành vi lái xe đi ngược chiều trên cao tốc của nữ tài xế ở Hà Nội đang bị dư luận lên án mạnh mẽ vì gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, có thể dẫn đến chết người hàng loạt. Ông đánh giá thế nào trước sự việc này?

Tôi đã đọc được thông tin trên báo chí và cũng biết được tình tiết vụ việc trên. Rõ ràng, hành vi lái xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc là vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ nguy hiểm cho cá nhân người điều khiển ô tô mà còn nguy hiểm cho nhiều người khác nữa.

Tôi cũng đọc trên mạng, rất nhiều người bày tỏ bức xúc trước hành vi này của nữ tài xế. Sự bức xúc đó cũng dễ hiểu thôi, vì đi ngược chiều trên đường cao tốc, là nơi những phương tiện giao thông đang di chuyển với tốc độ rất cao.

Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Nên đây có thể xem nguy hiểm như hành vi tự sát. Và ở chừng mực nào đó, nó có thể xem như là ngộ sát, vì gây nguy hiểm tính mạng cho nhiều người khác nữa. Nên dư luận bức xúc là đúng thôi.

Video: Ô tô chạy ngược chiều kiểu "tự sát" trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

- Hành vi gây nguy hiểm cho nhiều người nhưng mức xử phạt của cơ quan chức năng với người này chỉ là 7,5 triệu đồng. Nhiều người cho rằng như vậy là không thỏa đáng, cần phải tước bằng vĩnh viễn, thậm chí phải xử lý hình sự?

Cảnh sát giao thông không thể phạt nặng hơn vì “rào cản” trong quy định pháp luật.

Về vấn đề này cần phải giải thích rằng, cơ quan chức năng khi xử phạt thì đều phải căn cứ theo đúng quy định của pháp luật. Các điều khoản trong luật quy định như thế, thì buộc cảnh sát giao thông khi xử phạt cũng phải tuân thủ theo luật thôi, không thể làm khác được. Tôi cho rằng hành vi vi phạm này là rất đáng lên án.

Mức phạt thì như đã nói ở trên, phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Pháp luật quy định mức xử phạt thế nào thì cảnh sát giao thông cũng chỉ căn cứ vào đó mà thực thi thôi, không tăng mức phạt lên được. Nên mức phạt chưa cao, chưa đủ sức răn đe cũng là nguyên nhân khiến ý thức người tham gia giao thông chưa cao.

- Hành vi này đã diễn ra nhiều lần tại đường cao tốc ở Việt Nam, phải chăng điều này thể hiện sự yếu kém trong văn hóa giao thông và công tác đào tạo lái xe hiện nay?

Ở đây, chúng ta thấy rằng văn hóa giao thông của ta hiện nay có rất nhiều vấn đề để nói. Thực ra chúng ta đã nói nhiều rồi, phân tích nhiều, phê phán nhiều rồi nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Trước kia, khi tôi còn công tác, những trường hợp đi ngược chiều trên đường cấm, trên cầu, trên đường một chiều, trừ những trường hợp bất khả kháng như xe đưa người cấp cứu, xe làm nhiệm vụ, còn lại các hành vi đi xe ngược chiều chúng tôi đều xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

* TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia

- Ông có thể đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi đi ngược chiều trên cao tốc khác thế nào với hành vi đi ngược chiều ở các đường cấm khác?

Trước hết cần phải khẳng định, hành vi lái xe đi vào đường cấm, đi đường ngược chiều nói chung đều tính chất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.

Nhưng hành vi lái ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc thì mức độ nguy hiểm còn cao hơn rất nhiều, đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Không chỉ nguy hiểm cho cá nhân người điều khiển mà còn gây nguy hiểm cho nhiều người khác.

Từ đó có thể thấy, tính chất nguy hiểm giữa đi ngược chiều ở đường bình thường với đi ngược chiều trên đường cao tốc là khác nhau.

Khi lái xe đi ngược chiều trong các tuyến đường nội đô, tốc độ chạy xe nhìn chung chỉ khoảng 50 – 60km/giờ, ở chừng mực nào đó, khi có tình huống giao thông xảy ra, thì người ta vẫn có thể xử lý được các tình huống. Trường hợp nếu có xảy ra va chạm thì hậu quả va chạm có thể đỡ nghiêm trọng hơn.

