Nữ sinh xinh xắn ở nơi nuôi những số phận khổ đau

Sức khỏeThứ Ba, 15/10/2013 06:41:00 +07:00

(VTC News) – Nguyễn Thị Thúy có khuôn mặt khá đẹp nhưng số phận em không may mắn, vài năm nay em phải xa nhà vào Trung tâm bảo trợ xã hội 3, Hà Nội sống.

(VTC News) – Nguyễn Thị Thúy có khuôn mặt khá đẹp nhưng số phận em không may mắn, vài năm nay em phải xa nhà vào Trung tâm bảo trợ xã hội 3, Hà Nội sống.


Vào những ngày Thu, thời tiết lúc nóng lúc lại se se lạnh. Lòng người cũng vậy, vừa thấy buồn bã, chợt lại thấy vui. Cái cảm xúc ấy càng lúc càng rõ khi đến Trung tâm bảo trợ xã hộ 3, Hà Nội.

nữ sinh
Ánh mắt Thúy thông minh, nụ cười nhẹ nhưng vẫn buồn bã lắm.  (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Ở đây, khuôn viên rộng rãi cây xanh, thoáng mát tưởng như lòng người được thanh tịnh nhưng khi  gặp mỗi số phận lại thấy ngân ngấn nước mắt trực trào.

Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Hoàng Anh Đức, giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 3, Hà Nội chia sẻ: Đã vào trung tâm này thì toàn là những người già, trẻ em có hoàn cảnh éo le. Mồ côi cả bố và mẹ hay mồ côi bố hoặc mẹ. Có đứa thì bố mẹ ly hôn, có đứa bị bố mẹ bỏ rơi…

Ở trung tâm, bọn trẻ được đi học cùng với trẻ con ở địa phương, được  Nhà nước trợ cấp hàng tháng. Tổng cộng chi phí cho mỗi trẻ là 800 ngàn đồng/tháng. Nhưng chi phí này vẫn rất eo hẹp cho sinh hoạt. Vì vậy, Trung tâm phải kêu gọi những tấm lòng hảo tâm ủng hộ giúp đỡ thêm.

Trong đám trẻ được mời ra sân hôm chúng tôi đến thăm, có đứa đã lớn phổng phao thiếu nữ, có đứa con trai dáng dấp bẻ gãy sừng trâu. Còn những đứa thì đỏ hon hon vẫn phải bế bồng đang ở trong mỗi căn phòng nhỏ chờ quà.

Mỗi đứa, mỗi tâm trạng, mỗi khuôn mặt nhưng chúng đều có một đặc điểm chung là có hoàn cảnh vô cùng éo le.

Nguyễn Thị Thúy là một trong những đứa trẻ như vậy.

Thúy có đôi mắt to, bờ my cong vút. Ánh mắt Thúy thông minh, nụ cười nhẹ nhưng vẫn buồn bã lắm. Hôm nay, được Trung tâm thông báo có đoàn đến thăm và tặng quà, Thúy cùng các bạn tụ tập ở sân.

Khi được tôi hỏi chuyện, Thúy cười rất khẽ, em kể: Quê em ở Chương Mỹ, Hà Nội. Năm nay em đã 14 tuổi, nhưng từ lúc học lớp 5, em đã vào trường nội trú Nguyễn Viết Xuân Hà Nội. Ngôi trường này có nhiệm vụ nuôi và dạy văn hoá cho trẻ em  là con thương binh, liệt sỹ, mồ côi của thành phố Hà Nội.

Và mới đây gần 1 năm, Thúy mới chuyển đến Trung tâm bảo trợ xã hội 3, Hà Nội.

Trước đó, khi em đang học lớp 2 thì bố em mất vì ung thư gan. Gia cảnh khó khăn khôn cùng khi gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè nặng lên đôi vai của mẹ em lúc đó mới 40 tuổi.

Nhà em còn có 2 em nữa, mẹ chỉ làm ruộng nên không cáng đáng nổi việc nuôi 3 con nhỏ ăn học. Thế là, người mẹ ấy dứt áo để đứa lớn xa nhà vào sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội.

Ở đây, Thúy được Nhà nước nuôi và cho ăn học cùng chúng bạn. Nhưng nỗi nhớ mẹ, nhớ em cứ đăm đắm trong lòng. Mắt Thúy lại rưng rưng. Gặp Thúy, tôi lại nhớ đến 1 cô bạn ngày xưa. Bố mẹ ly hôn, bà mẹ ấy phải nuôi 2 cô con gái. Gánh nặng cơm áo khiến suýt nữa, bạn tôi đã phải xa mẹ, xa em gái để vào trung tâm bảo trợ xã hội sống. Nhưng may mắn, mẹ bạn tôi đã thay đổi quyết định, để 3 mẹ con rau cháo nuôi nhau nhưng 3 mẹ con được ở cạnh nhau.

trung tâm bảo trợ xã hội
Cháu Hồ Thanh Trì không biết bố mẹ, gia đình ở đâu. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Giờ, bạn tôi đã trưởng thành, được học hành đàng hoàng trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.


Không chỉ Thúy, mà những cô bé đáng yêu, xinh xắn khác như Nguyễn Sơn Ca sinh năm 2000, đang học lớp 8 quê ở Chương Mỹ cũng có hoàn cảnh đáng thương.

Bố bỏ đi từ khi Sơn Ca 1 tuổi, mẹ về sống cùng nhà với bà ngoại và cậu. Vì hoàn cảnh, nên cậu bảo mẹ Sơn Ca cho cháu vào Trung tâm bảo trợ để cháu có cuộc sống tốt hơn. Mỗi khi nhớ nhà Sơn Ca chỉ biết khóc.

 

Vào trung tâm này  toàn những người già, trẻ em có hoàn cảnh éo le.

Các cháu mồ côi cả bố và mẹ hay mồ côi bố hoặc mẹ. Có đứa thì bố mẹ ly hôn, có đứa bị bố mẹ bỏ rơi…

Ông Hoàng Anh Đức
 
Trong khi đang chuyện trò, một cô bé nhanh nhẹn chạy ra tự kể câu chuyện của mình. Mở đầu câu chuyện, cháu bảo rằng muốn học và cháu đang ôn để thi khối B. Cháu muốn làm bác sỹ.


Ước mơ của cháu thật lớn lao, nhưng con đường đi đến ước mơ ấy còn rất gian nan. Nhất là trong hoàn cảnh của cháu. Cháu tên Đỗ Thị Thu Hường ở Sơn Tây.

Năm 10 tuổi, tai nạn ập xuống gia đình Hường. Bố mất vì ung thư, mẹ mất vì tai nạn. Nhà có 3 chị em đang tuổi ăn tuổi lớn bỗng không còn chỗ bấu víu. Cháu phải chuyển vào Trung tâm sống.

Còn cháu trai Hồ Thanh Trì, lại có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Cháu không được nhanh nhẹn, thông minh như những đứa trẻ khác.

Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 3, ông Hoàng Anh Đức kể: Trì được đưa vào Trung tâm là do có người thấy Trì lang thang ở bên Thanh Trì, nên gọi điện thoại đến đường dây nóng của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội. Sau đó, Trì được đón về đây nuôi dưỡng.


Trì được cho đi học, nhưng Trì không theo nổi bạn bè, trí tuệ em phát triển không bình thường… Tôi bảo Trì đọc chữ, Trì lẩm bẩm đánh vần và đọc nhưng hỏi Trì rằng, có nhớ bố mẹ không? Trì chỉ lắc đầu không biết.

Rồi tương lai cháu sẽ ra sao đây, khi mà cháu không học được.  Gia cảnh thì đặc biệt vì cháu không biết đâu là nhà, đâu là người thân. Trong khi đó, Trung tâm bảo trợ xã hội chỉ nuôi cháu đến năm 18 tuổi rồi khi lớn, cháu sẽ phải tự bươn chải cuộc sống.

Ở Trung tâm này, dù được nhà nước hỗ trợ nhưng cuộc sống của các cháu bé, người già neo đơn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Anh Đức, giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 3, Hà Nội chia sẻ: Trung tâm vẫn phải kêu gọi những tấm lòng từ thiện giúp đỡ để các cụ, các cháu có cuộc sống tốt hơn. Rất nhiều nhà hảo tâm đã tặng quà, tặng tiền cho các cháu vào các dịp lễ, Tết. Chính nhờ những tấm lòng hảo tâm đó mà chúng tôi có điều kiện cải thiện cuộc sống cho những số phận khốn cùng nơi đây.





Nguyễn Tâm


Bình luận
vtcnews.vn