Nữ sinh vụ đánh bạn bị đuổi học "treo", giám sát 1 năm

Thời sựThứ Tư, 17/03/2010 01:20:00 +07:00

(VTC News) – Hai học sinh Diệp, Huyền chịu hình thức kỉ luật cao nhất trong vụ việc này. Cả hai học sinh này đều nhận hạnh kiểm yếu và hình phạt là đuổi học.

(VTC News) – Hai học sinh Diệp, Huyền chịu hình thức kỉ luật cao nhất trong vụ việc này. Cả hai học sinh này đều nhận hạnh kiểm yếu và hình phạt là đuổi học "treo", ông Nguyễn Thanh Sơn (Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông) cho biết sau cuộc họp kéo dài từ 8h - 11h (17/3), với đầy đủ các thành phần liên quan.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng trường Trần Nhân Tông trả lời báo chí về vấn đề xử phạt các nữ sinh của trường tham gia trong clip đánh nhau.

Sáng nay (17/3), sau khi có kết luận chính thức từ Công an Hà Nội về việc các nữ sinh của trường có liên quan đến clip đánh nhau, phát tán trên mạng gây bức xúc dư luận những ngày qua, lãnh đạo trường PTTH Trần Nhân Tông đã tiến hành họp lãnh đạo và đưa ra mức xử phạt cụ thể.

Sau cuộc họp kéo dài từ 8h - 11h (17/3), với đầy đủ các thành phần liên quan, ông Nguyễn Thanh Sơn (Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông) cho biết đã có hình thức kỉ luật cụ thể đối với từng học sinh tham gia vụ việc này với các mức độ khác nhau nhưng đảm bảo đúng người đúng tội.

Hai học sinh Vũ Ngọc Diệp và Chu Minh Huyền chịu hình thức kỉ luật cao nhất trong vụ việc này. Theo ông Sơn, "hai học sinh này nhận hạnh kiểm yếu và hình phạt là đuổi học. Tuy nhiên thời gian thử thách là trong một năm học. Trong một năm học này, nhà trường đã yêu cầu GVCN, cán bộ lớp tiến hành theo dõi, giáo dục, giúp đỡ các em để các em tiến bộ. Bên cạnh đó, hàng tuần các em này sẽ phải viết tường trình xem đã có những ưu và khuyết điểm gì trong tuần và phải có xác nhận của gia đình. Như vậy không phải đuổi học hoàn toàn mà giúp các em có cơ hội để sửa chữa những lỗi lầm của mình". Ông Sơn cho biết.

Đối với hai học sinh: Nguyễn Quỳnh Anh là người bị đánh, nhưng có lỗi là khi có mâu thuẫn với bạn mà không báo cáo với nhà trường mà lại tự ý bỏ học đi theo các bạn để tự giải quyết. Còn Ôn Minh Huyền là người chứng kiến sự việc đánh nhau của các bạn từ đầu đến cuối mà không báo cáo. Các em sẽ bị cảnh cáo trước toàn trường, bị nhận hạnh kiểm yếu trong năm học này. Và hai em cũng có thời gian thử thách là 1 năm. Trong năm học này, nếu các em tiến bộ và về địa phương sinh hoạt tốt thì nhà trường sẽ cân nhắc nâng mức hạnh kiểm cho hai em.

Các học sinh Ngô Mạnh Hùng, Trịnh Minh Tú (hai học sinh có mặt tại hiện trường) và Đặng Quang Tùng (là người đã lan truyền clip trên mạng) cũng bị khiển trách trước hội đồng kỉ luật của nhà trường và bị hạ một bậc hạnh kiểm. Tuy nhiên các em này cũng được cho thời gian thử thách trong một năm học và được GVCN, cán bộ lớp theo dõi chặt chẽ và báo cáo thường xuyên với lãnh đạo nhà trường.

Đánh giá về hình thức kỉ luật này, ông Sơn cho biết: "Kết luận hình thức kỉ luật mà chúng tôi đưa ra là tương đối phù hợp, đúng người, đúng tội và có tác dụng răn đe, cảnh cáo những trường hợp khác. Sau khi đưa ra hình thức kỉ luật này, chúng tôi đã xin kiến của các phụ huynh liên quan, đồng chí chi hội trưởng hội phụ huynh của nhà trường thì đều được mọi người tán thành. Đồng chí hội trưởng chi hội phụ huynh cũng đã xin liên lạc của từng gia đình và hứa sẽ cùng các gia đình và nhà trường giúp đỡ các em học sinh tiến bộ ".

Đặc biệt, trong buổi họp xét kỉ luật, mẹ của Vũ Ngọc Diệp và Nguyễn Quỳnh Anh đều khóc. Hai gia đình đều đã nhận ra được trách nhiệm của mình sau vụ việc này. Gia đình của  Vũ Ngọc Diệp đã có đơn xin nhà trường cho Diệp được tiếp tục đi học.
 
"Mẹ của Nguyễn Quỳnh Anh đã đứng lên để xin giảm mức độ kỉ luật cho Vũ Ngọc Diệp và các cháu khác tham gia vào vụ việc. Sau vụ việc này, gia đình Quỳnh Anh mong muốn phụ huynh hai gia đình sẽ trở thành những người bạn và hai cháu Quỳnh Anh và Vũ Ngọc Diệp sẽ trở thành những người bạn thân thiết của nhau. Hai gia đình đều xin hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, giáo dục con em được tốt hơn". Ông Sơn cho biết.

Trước sự việc đã gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, ông Sơn cũng khẳng định thêm, trong thời gian tới nhà trường sẽ phối hợp với Đoàn Thanh Niên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích hơn nữa để qua đó giáo dục cho các em lối sống lành mạnh, có văn hoá. Qua vụ việc, lãnh đạo nhà trường cũng sẽ phối chặt chẽ với các bậc phụ huynh để quản lý học sinh được tốt hơn.

 Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông cho biết: "Kết luận hình thức kỉ luật mà chúng tôi đưa ra là tương đối phù hợp, đúng người, đúng tội và có tác dụng răn đe, cảnh cáo những trường hợp khác.

Trước đó (ngày 16/3), trường THPT Trần Nhân Tông đã tiến hành họp lãnh đạo, chủ nhiệm lớp 10A13, xem xét lại toàn bộ quá trình học tập, tác phong học sinh của hai nhân vật chính trong vụ nữ sinh đánh nhau - em Quỳnh Anh và Ngọc Diệp, kể từ khi theo học tại trường THPT Trần Nhân Tông. Qua đó, xem xét từng ưu - khuyết điểm của hai em từ việc nghỉ học bao nhiêu buổi, tham gia những hoạt động gì… để đưa ra mức kỷ luật hợp lý.


Nói về mức kỷ luật này, ông Sơn bộc bạch: “Tôi là người có trên 40 năm công tác trong ngành giáo dục. Đuổi học sinh là một sự thất bại của nhà trường. Chúng ta cần phải có các biện pháp giáo dục nghiêm, nhưng làm sao để các em nhận ra được lỗi lầm, có cơ hội làm lại mới là điều cần cân nhắc. Mục đích giáo dục cần hướng đến những điều như vậy”.

Trong cuộc trao đổi với PV VTC News ngày 16/3, đề cập đến hình thức kỷ luật các nữ sinh trường Trần Nhân Tông có tham gia trong clip đánh nhau, ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Nghịch ngợm tuổi học trò là không thể tránh được nhưng như trường hợp vừa rồi thì khó có thể tha thứ, vì thế phải nhận ra sự khác biệt để đưa ra sự cảnh báo cho xã hội.

Về phía ngành Giáo dục Hà Nội, qua sự việc này, có mấy việc lớn mà chúng tôi phải làm. Thứ nhất, nâng cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống và tinh thần trách nhiệm của nhà trường, nhà giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Đẩy mạnh hoạt động, gắn bó hơn đời sống tập thể của tổ chức trong nhà trường như đoàn thanh niên, tổ, lớp...

Thứ hai, cần tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình. Tôi nhấn mạnh rằng, nhà trường chỉ là một lực lượng giáo dục thôi, không thể kỳ vọng vào mỗi nhà trường được. Thực tế, tác động lên giới trẻ có tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Chỉ một phía nhà trường, mang màu sắc lý thuyết, thì kết quả sẽ không như mong muốn".

Phạm Thịnh

Theo bạn mức kỉ luật trên đối với các học sinh liên quan đến vụ hành hung nhau gây phẫn nộ dư luận thời gian qua đã hợp lý chưa? Hãy gửi chia sẻ với chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết? Gõ Tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!
Bình luận
vtcnews.vn