Nữ sinh tự tử: khủng hoảng tâm lý tuổi teen

Giáo dụcThứ Hai, 05/03/2012 01:13:00 +07:00

(VTC News) – Cô giáo mắng, tự tử. Bị bạn nghi ngờ lấy đồ, tự tử… Tại sao giới trẻ lại dễ dàng lấy cái chết để giải quyết những rắc rối nhỏ trong cuộc sống?

(VTC News) – Cô giáo mắng, tự tử. Bị bạn nghi ngờ lấy đồ, tự tử… Tại sao giới trẻ lại dễ dàng lấy cái chết để giải quyết những rắc rối nhỏ trong cuộc sống?

Dư luận gần đây xôn xao chuyện một nữ sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) thắt cổ tự tử tại ký túc xá. Trước đó không lâu là vụ một nữ sinh ở Thái Bình tự tử ngay trong giờ học. Đó là những cái chết đem lại cho người thân và bạn bè sự tiếc nuối và trách cho quyết định sai lầm của nữ sinh.

Vậy, do đâu mà các em lại dễ dàng tìm đến cái chết chỉ vì những rắc rối nhỏ? Hãy nghe các nhà tâm lý lý giải về hiện tượng này.

Ra quyết định theo cảm tính: 90% là sai lầm

Căn phòng 303 ký túc xá của trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nơi xảy ra vụ tự tử của 1 nữ sinh vừa qua 

Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn): “Suy nghĩ của lứa tuổi vị thành niên bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn tiếp thu thông tin đa dạng, đa chiều, đa sắc màu, vô cùng phong phú từ Internet, phim ảnh, báo chí… tạo cho giới trẻ hình thành chủ nghĩa anh hùng cá nhân, muốn thể hiện mình.

Cộng với tâm lý của lứa tuổi vị thành niên đang thay đổi, dễ có những quyết định bồng bột. Vì thế, khi gặp phải những vấn đề bức xúc, các cháu đã vận dụng ngay những thông tin mà mình tiếp thu được, làm những việc tiêu cực song coi đó là việc làm anh hùng, thể hiện cho mọi người biết.

Bên cạnh đó các cháu đang ở tuổi vị thành niên, muốn thể hiện mình hơn người khác, hơn bạn bè, thể hiện cho mọi người biết là mình chẳng kém ai. Khi nhận được những luồng thông tin (như trách mắng của cha mẹ, thầy cô hay gặp chuyện buồn trong học tập, cuộc sống, tình yêu) thì không biết cách chọn thông tin, xử lý thông tin trước khi ra quyết định mà thường ra quyết định ngay theo cảm tính. Do đó dẫn tới 90% là những quyết định sai lầm”.

Còn nhà Nghiên cứu Xã hội học Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) lý giải về những tai nạn đáng tiếc vừa rồi theo hướng khủng hoảng tâm lý của tuổi vị thành niên: “Theo Tâm lý học về các lứa tuổi thì trong giai đoạn vị thành niên có không ít người trải qua khủng hoảng. Đây là giai đoạn giao thời giữa trẻ con và người lớn, tâm hồn của các em thường mong manh, dễ bị tổn thương.

Khi bị phê bình hoặc khi nghĩ là mình bị đối xử không công bằng các em dễ bị suy sụp và có thể dẫn đến tự ti, mặc cảm, thậm chí trầm cảm. Bạn nữ sinh ở Thái Bình có lẽ đã cảm thấy bị đối xử bất công và không tìm thấy sự chia sẻ, hỗ trợ của bất kỳ ai nên em muốn làm một điều gì đó để giải tỏa và chứng minh bản thân mình”

Cũng có bạn có ý định tìm đến cái chết nhưng không hề hiểu gì về nó, không hiểu về giá trị cuộc sống. Đôi khi chỉ vì căm thù một người bạn cùng lớp nên phải chết để làm con ma oan khuất trả thù bạn mình tới cùng, thích chết để báo thù.

Đâu là thần tượng điển hình để giáo dục tâm lý trẻ?

Nếu như những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giới trẻ có chị Võ Thị Sáu, anh Phan Đình Giót làm thần tượng thì với nhiều bạn trẻ ngày nay, thần tượng lại là cô ca sĩ A, anh diễn viên B…

Theo Nhà Tâm lý học Lê Thị Túy: “Việc giáo dục tâm lý trẻ vị thành niên rất khó và tế nhị, người lớn ít có thời gian để giáo dục, chia sẻ với các em như những người bạn. Vì vậy việc trẻ ảnh hưởng bởi một thần tượng nào đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng cũng rất đáng tiếc rằng hiện nay thần tượng để các em theo học không có một chuẩn nào xác định.

Các bạn thấy diễn viên A xinh đẹp, tài năng thì hâm mộ và có xu hướng bắt chước kiểu ăn mặc và thậm chí là cách sống của cô ta nhưng khi cô ta bị scandal thì lập tức các bạn sẽ bị sụp đổ hình tượng, từ đó sinh ra chán nản, mất lòng tin…”

Theo các nhà tâm lý, việc đưa các phòng tư vấn tâm lý học đường vào trong các trường trung học phổ thông như hiện nay cũng là một trong những biện pháp tích cực. Tuy nhiên để mô hình này hoạt động thực sự hiệu quả và trở thành người bạn tin cậy để các em có thể thoải mái chia sẻ những tâm tư, tình cảm lại là một việc mang tầm chiến lược.

Theo Nhà Nghiên cứu Tâm lý Nguyễn An Chất: “Muốn mô hình này hoạt động hiệu quả thì mỗi trường phải thay đổi cách tiếp cận với các em, phải khảo sát được tâm tư nguyện vọng của các em bằng những phiếu khảo sát không ghi họ tên, lớp học, qua đó thấy được vấn đề tâm lý, những khúc mắc cần giải quyết ở các em là gì”.

Hi vọng trong tương lai gần, những phòng tư vấn tâm lý cho học sinh- những công dân tương lai sẽ được đưa vào tất cả các trường trung học từ cơ sở tới phổ thông, để các em có thể coi đó như một người bạn tâm sự góp phần phát triển nhân cách sau này.

Ngọc Uyên

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn