Nữ sinh liên tiếp bị đánh hội đồng: Báo động sự vô cảm đến rợn người

Thời sựThứ Bảy, 08/10/2016 10:27:00 +07:00

Thấy nạn nhân bị đánh dã man nhưng những người có mặt không những không can ngăn còn hò reo, cổ vũ, quay phim, chụp ảnh tung lên mạng xã hội.

Thấy đánh nhau chỉ đứng xem và quay clip

Ngày 4/10, xảy ra vụ nữ sinh bị đánh hội đồng dã man tại xã Thụy Dương (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Trong clip được phát tán trên mạng internet, một nữ sinh liên tục bị 4 thiếu nữ túm tóc giật, dùng tay tát mạnh vào mặt, vào đầu, dùng chân và đầu gối đá, đạp liên tiếp vào mặt khiến nạn nhân chỉ biết nằm ôm mặt chịu trận trên đường.

Nhóm nữ sinh còn dùng những lời lẽ tục tĩu và bắt nữ sinh này quỳ xuống xin lỗi. Một thiếu nữ rút điện thoại của nữ sinh và đập xuống đường, bẻ sim điện thoại. Điều đáng nói, khi xảy ra vụ việc có rất nhiều thanh niên khác đứng xem, nhưng không có ai can ngăn, hòa giải.

Chỉ khi đó có người dân đi qua, nhóm thiếu nữ mới dừng lại không tiếp tục hành hung nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi người dân đi qua, nhóm thiếu nữ tiếp tục đánh đập nữ sinh trên đường làng.

Sau 2 lần ‘chịu trận’ liên tiếp, nữ sinh bị tổn thương, bầm tím vùng mặt. Nạn nhân được xác định là Tống Thị M.L (SN 1999, xã Thụy Hưng, huyên Thái Thụy).

Video: Nữ sinh bị dánh hội đồng ở Thái Bình

Cũng tối 4/10, trên facebook xuất hiện hai đoạn clip được cho là một nhóm nữ sinh THCS đánh hội đồng hai nữ sinh khác. Đoạn clip dài gần hai phút ghi lại cảnh nhóm nữ sinh này nắm tóc, dùng dép đánh vào mặt hai nữ sinh.

Một số nữ sinh còn nhảy lên giẫm đạp lên người hai nữ sinh. Hai nữ sinh bị đánh không có bất kỳ hành động chống cự nào. Trong khi đánh hai nữ sinh này, nhóm nữ sinh cho rằng đã “xúc phạm dân tao”.

Trong đoạn video clip còn xuất hiện nam sinh khác nhưng người này không vào can ngăn mà để mặc hai nữ sinh chịu trận. Chỉ đến khi một nữ sinh bị chảy máu ở vùng mắt thì nhóm này mới dừng tay và bỏ đi. 

Vụ 3 nữ sinh bị đánh: Không thể khởi tố vụ án, nạn nhân nhập viện - ảnh 1

Nứ sinh trung học bị nhóm bạn đánh đập, bắt quỳ gối giữa đường - Ảnh cắt từ clip.

Tiếp đến, ngày 5/10, một đoạn clip ghi lại cảnh một thiếu nữ được cho là học sinh của Trường trung cấp nghề số 10 (TP Huế) bị hai bạn nữ khác chửi bới, lăng mạ, đánh hội đồng tiếp tục gây bức xúc dư luận.

Clip cũng cho thấy tại nơi xảy ra vụ việc có rất đông người đứng ở đó nhưng không một ai can ngăn, thậm chí có người còn cổ vũ, khích lệ việc các bạn đánh nhau. Đáng chú ý là người quay clip còn “hướng dẫn” việc đánh như thế nào.

Người xem có thể nghe rõ câu: “Đè hắn xuống. Tụi bây đánh kiểu chi rứa?”. Phải đến cuối clip có hai bạn trai khác vào can ngăn thì sự việc mới dừng lại.

Video: Hai nữ sinh xứ Huế đấm, đá chửi rủa bạn học gây xôn xao mạng xã hội 

Sự vô cảm tiếp tay cho bạo lực

Không chỉ phụ huynh của nạn nhân trong những vụ đánh hội đồng cảm thấy đau xót mà cha mẹ của những học sinh hung hăng đánh bạn cũng cảm thấy ngỡ ngàng.

“Mỗi khi xem lại đoạn clip con mình bị đánh, ruột gan tôi như thắt lại. Chúng còn nhỏ tuổi mà đánh con tôi dã man quá, cũng là con gái với nhau mà chúng nó hành xử còn hơn cả côn đồ ngoài chợ”, mẹ của một nữ sinh bị đánh bức xúc nói.

Nhiều người không dám xem lại clip lần thứ 2 vì không thể tin rằng đó là những hành động của học sinh trung học được học hành tử tế.

Vậy nhưng, không hiểu tại sao những người trực tiếp chứng kiến sự việc không những không can ngăn mà còn quay phim, chụp ảnh, hò reo, cổ vũ. Chính những hành động vô cảm đó càng tạo nên sự phấn khích cho những học sinh "côn đồ" thích lập bè phái đánh bạn.

106d3222425t8449l6

Sự vô cảm đang tiếp tay cho bạo lực học đường.

Theo các chuyên gia tâm lý, tất cả những điều trên cho thấy bạo lực học đường đã ở mức báo động nghiêm trọng. Và căn bệnh vô cảm đến kinh ngạc của giới trẻ thật sự đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà giáo dục. Trước hết và quan trọng nhất là giáo dục gia đình. Tiếp đến là giáo dục của nhà trường và xã hội. 

Muốn chữa bệnh vô cảm, cần tăng cường giáo dục gia đình và cải thiện hệ thống giáo dục nhà trường. Song song với dạy kiến thức, các thầy cô giáo cần quan tâm cả đến sự thay đổi tâm sinh lý của các em, giúp các em phát triển nhân cách tốt, sống nhân ái và yêu thương.

Chúng ta cũng cần có biện pháp giáo dục nghiêm khắc, cứng rắn hơn đối với những thành phần học sinh chia bè phái, lập nhóm đánh bạn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, thông tin về bạo lực học đường sẽ còn liên tục xuất hiện và hành vi xấu xí này chắc chắn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Video: Nữ sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trên facebook

 

Dương Dung
Bình luận
vtcnews.vn