Còn lái xe trên đường cao tốc thì tính chất khác hoàn toàn. Đường cao tốc quy định tốc độ rất cao, có thể là từ 80 – 100km/giờ. Vận tốc lớn như thế thì khi có tình huống giao thông xảy ra sẽ rất khó trong việc xử lý, thậm chí không thể xử lý được, dẫn đến tai nạn.

tai-xe-1 7

Nữ tài xế phóng ô tô ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 28/2. (Ảnh cắt từ clip)

Trong vụ việc trên, nữ tài xế khi đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có thể đi chậm, với vận tốc khoảng 30km/giờ và có nháy đèn báo hiệu. Tuy nhiên, trên đường cao tốc thì động tác này cũng không có ý nghĩa gì nhiều mà vẫn có thể xảy ra tai nạn.

Trên đường cao tốc thì các phương tiện đều đi với tốc độ cao, mà từ xa người ta không thể nhận biết được cụ thể là xe trước mặt đang đi ngược chiều. Người ta sẽ nghĩ xe ô tô trước mặt là chạy cùng dòng xe nên người ta không chú ý đến hạn chế tốc độ, cho nên rất dễ xảy ra va chạm.

 
Tôi băn khoăn không biết khi điều khiển xe như thế cô này có uống rượu bia, dùng chất kích thích hay bị vấn đề về thần kinh hay không.

TS Khương Kim Tạo

Khi đi trên đường cao tốc, một ô tô chết máy dừng ở lề đường thôi đã là rất nguy hiểm rồi chứ chưa nói đến chuyện chạy ngược chiều.

Tôi băn khoăn không biết khi điều khiển xe như thế cô này có uống rượu bia, dùng chất kích thích hay bị vấn đề về thần kinh hay không. Nên đưa cô ấy đi giám định.

Cũng cần phải kiểm tra, xem xét lại cơ sở nào đã cấp bằng lái xe cho cô này, xem cô ấy có học và thi thật hay không, hay cô ấy mua bằng lái.

- Dư luận bức xúc cho rằng, cần phải truy tố người này tội giết người mới đủ sức răn đe, quan điểm của ông thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng với hành vi lái xe đi ngược chiều trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của nữ tài xế mà mức xử phạt chỉ là phạt hành chính 7,5 triệu đồng và tạm tước giấy phép lái xe 2 tháng là mức nhẹ, chưa đủ sức răn đe, theo tôi cũng là hợp lý.

Đúng ra mà nói, quy định pháp luật của chúng ta hiện nay về xử phạt vi phạm giao thông, nhiều khi vẫn còn rất chung chung. Vì quy định chung chung nên nhiều vụ việc có tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng nhưng mức xử phạt lại không thỏa đáng, không có sức răn đe.

Trong vụ việc trên, rõ ràng là cùng hành vi lái xe đi ngược chiều trên đường, song hành vi lái xe ngược chiều trên cao tốc sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với hành vi lái xe đi ngược chiều trên các tuyến đường nói chung.

- Từ vụ việc này, cơ quan chức năng cần có bện pháp gì để ngăn chặn những hành vi tương tự tiếp diễn, thưa ông?

Quan điểm của cá nhân tôi là từ vụ việc này, nếu có điều kiện thì cơ quan chức năng nên sửa quy định về mức phạt giao thông.

Cụ thể là cần có quy định xử phạt mới đối với hành vi lái xe ngược chiều trên đường cao tốc, vì hành vi này nguy hiểm hơn rất nhiều so với các tuyến đường khác.

Ngoài việc tăng cao mức xử phạt hành chính lên gấp nhiều lần, thì hình thức xử lý tước giấy phép lái xe cũng phải tăng lên.

Không chỉ được tước giấy phép lái xe hai tháng nữa mà nếu lái xe chạy ngược chiều trên đường cao tốc thì phải tước giấy phép lái xe nhiều năm.

Thậm chí, phải tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Sau đó, nếu người vi phạm có nhu cầu thì phải đi học lại và thi lại để lấy giấy phép lái xe mới.

Ở nhiều nước trên thế giới, hành vi vi phạm luật giao thông nói chung, đặc biệt là những hành vi có tính chất nguy hiểm như lái xe ngược chiều trên cao tốc, họ đều xử phạt rất nặng.

Nhiều trường hợp, ngoài xử phạt hành chính, họ đều tước giấy phép lái xe vĩnh viễn của người điều khiển phương tiện.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn